Các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar phải có lối thoát hiểm
Đây là quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ và Thông tư 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định biện pháp bảo đảm an toàn PCCC&CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Sau khi xảy ra vụ cháy ở quán karaoke An Phú (tại số 166C, khu phố 1, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, vào lúc 20 giờ 48 phút tối6/9), sáng 8/9, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương khẳng định, công tác kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đối với cơ sở karaoke An Phú được thực hiện 4 lần. Trong đó, lần kiểm tra gần nhất được thực hiện vào ngày 27/4.
Qua tất cả các lần kiểm tra việc bảo đảm an toàn PCCC&CNCH tại karaoke An Phú, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Thuận An đều ghi nhận cơ sở này chấp hành quy định, như: Lập hồ sơ quản lý, phương án chữa cháy cơ sở, huấn luyện cho đội PCCC cơ sở, thực tập phương án chữa cháy, thống kê, báo cáo về PCCC, bảo đảm số lượng và trang bị trang phục chữa cháy cho đội PCCC cơ sở...
Sau các cuộc kiểm tra về an toàn PCCC, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục hướng dẫn cơ sở duy trì các điều kiện an toàn PCCC đồng thời kiến nghị nhiều nội dung để cơ sở tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo an toàn về PCCC.
Về kinh doanh hoạt động karaoke, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, một số chủ dịch vụ karaoke tại TP Hồ Chí Minh khẳng định, cơ sở karaoke là nhà cao tầng bắt buộc phải có cầu thang thoát hiểm, nếu không có thang thoát hiểm sẽ không được cấp phép hoạt động kinh doanh. Hàng năm, cơ quan chức năng, có sự phối hợp của cảnh sát PCCC&CNCH thường đi kiểm tra 2 - 3 lần. Nội dung kiểm tra về an toàn PCCC&CNCH, an toàn vệ sinh thực phẩm, hợp đồng lao động với nhân viên, giấy phép kinh doanh karaoke...
Cũng theo các chủ cơ sở kinh doanh karaoke, để được cảnh sát PCCC&CNCH cấp giấy giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC&CNCH, chủ dịch vụ karaoke bắt buộc phải đầu tư, phải gắn đầy đủ các thiết bị về PCCC mà cảnh sát PCCC&CNCH đã yêu cầu. Sau đó, cảnh sát PCCC&CNCH tiến hành kiểm tra, nếu thấy đầy đủ trang thiết bị PCCC thì mới cấp giấy đã thẩm duyệt thiết kế về an toàn PCCC.
Ngoài ra, cảnh sát PCCC vẫn thường đi kiểm tra xem những bình chữa cháy còn hạn sử dụng hay không, máy móc, chuông báo cháy, thiết bị phun nước tự động… có còn hoạt động hay không? Nếu hư hại bất cứ thiết bị PCCC nào trong chỉ 1 phòng karaoke thì chủ kinh doanh sẽ bị phạt và bị buộc phải khắc phục.
Theo nguồn tin của phóng viên, tại karaoke An Phú (nơi xảy ra cháy) có 2 cầu thang thoát hiểm nằm trong khuôn viên căn nhà, nhưng khách và nhân viên không thể sử dụng. Lý do là những phòng hát karaoke tại cơ sở này được thiết kế ngoằn ngoèo nên khi có cháy khó có thể chạy thẳng ra cầu thang thoát hiểm.
Cũng theo nguồn tin trên, nếu những vị khách đến hát và tiếp viên chạy được lên tầng thượng, rồi nhảy xuống mái tôn nhà bên cạnh thì khả năng sống sót rất cao. Trong khi nhiều nạn nhân do đã uống bia và một số cố thủ trong phòng vệ sinh, dẫn đến tử vong vì ngạt khói.
Trước sự việc đau lòng xảy ra tại karaoke An Phú, ngày 8/9, Công an TP Hồ Chí Minh đã có khuyến cáo đối với các cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar buộc phải chấp hành Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC” và Thông tư 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định biện pháp bảo đảm an toàn PCCC&CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Theo đó, các dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar trước khi đưa vào hoạt động buộc phải có giấy phép hành nghề, được thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC và phải niêm yết công khai cho nhân viên và khách hàng nắm, cũng như thực hiện các nội quy, quy định về PCCC; xây dựng và thực tập phương án PCCC&CNCH; phương án thoát hiểm, thoát nạn và phải được trang bị phương tiện PCCC, thiết bị báo động khi xảy ra sự cố đối với người dân khi đến nơi vui chơi, giải trí.
Đối với người dân khi vào các điểm nêu trên để vui chơi, giải trí, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra khuyến cáo, như sau: Cần tìm hiểu kiến thức cơ bản về PCCC và kỹ năng thoát nạn. Khi vào vui chơi tại các cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar cần quan sát lối thoát nạn.
Khi có cháy cần bình tĩnh hô hoán, báo động cho mọi người ra lối thoát nạn gần nhất như ban công, cửa sổ, sân thượng hoặc sang nhà bên hoặc xuống đất bằng thang. Tuyệt dối không núp trong phòng hay nhà vệ sinh, nếu phải băng qua lửa cần dùng khăn ướt quấn vào người và thoát ra nhanh nhất có thể. Nếu có khói hãy dùng khăn ướt che mũi và cúi đầu men theo tường để ra lối thoát nạn.
Sau vụ cháy karaoke An Phú tại tỉnh Bình Dương, Công an TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm PCCC&CNCH của người đứng đầu cơ sở tại những khu công nghiệp, chung cư, trung tâm thương mại và những quán bar, vũ trường, karaoke. Việc kiểm tra tập trung vào hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác PCCC, về giao thông, nguồn nước, khoảng cách phòng cháy, chống cháy, bậc chịu lửa và quy mô của công trình; việc duy trì các điều kiện an toàn PCCC đối với ngôi nhà; các điều kiện an toàn PCCC&CNCH trong quá trình hàn cắt kim loại, lắp đặt biển quảng cáo…
Tại buổi họp báo sáng 8/9, xung quanh những câu hỏi về nguyên nhân vụ cháy; công tác thẩm định, duyệt PCCC tại quán karaoke; trách nhiệm để xảy ra vụ cháy? Giám đốc Công an Bình Dương Trịnh Ngọc Quyên cho biết: Nhận định ban đầu, lửa bùng lên ở phòng tầng 3 do chập điện, sau đó lan ra rất nhanh. Khi lực lượng chữa cháy đến, hầu hết phòng chốt cửa phía trong, không thể tiếp cận. Các chiến sĩ đã mặc bảo hộ hiện đại nhất để tiếp cận nhưng cháy quá nhanh, không thể cấp cứu. Do đó, ngoài nguyên nhân khách quan, về chủ quan có một phần trách nhiệm những khách hàng... Quán hát có bố trí về thang bộ, thang máy, thoát hiểm nhưng vẫn phải chờ kết quả giám định hiện trường. Công an sẽ kiểm tra kỹ điều kiện quy chuẩn có đúng sơ đồ thiết kế.