Các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn đang 'hái ra tiền'
Ngành bảo hiểm nhân thọ phát triển nhanh đang giúp các công ty top đầu hái ra tiền với khoản lãi hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời có nguồn vốn để gửi ngân hàng hoặc đầu tư cổ phiếu.
Theo Bộ Tài chính, ngành bảo hiểm ở Việt Nam đang chứng kiến sự mở rộng nhanh về quy mô thị trường. Số lượng đơn vị kinh doanh trong ngành này đã tăng từ 61 doanh nghiệp năm 2015, lên 78 doanh nghiệp cuối năm 2022.
Tăng trưởng kép doanh thu hàng năm (CAGR) của toàn ngành bảo hiểm cũng đạt mức trung bình 20,7%/năm cho giai đoạn 2015-2022. Riêng lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đạt mức tăng trưởng 26%/năm nhờ thu nhập người dân tăng nhanh.
Khoản lãi hàng nghìn tỷ đồng
Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, thị phần của top 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn được duy trì khá tốt trong những năm gần đây (gồm Bảo Việt Life, Dai-ichi, Prudential, Manulife, AIA) và giữ khoảng cách xa so với phần còn lại.
Mảng bảo hiểm nhân thọ vẫn được kỳ vọng là động lực duy trì tăng trưởng chính cho ngành bảo hiểm nói chung. Chính phủ đặt mục tiêu 15% dân số tham gia mua bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025, so với mức 11% của năm 2021.
Theo số liệu của Mirae Asset, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) dù có sự suy giảm thị phần trong các năm gần đây vẫn là đơn vị lớn nhất trong ngành bảo hiểm nhân thọ. Tuy vậy, doanh nghiệp bảo hiểm gốc Nhà nước này đứng đầu về quy mô doanh số nhưng lợi nhuận tỏ ra kém hiệu quả hơn ở chỉ tiêu lợi nhuận.
Cụ thể, mảng bảo hiểm nhân thọ của Bảo Việt năm vừa qua thu về 41.677 tỷ đồng, tăng hơn 10% và đóng góp hơn 76% tổng nguồn thu của toàn tập đoàn. Với mức doanh thu kể trên Bảo Việt Life mang về khoản lãi 975 tỷ đồng cho Tập đoàn Bảo Việt, tăng trưởng 11%.
Đứng ở vị trí thứ hai về thị phần doanh thu bảo hiểm nhân thọ là Prudential với quy mô hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2021. Đây lại là đơn vị đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất nhóm khi có lãi 3.637 tỷ đồng, tăng gấp 7,7 lần cùng kỳ năm liền trước.
Manulife Việt Nam là đơn vị tiếp theo nằm trong nhóm doanh nghiệp có quy mô doanh số hơn một tỷ USD. Doanh thu phí bảo hiểm năm vừa qua của công ty này đạt 26.835 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2021 và báo lãi sau thuế là 2.562 tỷ đồng, cao thứ hai trong nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Đáng chú ý, trước năm có lãi đậm 2022, Manulife từng báo lỗ sau thuế tới 4.742 tỷ đồng trong năm 2021. Hiện trên bảng cân đối kế toán của công ty bảo hiểm nhân thọ có này vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 5.526 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 nguồn vốn chủ sở hữu (dưới 17.000 tỷ đồng).
Xếp sau nhóm công ty kể trên là Dai-ichi Life có tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành, đạt 17,2% năm vừa qua, ghi nhận 21.825 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp này lại đi lùi 5%, về mức 2.646 tỷ đồng với lý do chính là các chi phí vận hành và chi phí tài chính gia tăng.
Xếp thứ 5 về thị phần là AIA với doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 đạt 18.490 tỷ đồng, tăng hơn 12%. Lợi nhuận sau thuế công ty theo đó tăng 25%, mang về 1.110 tỷ đồng.
Thực tế, theo các chuyên gia phân tích, tăng trưởng doanh thu của các công ty bảo hiểm những năm gần đây chủ yếu đến từ làn sóng hợp tác với các ngân hàng để phân phối bảo hiểm (bancassurance), qua đó thúc đẩy doanh số bán bảo hiểm.
Chẳng hạn, Prudential hiện là đối tác phân phối độc quyền bảo hiểm thông qua những ngân hàng như MSB, SeABank, VIB. Còn Dai-ichi Life cũng bán bảo hiểm qua SHB, Sacombank. Trong khi Manulife có thỏa thuận với Techcombank, VietinBank và AIA là đối tác của VPBank, OCB.
