Các công trình kiến trúc cần sự kế thừa phù hợp và hướng về tương lai
'Mọi sự từ bỏ quá khứ đều dễ mang lại hoài niệm nhất là những công trình kiến trúc nằm ở khu vực quan trọng, tuy nhiên vì sự phát triển cần nhìn thẳng vào vấn đề để giải quyết hợp lý. Vì nếu tất cả các công trình của Pháp trước đây chúng ta đều giữ lại thì khu vực nội đô của các thành phố lớn sẽ hạn chế về mặt phát triển. Do đó, những công trình không nằm trong danh mục cần bảo tồn, chúng ta cũng phải xem xét và tính đến việc thay thế một cách phù hợp'.
Những ngày qua, công trình số 61 Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của dư luận bởi đây vốn là công trình được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 và tại đây đang được triển khai dự án Công trình đa chức năng Postef.
Đã có nhiều bài báo, ý kiến của các cơ quan truyền thông và cả các chuyên gia cũng như dư luận đối với việc triển khai dự án tại khu đất số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình. Đây từng là khuôn viên của nhà máy sản xuất thiết bị bưu điện.
Công trình tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ các quy định về mặt pháp lý
Đứng ở góc độ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có những trao đổi thẳng thắn và cởi mở với Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề này.
Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, dự án Công trình đa chức năng Postef tại số 61 Trần Phú đã tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ các quy định về mặt pháp lý và điều đó được thực hiện xuyên suốt trong cả một quá trình.
"Toàn bộ các văn bản từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho đến các văn bản của các bộ, ngành, TP. Hà Nội, trong đó có hệ thống văn bản của Thành ủy, Ủy ban nhân dân, đều thực hiện theo quy trình về mặt pháp lý, bảo đảm đủ độ chặt chẽ và đúng quy định. Các văn bản đều đã tính đến yếu tố công trình này nằm trong khu Trung tâm chính trị Ba Đình, có tầm quan trọng đặc biệt, mang tầm vóc quốc gia có giá trị về văn hóa lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước, với mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các di sản văn hóa lịch sử kiến trúc đô thị", TS.KTS Phan Đăng Sơn nhấn mạnh.
Đồng thời, suốt từ năm 2010 đến năm 2021, TS.KTS Phan Đăng Sơn cho biết, có khoảng hơn 20 văn bản chính thức của TP. Hà Nội từ quyết định chuyển quyền thuê đất đến quyết định của các sở, ban ngành TP. Hà Nội có liên quan đến khu đất này và cũng với số lượng các văn bản như trên đã được trao đổi giữa các bên liên quan. Các văn bản đều bám sát các quy định pháp lý của nhà nước cũng như các quy trình giải quyết công việc của TP. Hà Nội.
Điều này cũng đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định khi thông tin tới báo chí, đó là việc di dời nhà máy ra khỏi khu trung tâm để xây dựng công trình đa chức năng tại số 61 Trần Phú, quận Ba Đình với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc là phù hợp định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Cụ thể, dự án đầu tư Công trình đa chức năng Postef tại khu đất số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình do Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef) là chủ đầu tư quản lý, sử dụng theo Quyết định số 1738 ngày 16/4/2010 của UBND TP. Hà Nội.
Dự án Postef có tổng diện tích khoảng 9.078m2. Trong đó 1.555m2 đất nằm trong chỉ giới đường đỏ, không được xây dựng công trình; 7.523m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất là 50 năm kể từ ngày 15/11/2004.
Trên khu đất có các công trình cao 2 tầng, trước đây là trụ sở và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện.
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011 và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung thành phố, khu đất nêu trên thuộc Khu Trung tâm chính trị Ba Đình với yêu cầu quản lý quy hoạch và không gian kiến trúc các công trình theo "Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình".
Theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013, khu đất Nhà máy thiết bị bưu điện (lô G1) thuộc khu vực phục vụ chung cho Khu Trung tâm chính trị Ba Đình và có định hướng di chuyển nhà máy ra khỏi trung tâm, xây dựng thành khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ. Công trình tại đây chỉ được cao tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%.
Công trình 61 Trần Phú đã được lấy ý kiến và thống nhất của các bên liên quan
Quá trình triển khai dự án, Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế, thành lập hội đồng tuyển chọn để lựa chọn phương án thiết kế tối ưu.
Nội dung đề xuất đầu tư xây dựng đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo UBND TP. Hà Nội gửi xin ý kiến Bộ Xây dựng. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã tổ chức lấy ý kiến Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố và tiến hành một số bước theo quy định.
