Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm

Tính đến hết ngày 13/9/2024, Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã kiểm tra 68 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Nhìn chung năm nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Qua đó, giúp các em thiếu nhi đón tết Trung thu vui – khỏe - an toàn. Đây là thông tin được ông Hoàng Lý Tưởng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trao đổi cùng phóng viên báo Cà Mau.

- Thưa ông, trong dịp Tết Trung thu năm nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhất là các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh trung thu như thế nào?

Ông Hoàng Lý Tưởng: Nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh Trung thu tăng đột biến trong dịp Tết Trung thu. Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn, còn một số tổ chức cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh bánh kẹo không có nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng. Do đó, chính quyền các cấp từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết Trung thu.

Ngay từ giữa tháng 8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Tổ giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh (Ban chỉ đạo) đã tham mưu Ban chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết Trung thu năm 2024. Kế hoạch hướng dẫn cụ thể công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm, giao nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị liên quan, trong đó Sở Y tế chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tuyến tỉnh. Thành phần đoàn kiểm tra đa dạng từ cơ quan chuyên môn kiểm tra về an toàn thực phẩm, cơ quan giám sát, cơ quan truyền thông như: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Phòng PC03 Công an tỉnh, Báo Cà Mau…

Tính đến hết ngày 13/9, đoàn đã kiểm tra 68 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh.

Tính đến hết ngày 13/9, đoàn đã kiểm tra 68 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh.

Đoàn tập trung kiểm tra phần lớn các cơ sở sản xuất bánh, kẹo và các nhà phân phối bánh kẹo trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với cơ sở sản xuất, chúng tôi kiểm tra về điều kiện trang thiết bị sản xuất, điều kiện vệ sinh nhà xưởng, nguồn gốc nguyên liệu sản xuất, thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm… Đối với cơ sở kinh doanh, chúng tôi kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, nội dung ghi nhãn sản phẩm, điều kiện trưng bày, bảo quản, vận chuyển sản phẩm... Đoàn chủ động nắm thông tin và tiến hành kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh bằng hình thức online, tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự phát, theo mùa vụ do không đăng ký, không có địa điểm cố định, hàng hóa không chứa tại kho... Bên cạnh đó, đoàn lấy mẫu một số sản phẩm nghi ngờ gửi phòng kiểm nghiệm nhằm đánh giá về chất lượng, an toàn thực phẩm.

- Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần nêu cao trách nhiệm và tuân thủ quy định pháp luật ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Lý Tưởng: Các cơ sở sản xuất kinh, doanh thực phẩm nói chung, bánh kẹo nói riêng cần nêu cao trách nhiệm và thực hiện đúng các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Cần gắn lợi nhuận với quyền lợi người tiêu dùng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đối với cơ sở sản xuất, phải đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất, đảm bảo kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm của người trực tiếp tham gia sản xuất; kiểm soát nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu thực phẩm; chỉ sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia thực phẩm trong danh mục cho phép; sản phẩm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm theo mức công bố.

Các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần bảo quản sản phẩm thực phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Đối với bánh Trung thu, cần bày bán và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để bánh trực tiếp dưới ánh nắng, không để gần hàng hóa có mùi lạ. Tuyệt đối không được bán bánh trôi nổi, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bị mốc, hỏng.

Qua kiểm tra, các cơ sở sản xuất bánh, kẹo phục vụ thị trường tết Trung thu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Qua kiểm tra, các cơ sở sản xuất bánh, kẹo phục vụ thị trường tết Trung thu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Bên cạnh việc kiểm tra, ngành có những khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm bánh mứt, để đón Tết Trung thu vui tươi, lành mạnh, an toàn?

Ông Hoàng Lý Tưởng: Với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, sự quan tâm của toàn xã hội, chất lượng an toàn thực phẩm nói chung, bánh mứt nói riêng, ngày càng cải thiện, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để bảo vệ tốt hơn sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, ngành Y tế khuyến cáo mỗi người dân hãy là một “người tiêu dùng thông thái”.

Chỉ mua và sử dụng sản phẩm có bao bì nguyên vẹn, nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; nhất là mua qua các mạng xã hội: cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán, nguồn gốc sản phẩm. Nhãn đầy đủ thông tin như: tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản và sử dụng. Tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi trên thị trường, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, hết hạn sử dụng, có dấu hiệu hỏng, mốc. Khi phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối bánh, mứt, kẹo kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời.

- Xin cảm ơn ông!

Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 17/6/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011, quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; quy định về kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Các nguyên tắc chung về xử lý hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm được nêu tại Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Điều 6 Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Theo đó, tổ chức, cá nhân, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ATVSTP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với cá nhân), nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Luật An toàn thực phẩm, có ba loại chế tài là chế tài dân sự, chế tài hành chính và chế tài hình sự có thể bị áp dụng đối với hành vi của tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Quỳnh Anh thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/cac-co-so-san-xuat-kinh-doanh-chap-hanh-tot-quy-dinh-ve-an-toan-thuc-pham-a34462.html