Các cơ sở sản xuất giò, chả vào cao điểm vụ Tết
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời điểm này những cơ sở sản xuất giò, chả ở một số địa phương trong tỉnh đang trong cao điểm làm hàng, tăng tốc phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Cơ sở sản xuất giò, chả của gia đình ông Đoàn Danh Cường ở xã Hải Triều (Tiên Lữ) những ngày cuối năm nhộn nhịp khách hàng. Thời gian này, ngoài huy động người nhà, ông thuê thêm 3 - 5 lao động để sản xuất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngày thường, cơ sở tiêu thụ khoảng 30 - 50 kg giò, chả các loại/ngày, dịp Tết số lượng tăng gấp 3 đến 4 lần, nhờ vậy trừ chi phí đạt thu nhập trên 1 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, cơ sở chế biến các mặt hàng khác như: mọc, giò xào, chả, giò pha tai lợn... Với nhiều năm kinh nghiệm, ông Cường cho biết: Làm nghề chế biến thực phẩm, quan trọng nhất là phải “giữ chân” được khách hàng, bằng cách phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Nguyên liệu chế biến phải chọn lọc từ những con lợn khỏe mạnh, trong quá trình chế biến không thêm phụ gia, chất cấm. Sản phẩm chế biến ra được tiêu thụ trong ngày để bảo đảm chất lượng. Hiện nay, cơ sở đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Bá Thủy ở thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) dán tem nhãn cho phẩm giò, chả của gia đình
Về thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) những ngày này, tiếng máy xay giò rộn rã suốt ngày đêm. Nghề làm giò, chả ở Trai Trang diễn ra quanh năm nhưng dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhộn nhịp nhất. Nghề làm giò, chả ở đây có từ lâu đời, hiện nay có khoảng 40 hộ làm nghề. Dịp cuối năm, các hộ làm nghề cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn giò, chả các loại, cao gấp 4 đến 5 lần ngày thường. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, giò, chả Trai Trang được bán ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước, thậm chí gửi sang nước ngoài làm quà biếu. Sản phẩm cũng đã có mặt tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học… Nhờ làm nghề truyền thống mà nhiều hộ dân trong thôn có thu nhập cao, cơ ngơi khang trang.
Ông Nguyễn Bá Thủy ở thôn Trai Trang có truyền thống làm giò, chả từ hơn 30 năm trước. Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất giò chả của gia đình ông tiêu thụ 2 – 3 tạ giò, chả thành phẩm. Ông Thủy chia sẻ: Làm nghề này vất vả lắm, cập rập suốt đêm tới sáng. Bù lại thu nhập cao, thời điểm Tết chỉ sợ không có sức mà làm.
Một ngày làm việc của các hộ làm giò, chả ở Trai Trang thường bắt đầu từ 1 giờ sáng. Từ Tết dương lịch, các hộ vào cao điểm sản xuất, thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi. Hiện nay, nhiều công đoạn đã có máy móc hỗ trợ nên việc làm giò, chả thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để sản phẩm chất lượng thì lại tùy thuộc vào công thức của từng hộ sản xuất; tỷ lệ thịt nạc, mỡ, gia vị như thế nào cho vừa cần đến sự khéo léo, tinh tế của người thợ. “Thịt xay quá thời gian làm cho giò bị bở, mất đi độ giòn. Việc canh thời gian, nhìn cối thịt đoán được độ vừa của giò rất quan trọng. Thịt vừa xay xong phải mang đi gói ngay, để lâu ảnh hưởng tới độ thơm”, anh Đỗ Văn Tú, một hộ sản xuất cho biết.
Để làm ra sản phẩm ngon thì nguyên liệu phải bảo đảm chất lượng. Chị Thúy, một hộ sản xuất giò ở Trai Trang chia sẻ thêm: Thịt lợn phải tươi, còn hơi ấm của lợn vừa được mổ, sau đó đem đi xay ngay mới giữ độ tươi, dẻo, thơm ngon. Ngoài ra, máy móc, dụng cụ sản xuất phải được rửa sạch sẽ, lau khô tránh vi khuẩn.
Năm nay, các hộ làm nghề ở thôn Trai Trang đón nhận thêm niềm vui bởi “Giò, chả Trai Trang” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, trong thôn có 20 hộ sản xuất kinh doanh giò, chả được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể. Ông Ngô Quang Thiệu, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Mỹ cho biết, nghề làm giò, chả thôn Trai Trang phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trong thời gian qua, người làm nghề mới chỉ chú tâm đến việc làm sao cho sản phẩm được ngon và vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa chú ý đến phát triển thương hiệu. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Giò, chả Trai Trang” có ý nghĩa quan trọng, các hộ sản xuất phấn khởi bởi sản phẩm truyền thống của làng nghề đã được bảo hộ về mặt pháp lý, tăng uy tín, mở ra cơ hội mới cho sản phẩm của địa phương.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các hộ sản xuất quan tâm, đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; quan tâm, chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm giò, chả; đồng thời tiến tới xây dựng giò, chả Trai Trang thành sản phẩm OCOP của địa phương với những hoạt động hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ để các hộ sản xuất yên tâm làm nghề.
Giò, chả là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ thắp hương gia tiên trong những ngày Tết cổ truyền. Với nước mắm ngon vừa đủ, chút mì chính cho thêm phần đậm đà, thịt lợn sau khi xay mịn được gói cẩn thận bằng lá chuối rồi cho vào luộc. Đến khi mặt trời mọc cũng là lúc trong bếp mùi giò luộc chín thơm nức. Những cây giò nóng hổi được vớt ra bốc khói nghi ngút mang hương vị xuân đến mọi nhà.