Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn: Góp phần tạo nguồn cung lao động chất lượng
Năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 30 nghìn người lao động có tay nghề. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp, có 80-85% học sinh, sinh viên có việc làm tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất…qua đó góp phần xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
80-85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm
Tại Hội nghị "Đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn" diễn ra cuối tuần qua tại tỉnh Thừa Thiên Huế, thông tin về kết quả đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn trong năm 2021, ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Tổng số học sinh, sinh viên tuyển sinh năm 2021 là 74.653 người.
Cụ thể: Đào tạo nghề cho 31.075 người (trong đó: Cao đẳng nghề 506 người, Trung cấp nghề 6.351 người; Sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên là 24.254 người); huấn luyện An toàn vệ sinh lao động cho 18.158 đoàn viên và người lao động; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ Công đoàn cho 6.890 người. Trong đó, có 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề đạt và vượt chỉ tiêu (chiếm 42%), tiêu biểu như: Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật số 1 Nghệ An, Trường Cao đẳng - Công nghệ Hà Tĩnh, Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật số 2 Đồng Nai, Trường Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9 Quảng Bình, Trường Trung cấp kỹ thuật và nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Công đoàn Bình Định. Tuy nhiên, vẫn còn 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt chỉ tiêu đào tạo nghề (chiếm 16%).
Về giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp, trong năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thành phố để học sinh, sinh viên hệ Cao đẳng nghề và Trung cấp nghề đến thực tập sản xuất và thực tập tốt nghiệp. Trong quá trình thực tập, hầu hết các em học các nghề kỹ thuật, có kỹ năng tay nghề và yêu thích nghề đều được các doanh nghiệp nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Ghi nhận chung, sau khi tốt nghiệp, có 80-85% học sinh, sinh viên có việc làm tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn đã phát huy lợi thế về vị trí, địa điểm (trụ sở được đặt tại trung tâm các tỉnh, thành phố), tổ chức đào tạo nghề cho trên 30 nghìn người lao động có tay nghề góp phần xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.
Việc tổ chức dạy nghề và tư vấn giới thiệu việc làm cho đoàn viên và người lao động của tổ chức Công đoàn đã đóng góp tích cực vào việc ổn định thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động. Đáng chú ý, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đổi mới công tác tuyển sinh, đa dạng các loại hình đào tạo và cơ cấu ngành nghề hợp lý đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tổ chức đào tạo nghề theo địa chỉ. Sau khi tốt nghiệp sinh viên, học sinh ra trường có việc làm và thu nhập ổn định.
Tăng cường phát triển theo hướng tự chủ, linh hoạt
Từ thực tế hoạt động, yêu cầu đặt ra với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn cần tập trung nâng cao năng lực đào tạo hướng tới tự chủ tài chính về chi hoạt động thường xuyên; tích cực phối hợp với người sử dụng lao động để xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động.
Nội dung đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, cùng với việc phân tích, đánh giá nhu cầu việc làm của các ngành nghề kinh tế quốc dân, trong đó tập trung vào đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng làm việc nhóm, ý thức, tác phong công nghiệp, trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ, công nghệ hiện đại. Đa dạng hóa các phương thức, hình thức đào tạo: Đào tạo thường xuyên, đào tạo chuyên sâu, đào tạo cập nhật, đào tạo lại; đào tạo tại doanh nghiệp, tại cơ sở đào tạo; đào tạo trực tuyến; đào tạo ở nước ngoài, tạo cơ hội để người lao động thuận lợi trong việc tham gia học nghề.
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với Chính phủ xem xét: Đầu tư kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cho các cơ sở; đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí chi hoạt động thường xuyên cho các cơ sở.Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, tài trợ của các tổ chức quốc tế cho các hoạt động dạy nghề; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức công đoàn liên doanh, liên kết với các tổ chức quốc tế trong đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và đào tạo nghề cho lao động.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị, năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần quán triệt tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quyết định 2239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó cần chú trọng tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại.
“Đặc biệt, khi các trường đã chuyển sang cơ chế tự chủ, hoạt động như một doanh nghiệp, sẽ đòi hỏi rất cao sự năng động, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, chủ động đi tiếp cận với cơ sở, quan hệ với đối tác để có thêm điều kiện nguồn lực đảm bảo cho sự phát triển của nhà trường”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng lưu ý, các cơ sở giáo dục cần tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị nội bộ, đổi mới tư duy đi liền với hành động. Bởi, doanh nghiệp, xã hội đang rất cần người lao động có tay nghề, do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn cần chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo kỹ năng nghề bổ trợ để thích ứng với yêu cầu thực tiễn cụ thể tại nơi làm việc cho người mới tốt nghiệp trước khi đi làm. /.