Các công trình kiến trúc Pháp đã trở thành di sản Hà Nội như thế nào?

Sách song ngữ 'Kiến trúc Hà Nội' tái hiện những công trình kiến trúc giao thoa văn hóa Việt - Pháp đặc trưng của thủ đô qua góc nhìn mới.

 Sách song ngữ Kiến trúc Hà Nội - Architectures de Hanoi. Ảnh: T.A.

Sách song ngữ Kiến trúc Hà Nội - Architectures de Hanoi. Ảnh: T.A.

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, di sản đô thị cũng trở thành một chủ đề quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam. Văn hóa đô thị gắn liền với những không gian sinh hoạt, các tòa nhà mà các cộng đồng đô thị đã và đang thụ hưởng qua năm tháng.

Các công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội là một biểu hiện cho chủ đề di sản đô thị hiện nay, đánh dấu sự tiếp nhận tiến trình hiện đại hóa của riêng Hà Nội, và Việt Nam nói chung. Những tòa nhà, công trình, vốn đại diện cho chế độ thực dân, đã thay đổi để được tiếp nhận như một phần của bản sắc thành phố, hay rộng hơn là bản sắc của dân tộc.

Cuốn sách song ngữ Kiến trúc Hà Nội - Architectures de Hanoi được thực hiện dựa trên cơ sở của những ký ức và sức sống của những công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội hiện nay. Công trình là nỗ lực trong hai năm của những người trẻ tuổi lẫn những người không còn trẻ nhằm lưu giữ và khai thác những hình ảnh, tài liệu, thông tin về những công trình, từng thuộc về quá khứ thực dân trên đất Hà Nội.

Sách gồm 3 phần: Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội xưa; Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộcKiến trúc Hà Nội sau năm 1954.

Dấu ấn di sản qua thời gian

Phần 1 Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội xưa điểm qua một cách súc tích những đặc điểm kiến trúc điển hình của một thành phố truyền thống vùng Đông Nam Á: "xen lẫn các làng xã trong không gian đô thị và sự hình thành các khu vực cứ trú của những gia đình có cùng ngành nghề sản xuất hoặc buôn bán". Phần này gồm nhiều tranh minh họa các công trình như Điện Kính Thiên, Khuê Văn Các, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn...

Phần 2 Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc, cũng là phần chính chiếm phần lớn dung lượng cuốn sách, lần lượt điểm qua 13 công trình tiểu biểu theo phong cách beaux-arts (Nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ...), 2 công trình theo phong cách art déco (Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Trụ sở Tổng cục Quản lý Thị trường), 6 công trình theo phong cách Đông Dương (Đại học Quốc gia Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam...).

Mỗi phong cách đều có phần giới thiệu tổng quan, mỗi công trình lại được phân tích những đặc trưng cụ thể đi kèm phần giải thích thuật ngữ. Trong đó, đội ngũ thực hiện đã nhấn mạnh vào những nét văn hóa Việt Nam được lồng ghép vào các công trình do kiến trúc sư Pháp thực hiện.

Ngoài ra, phần này cũng giới thiệu các công trình tiêu biểu của kiến trúc Pháp thuộc thời kỳ đầu, các công trình kiến trúc thép và công trình phong cách Phục hưng Gothique trải dài lãnh thổ Việt Nam, trong đó tiêu biểu là những công trình thuộc Hà Nội như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cầu Long Biên, Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Phần 3 Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954 điểm qua một số công trình như Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, Đài tưởng niệm Liệt sĩ Bắc Sơn.

 Chủ nhiệm Dự án Trần Hải Anh (trái) và Chủ nhiệm Mỹ thuật Nguyễn Quốc Huy tại buổi giao lưu "Kiến trúc Hà Nội - Dấu ấn Di sản qua thời gian" diễn ra vào ngày 12/11 tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: T.A.

Chủ nhiệm Dự án Trần Hải Anh (trái) và Chủ nhiệm Mỹ thuật Nguyễn Quốc Huy tại buổi giao lưu "Kiến trúc Hà Nội - Dấu ấn Di sản qua thời gian" diễn ra vào ngày 12/11 tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: T.A.

Qua đó, cuốn sách cho người đọc một cái nhìn về sự chuyển dịch giá trị công trình, dưới những biến thiên của lịch sử, xã hội. Đây cũng là một góc nhìn tham chiếu cho cách ứng xử của chúng ta ngày nay với di sản đô thị ở nhiều thành phố khác, như TP.HCM, Đà Lạt,...

Nguyễn Quốc Huy - Chủ nhiệm Mỹ thuật của cuốn sách cho biết đây là một "đề bài khó, thách thức, có tính chuyên đề cao với đội ngũ thực hiện". Sau công đoạn tra cứu tài liệu, viết - biên tập là đến chụp ảnh cho cuốn sách - cũng là một trong những công đoạn gian nan nhất. Kiến trúc sư Lê Minh Hoàng mất trung bình 2 lần chụp cho mỗi công trình vì vừa phải xin phép được đơn vị chủ quản, vừa phải chọn ngày nắng đẹp. Những công trình trong sách đã được "nhìn" ở một góc mới, khác biệt so với những bộ ảnh từng có.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/cac-cong-trinh-kien-truc-phap-da-tro-thanh-di-san-ha-noi-nhu-the-nao-post1524757.html