Để Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo, căn cứ các quy định, quy hoạch có liên quan, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã chấp thuận Tổng mặt bằng và Phương án kiến trúc công trình đa chức năng (Tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp) kèm theo Văn bản số 530/QHKT-TMB-PAKT ngày 25/01/2017 với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Mật độ xây dựng khoảng 50%; số tầng cao 11 tầng nổi + tum thang kỹ thuật và có 6 tầng hầm; chiều cao công trình 42,9 m.
Cũng tại văn bản này, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã yêu cầu chủ đầu tư cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc công trình theo Thông báo số 3653/TB-HĐKTQH ngày 05/7/2016 của Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Thành phố và các cơ quan có liên quan, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, hội nghề nghiệp, các tổ chức tư vấn thiết kế có năng lực để được tư vấn, góp ý hoàn thiện hình thức kiến trúc công trình, bảo đảm phù hợp với chức năng sử dụng, có tính thống nhất với các công trình lân cận, đóng góp hiệu quả cho không gian kiến trúc cảnh quan trong tổng thể Khu trung tâm chính trị Ba Đình theo Quy hoạch chi tiết tại khu vực đã được phê duyệt.
Đến nay, dự án đầu tư đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3841/QĐ-UBND ngày 24/6/2017, Quyết định số 4912/QĐ-UBND ngày 25/7/2017 và số 1783/QĐ-UBND ngày 04/5/2020; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại Quyết định số 2182/QĐ-UBND ngày 09/5/2018.
Cục Quản lý Hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã có ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở tại Văn bản số 1159/HĐXD-QLDA ngày 08/12/2017, thẩm định thiết kế kỹ thuật phần ngầm tại Văn bản số 07/HĐXD-QLTK ngày 06/01/2020; Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng phần ngầm công trình số 83/GPXD ngày 08/12/2020.
Ngày 19/11/2021, công ty đã hoàn thiện thủ tục thông báo khởi công dự án với UBND phường Điện Biên.
Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định, quy mô công trình cần thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, tương đồng với công trình Nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng tại khu đất đối diện (cao 11 tầng/44,6 m) để không làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc cảnh quan của Khu trung tâm chính trị Ba Đình.
Công trình 61 Trần Phú không nằm trong danh mục cần được bảo tồn
Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, xét về phương diện pháp lý và các quy định tiến hành, quy mô công trình hiện nay theo chấp thuận của Sở Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội, các chỉ tiêu về tổng mặt bằng cũng bám sát từ quyết định của Chính phủ và quy định của TP. Hà Nội, không có chỉ tiêu nào bị vượt.
Về mặt kiến trúc, phương án kiến trúc cũng đáp ứng đúng theo quy định chung về các chỉ tiêu, không có chỉ tiêu nào vượt quá giới hạn quy định.
Vấn đề dư luận quan tâm là công trình kiến trúc có giá trị này cần phải được bảo tồn hay không, cũng đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định, công trình này không nằm trong "Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa" được ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội.
TS.KTS Phan Đăng Sơn cũng khẳng định không có việc bỏ sót trong công trình này nằm trong công trình kiến trúc có giá trị.
"Theo Điều 13 của Luật Kiến trúc mới nhất, công trình này không thể nào đưa vào công trình kiến trúc có giá trị. Vì vậy công trình không nằm trong danh mục công trình kiến trúc cần bảo tồn. Đây là điều rất rõ ràng", TS.KTS Phan Đăng Sơn nhấn mạnh.
Những chỉ đạo và thực hiện kịp thời, lắng nghe ý kiến của nhân dân
Tuy nhiên, trước sự quan tâm của dư luận đối với công trình số 61 Trần Phú, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND Thành phố, các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình); đồng thời, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án nêu trên.
Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công; rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú.
Đồng thời, đề nghị việc bảo đảm tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan khu trung tâm chính trị Ba Đình. Nội dung này, theo Bộ Xây dựng, đã từng được lưu ý tại Văn bản số 515 ngày 24/3/2016 gửi UBND TP. Hà Nội.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Hà Nội nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.
Trước những chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ Xây dựng, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện đã nghiêm túc chấp hành, dừng mọi công việc liên quan đến dự án Công trình đa chức năng Postef. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng để giải trình và làm rõ những yêu cầu cơ quan chức năng đặt ra.
Trao đổi về vấn đề này, TS.KTS Phan Đăng Sơn cho rằng, sự quan tâm của dư luận đối với công trình tại số 61 Trần Phú đã thể hiện tâm huyết của những người trong nghề và ngoài nghề đối với đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc - một lĩnh vực quan trọng, nhất là đối với đô thị ngàn năm văn hiến như Hà Nội.
