Các công ty đa quốc gia chèn điều khoản rủi ro căng thẳng Đài Loan vào hợp đồng thương mại
Các công ty đa quốc gia đang bổ sung các điều khoản về rủi ro căng thẳng Trung Quốc-Đài Loan vào các hợp đồng thương mại khi họ lo ngại Bắc Kinh có thể tiến hành các động thái quân sự để thu hồi Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền.
Hãng tin Nikkei Asia dẫn lời các luật sư cho biết các điều khoản cụ thể, đề cập đến xung đột có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan cũng như tình trạng gián đoạn kinh doanh do căng thẳng ở Đài Loan gây ra, đã được đưa vào hợp đồng thương mại trong những tháng gần đây.
Họ nhận thấy các công ty đa quốc gia ngày càng lo ngại trong trường hợp Bắc Kinh sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan, chính phủ Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tài sản ở Đài Loan nếu Washington cho rằng chúng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Họ cũng lo lắng về việc Trung Quốc phong tỏa Đài Loan hoặc làm gián đoạn hoạt động logistics ở eo biển Đài Loan, một tuyến đường vận chuyển hàng hải quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
“Đây là vấn đề mà các tập đoàn đa quốc gia có thể muốn giải quyết hoặc ít nhất là nghĩ đến cách giải quyết trong thời gian dài hơn”, Joshua Cole, đối tác của hãng luật Ashurst, nói.
Cole, người làm việc trong các dự án liên quan đến công nghệ và viễn thông, chỉ ra rằng các liên doanh ở Đài Loan có thể đối mặt rủi ro bị trừng phạt. Nếu Mỹ ngăn cấm các giao dịch liên quan đến tài sản ở Đài Loan, các công ty nước ngoài sẽ không rút vốn được khỏi các liên doanh này. Trong trường hợp xấu nhất, họ có thể chấp nhận bỏ tài sản đó.
Các luật sư thương mại khác cho biết cuộc chiến ở Ukraine khiến các công ty đa quốc gia chú ý hơn đến các chế độ trừng phạt và phong tỏa tài sản cũng như những tác động của chúng đối với Đài Loan.
Chẳng hạn, theo nội dung của một hợp đồng thương mại mà Nikkei Asia đã tiếp cận, không bên nào phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận cung cấp trong trường hợp xảy ra “tình trạng khẩn cấp quốc gia hoặc khu vực hoặc các sự kiện địa chính trị khác đối với eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông làm hạn chế quyền tự do hàng hải qua các vùng biển này theo luật quốc tế thông thường”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty đều thể hiện mối lo ngại của họ trong hợp đồng. Một luật sư giấu tên nói: “Vì Đài Loan là một vấn đề nhạy cảm về chính trị đối với các công ty Trung Quốc, nên việc đưa nó vào văn bản có thể là một rủi ro”.
Các hợp đồng thương mại thường bao gồm các điều khoản bất khả kháng, giúp miễn trừ cả hai bên khỏi nghĩa vụ nếu một sự kiện thảm khốc ngăn cản một trong hai bên thực hiện theo các điều khoản của hợp đồng.
Cole cho biết các công ty đa quốc gia đang chú ý nhiều hơn đến các trường hợp bất khả kháng và có khả năng sửa đổi chúng để đảm bảo rằng chúng bao gồm cuộc xung đột tiềm tàng ở Đài Loan.
Trong khi một số chuyên gia pháp lý lập luận điều khoản bất khả kháng hiện nay có thể đủ để bao hàm một sự kiện liên quan đến xung đột ở Đài Loan, thì những người khác lại cho rằng chúng có thể được diễn giải theo cách khác nhau bởi các tòa án khác nhau.
Một luật sư đã nêu vấn đề về chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh, vốn xem Đài Loan là phần lãnh thổ của nước này, và lưu ý rằng các điều khoản bất khả kháng hiện nay có thể chưa đủ để bao gồm các hành vi leo thang quân sự hoặc các diễn biến địa chính trị liên quan đến hòn đảo này.
Dennis Kwok, luật sư chuyên về tranh chấp thương mại, ghi nhận kể từ năm ngoái, các công ty đa quốc gia bắt đầu yêu cầu ông đưa vào các điều khoản đối phó với kịch bản xung đột có thể xảy ra ở Đài Loan hoặc những hành vi làm leo thang căng thẳng trong khu vực có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tại Mỹ, các cuộc thảo luận về khả năng Trung Quốc phát động chiến dịch quân sự thu hồi Đài Loan đã trở nên cấp bách hơn trong những tháng gần đây.
Đài Loan là nền kinh tế lớn thứ 21 thế giới và có các quan hệ thương mại rộng khắp toàn cầu. Vì vậy, trong trường hợp xảy ra xung đột ở đây, hậu quả kinh tế đối với toàn cầu sẽ rất lớn, các chuyên gia và quan chức phương Tây cảnh báo. Vào tháng 12 năm ngoái, hãng tư vấn Rhodium Group ước tính trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, hoạt động thương mại trị giá hàng nghìn tỉ đô la sẽ bị ảnh hưởng và chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng cho chip bán dẫn, sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.
Theo Nikkei Asia