Các cơ sở nuôi cá tra phải rà soát, khắc phục lỗi
Để chuẩn bị tốt cho Đoàn thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ FSIS (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) sang Việt Nam đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, ngày 27/7, tại thành phố Cần Thơ, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức tập huấn 'Hướng dẫn quy định về an toàn thực phẩm và chuẩn bị hồ sơ làm việc với thanh tra nước ngoài'.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 142 cơ sở nuôi cá tra phục vụ cho các nhà máy chế biến của 5 doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ (chiếm khoảng 8% so với tổng cơ sở nuôi toàn quốc xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ). Mặc dù, số lượng cơ sở nuôi này không lớn so với toàn quốc nhưng rất quan trọng.
Phó Cục trưởng Cục Thủy sản - Nhữ Văn Cẩn, nhận định đợt thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ FSIS quan trọng. Theo đó, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản lưu ý 142 cơ sở nuôi sẽ phải rà soát đảm bảo không xảy ra sơ suất, làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện đón Đoàn thanh tra Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ FSIS, tại buổi tập huấn, Cục Thủy sản đã thông tin về kết quả rà soát, kiểm tra điều kiện của các cơ sở nuôi cá da trơn cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ và hướng dẫn khắc phục lỗi sai; cập nhật các quy định mới về thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngoài ra, đại diện Chi cục quản lý Thủy sản các tỉnh, thành chia sẻ những tồn tại, vướng mắc trong điều kiện các cơ sở nuôi ở địa phương; đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp khắc phục.
Trước những băn khoăn, lo lắng của các địa phương, Cơ quan chuyên môn Cục Thủy sản đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở khẩn trương khắc phục, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh,...
Nhận định Hoa Kỳ là thị trường lớn, là "tín chỉ" để xuất khẩu sang thị trường khác, đại diện một doanh nghiệp về chế biến và xuất khẩu thủy sản kỳ vọng những thông tin tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cơ sở nuôi được đại diện Cục Thủy sản, các địa phương cung cấp sẽ giúp các vùng nuôi, cơ sở nuôi khắc phục được bất cập, sai sót. Từ đó, sẽ chuẩn bị tốt cho đợt kiểm tra của phía Hoa Kỳ.
"Sau đợt kiểm tra của Đoàn thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ FSIS, thị trường xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sẽ khởi sắc hơn", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Dự kiến, trong tháng 8, Đoàn thanh tra FSIS sẽ thực hiện kiểm tra 5 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ.
Vừa qua, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức rà soát điều kiện nuôi của 17 cơ sở tại 4 địa phương nuôi cá tra trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp nguyên liệu để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Tiền Giang. Các vùng nuôi, cơ sở nuôi còn lại do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát.
Cục Thủy sản đánh giá, các cơ sở đảm bảo có 100% mã số nhận diện ao nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn một số tiêu chí về cơ sợ hạ tầng chưa đảm bảo như: bờ ao chưa đảm bảo, một số khu vực phụ trợ có vị trí chưa phù hợp, ao nuôi và ao xử lý bùn chưa phân biệt rõ ràng, quy mô diện tích còn nhỏ lẻ,…
Ông Nhữ Văn Cẩn - Phó Cục trưởng Cục Thủy sản lo ngại, hiện giá cả cá tra giảm, dẫn đến tâm lý người dân lơ là trong việc chăm sóc cá, đặc biệt một số đơn vị cũng có sự chủ quan trong khâu kiểm tra. Theo kiểm tra, các trang trại, vùng nuôi của doanh nghiệp quản lý thực hiện rất tốt trong khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, kỹ thuật nuôi, ao nuôi,... nhưng các doanh nghiệp lại bày tỏ lo ngại đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy xuất khẩu sang Hoa Kỳ.