Vì vậy, theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội đã thể hiện cách làm rất nghiêm túc dựa trên cơ sở rất dân chủ, có tính khoa học và hợp lý. Ý kiến của Bộ Xây dựng cũng đã thể hiện rất rõ ràng và kịp thời từ văn bản số 515 ngày 24/3/2016 đến văn bản số 1145 ngày 6/4/2022, thể hiện trách nhiệm cao và kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước.
TS.KTS Phan Đăng Sơn cũng cho rằng, Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện đã thể hiện sự cầu thị, nghiêm túc và sẵn sàng chấp hành các quy định pháp lý cũng như tôn trọng tiếng nói của cộng đồng, tôn trọng sự phát triển của lịch sử của đất nước.
Điều đó thể hiện qua việc bức tường công trình phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực có bức phù điêu Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ, ghi dấu sự kiện ngày 19/5/1967, Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện đã xác định được những giá trị lịch sử của Bức phù điêu từ trước nên có trách nhiệm giữ gìn nguyên trạng, có phương án di chuyển (nếu cần), bảo vệ bức phù điêu tại đúng vị trí trước khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng, theo đúng chỉ đạo của UBND quận Ba Đình.
TS.KTS Phan Đăng Sơn cũng cho biết, vừa qua dư luận, báo chí trong đó có ý kiến của đồng chí Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam có nêu một số nội dung về công trình này. Tuy nhiên, TS.KTS Phan Đăng Sơn khẳng định, đó là ý kiến cá nhân, không đại diện cho Hội Kiến trúc sư Việt Nam và không đại diện cho giới kiến trúc sư Việt Nam.
"Mặt khác, nếu so sánh với công trình tại số 61 Trần Phú là công trình 8B Lê Trực thứ hai thì đây là so sánh vừa khập khiễng và không phù hợp. Vì mỗi công trình có trạng thái, xuất phát điểm riêng và sự giải quyết ở mỗi công trình rất khác nhau. Vì vậy không nên đánh giá một cách không phù hợp, lại trên cơ sở chưa tìm hiểu kỹ, sâu và đúng về các quy trình triển khai", TS.KTS Phan Đăng Sơn nhấn mạnh.
Trao đổi về đánh giá của Hội Kiến trúc sư Việt Nam về vấn đề này, TS.KTS Phan Đăng Sơn cho biết, tất cả các đô thị của chúng ta hiện nay nếu xét về phương diện phát triển, về tương lai cũng cần sự kế thừa quá khứ một cách phù hợp, tuy nhiên việc thay thế các công trình không còn phù hợp, lại không nằm trong danh mục cần được bảo vệ và tôn tạo là điều bình thường.
Đối với công trình tại số 61 Trần Phú, theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, nên nghiên cứu lại phương án kiến trúc bằng hình thức phát triển tiếp theo phương án đang có gắn với những phương án mới, để xứng đáng với vị trí Trung tâm chính trị Ba Đình. Hoặc nên có thi tuyển lại phương án kiến trúc để lựa chọn một phương án thỏa đáng trên cơ sở tuân thủ các quy định trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhất là đối với những vấn đề liên quan đến trung tâm chính trị Ba Đình.
Đồng thời, cần phải rà soát và xem xét lại thông số về chiều cao, mặt bằng tổng thể, khoảng lùi tại mặt đường, đặc biệt là mặt đường Hùng Vương và Trần Phú. "Cơ bản nhất là hình thái kiến trúc cần được cân nhắc lựa chọn cho phù hợp với khu vực này. Nếu hình thái kiến trúc có sự kế thừa hay gợi lên được hoài niệm về chốn đô thị cảnh quan khu vực thì dễ mang đến sự thành công cao hơn cho dự án", TS.KTS Phan Đăng Sơn nói.
TS.KTS Phan Đăng Sơn cho rằng, mọi sự từ bỏ quá khứ đều dễ mang lại hoài niệm nhất là những công trình kiến trúc nằm ở khu vực quan trọng, tuy nhiên vì sự phát triển cần nhìn thẳng vào vấn đề để giải quyết hợp lý. Vì nếu tất cả các công trình của Pháp trước đây chúng ta đều giữ lại thì khu vực nội đô của các thành phố lớn sẽ hạn chế về mặt phát triển. Vì thế Chính phủ và các cơ quan chức năng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng đều có quy định rất rõ là phải thống kê, xác định các công trình cần bảo tồn, cần giữ gìn; còn lại những công trình không nằm trong danh mục cần bảo tồn chúng ta cũng phải xem xét và tính đến việc thay thế một cách phù hợp, hướng đến tương lai.