Với hình thức hợp tác chéo với ngân hàng, các công ty bảo hiểm đã phải chi hàng nghìn tỷ đồng phí trả trước (upfront) khi bắt đầu ký hợp đồng. Đây là lý do khiến lợi nhuận nhiều hãng bảo hiểm biến động mạnh trong các năm qua.
Bảo hiểm ngày càng mạo hiểm
Ngành kinh doanh bảo hiểm có đặc thù nắm giữ lượng tiền lớn của khách hàng với dòng tiền đều đặn. Do đó, số tiền này thường được các công ty bảo hiểm sử dụng một phần để đầu tư, tạo thêm nguồn thu nhập trả lãi khách hàng.
Phần lớn số tiền phí các doanh nghiệp bảo hiểm thu về sẽ được gửi ngân hàng hoặc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu địa phương. Tuy nhiên, một phần trong lượng vốn này cũng được các công ty bảo hiểm dùng để mua các loại tài sản rủi ro như cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.
Như Tập đoàn Bảo Việt, doanh nghiệp này ghi nhận khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh lên tới 2.925 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Trong đó, giá trị cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2.437 tỷ đồng, còn lại là chứng chỉ quỹ và trái phiếu. Tuy nhiên, do thị trường diễn biến xấu, Bảo Việt đang phải dự phòng 300 tỷ đồng cho khoản đầu tư chứng khoán này.
Tương tự, Prudential Việt Nam cũng đang đầu tư hơn 11.547 tỷ đồng vào chứng khoán niêm yết và chứng khoán giao dịch trên UPCoM (tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với năm qua).
Danh mục cổ phiếu theo giá gốc đầu tư của Manulife Việt Nam đến cuối năm 2022 đạt hơn 7.875 tỷ đồng và đang phải ghi nhận khoản dự phòng thua lỗ hơn 840 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty này còn rót 1.500 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp, và hơn trăm tỷ đồng vào các quỹ đầu tư chứng khoán.
Tại Dai-ichi Việt Nam, doanh nghiệp có gần 1.637 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu niêm yết, gần gấp đôi mức ghi nhận cuối năm 2021.
AIA Việt Nam cũng chi số tiền gần 2.120 tỷ đồng để mua cổ phiếu, tăng 545 tỷ so với cuối năm trước, nhưng đang phải dự phòng thua lỗ gần 116 tỷ đồng.
Tính chung nhóm 5 công ty bảo hiểm lớn nhất thị trường đang đầu tư hơn 25.500 tỷ đồng vào cổ phiếu (hơn 1 tỷ USD quy đổi) và phần lớn đang phải chịu lỗ do thị trường chứng khoán lao dốc.
Thực tế, báo cáo tài chính của các công ty bảo hiểm đều cho thấy danh mục đầu tư vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp của nhóm công ty này đã liên tục tăng trong những năm qua.
Trong đó, Manulife 5 năm qua luôn duy trì mức tăng trưởng giá trị danh mục cổ phiếu khoảng 49%/năm. Năm 2017, giá trị đầu tư vào cổ phiếu của công ty này mới vào khoảng 1.195 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2022 đã tăng lên 7.875 tỷ.
Giá trị danh mục cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp Manulife đầu tư trong giai đoạn 2017-2022 cũng thường xuyên chiếm gần một nửa giá trị khoản đầu tư ngắn hạn.
Tương tự, mức tăng trưởng danh mục cổ phiếu của AIA trong 5 năm gần nhất cũng đạt bình quân 46%/năm. Công ty đồng thời duy trì tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp trên tổng các khoản đầu tư ngắn hạn khoảng 15%.
Trong khi đó, mức tăng trưởng bình quân năm này tại Dai-ichi Việt Nam lên tới hơn 103%/năm trong các năm 2017-2022, đưa giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu từ mức 95 tỷ đồng năm 2017, lên 1.837 tỷ đồng vào cuối năm 2022.
Tỷ lệ đầu tư vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp của công ty này cũng tăng từ mức dưới 10% giai đoạn 2017-2019, lên 37% vào năm 2022.
Giới phân tích đánh giá môi trường lãi suất cao sẽ giúp các công ty bảo hiểm có thể thu nhiều lãi hơn từ các khoản tiền gửi. Tuy nhiên, phần đầu tư chứng khoán sẽ gặp rủi ro hơn khi danh mục cổ phiếu giảm đi, gây ra kết quả không tốt.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-cong-ty-bao-hiem-nhan-tho-van-dang-hai-ra-tien-post1421780.html