Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Yên Bái vào mùa tuyển sinh
Từ tháng 6 đến tháng 9 là mùa tuyển sinh cao điểm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thời điểm này, 14 cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động tư vấn tuyển sinh để thu hút học sinh, sinh viên.
Năm nay, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái tuyển sinh hệ cao đẳng với chỉ tiêu trên 450 học viên, hệ trung cấp trên 1.000 học viên và trên 230 học viên trình độ sơ cấp với hình thức xét tuyển. Trường đào tạo 10 ngành nghề thuộc các lĩnh vực như: kỹ thuật điện, công nghệ thông tin, kinh tế, ô tô. Để làm tốt công tác tuyển sinh, nhà trường triển khai tập huấn cho đội ngũ tư vấn tuyển sinh chuyên nghiệp.
Điểm nhấn trong công tác tuyển sinh năm nay của Trường là tận dụng, khai thác, kết nối mọi nguồn lực trong và ngoài trường để có thể tiếp cận, cung cấp thông tin tuyển sinh của nhà trường đến được với nhiều người nhất, đặc biệt là phụ huynh, học sinh các trường THPT, THCS.
Nhà trường cũng đẩy mạnh khai thác các công cụ, tiện ích công nghệ, mạng xã hội trong truyền thông, thông tin tuyển sinh. Trong công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, nhà trường chú trọng truyền thông về hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp để tăng cơ hội thực hành, thực tập, việc làm cho người học sau tốt nghiệp.
Để tuyển sinh, thu hút người học, nhà trường thực hiện chính sách như: miễn học phí, giảm học phí, trao học bổng, học phẩm cho sinh viên và bố trí chỗ ở nội trú cho các đối tượng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vượt khó học giỏi…
Thầy Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cho biết: "Đa dạng các hình thức tuyên truyền là một cách làm rất hiệu quả để tuyển sinh, nhưng để quảng bá được hình ảnh, thương hiệu của nhà trường thì trọng tâm nhất vẫn phải là nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo số học sinh, sinh viên có việc làm, định hướng nghề nghiệp, xuất khẩu lao động, du học và thu nhập cao sau khi tốt nghiệp phải đạt tỷ lệ cao.
Hiện nay, nhà trường đang đào tạo một số nghề trọng điểm, phù hợp với định hướng phát triển ở tỉnh như: công nghệ ô tô và điện tử công nghiệp, điện công nghiệp. Với cách làm này, công tác tuyển sinh của nhà trường ngày một thuận lợi hơn”.
Trường Trung cấp Nghề Lục Yên năm học này có 19 lớp vừa đào tạo văn hóa vừa đào tạo các nghề như: điện công nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh, hàn, may mặc, thú y, chăm sóc sắc đẹp, pha chế… với trên 850 học sinh.
Thời gian qua, nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng nghiệp trong quá trình tuyển sinh nhằm nâng tỷ lệ đào tạo ngành nghề phù hợp nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng lao động.
Bắt đầu từ giữa tháng 6, nhà trường đã triển khai hoạt động tư vấn tuyển sinh tại các trường THCS trên địa bàn; gặp gỡ trực tiếp các em học sinh tại mỗi lớp học để tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giải đáp mọi thắc mắc của các em về việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Công tác tư vấn tuyển sinh tập trung giới thiệu ngành nghề, chính sách hỗ trợ, điều kiện học tập và cơ hội việc làm khi ra trường…
Hiện tại, nhà trường làm công tác tư vấn tuyển sinh qua điện thoại hoặc tư vấn trực tiếp tại trường cho phụ huynh và học sinh có nhu cầu. Các học viên sau khi tốt nghiệp từ nhà trường có việc làm đạt 85%; số còn lại tham gia học liên thông lên cao đẳng, đại học, do đó có nhiều học sinh quan tâm đến việc học nghề…
Tỉnh Yên Bái có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục và 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục đã góp phần đa dạng hóa loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.
Quy mô đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng, chất lượng đào tạo nghề được nâng cao, nội dung, phương pháp đào tạo được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tăng cường đào tạo thực hành, gắn kết với thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 20.000 người, trong đó trình độ cao đẳng là 1.400 người. Trước yêu cầu của thị trường lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đang có những hướng đi chiến lược để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tế.
Cùng với đó là tăng cường chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, giúp người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng khởi nghiệp… Chủ động dự báo, cập nhật dữ liệu về lao động qua đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ, làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh học nghề phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động, quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Để thu hút học sinh đến đăng ký học và tạo việc làm sau khi ra trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động đặt hàng, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng tham gia vào công tác đào tạo… Với những nỗ lực đó, ngày càng có nhiều học viên lựa chọn học nghề để khởi nghiệp cho mình.