Các công ty năng lượng Mỹ từ chối tăng sản lượng để hỗ trợ nguồn cung cho châu Âu

Các doanh nghiệp Mỹ cho biết, họ sẽ không thể nhanh chóng tăng nguồn cung để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trong mùa đông tới ở châu Âu.

Mỹ khó hỗ trợ châu Âu

Theo Thời báo tài chính (Anh), bất chấp giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong mùa đông năm nay thì nguồn cung do Mỹ cung cấp không thể giúp được châu Âu. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tuyên bố rằng họ không có khả năng tăng sản lượng.

Wil VanLoh, người đứng đầu nhóm cổ phần tư nhân Quantum Energy Partners (Mỹ), cho biết: "Không có cách nào để Mỹ có thể tăng thêm nhiều sản lượng và đó là những gì chúng tôi đang sản xuất". Quantum Energy Partners là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào các mỏ đá phiến của Mỹ.

"Sẽ không có gói cứu trợ nào", ông VanLoh nói thêm. "Không có dầu, cũng không có khí đốt".

Ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ đang sở hữu trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ, có thể được sử dụng để xoa dịu căng thẳng năng lượng ở châu Âu. Tuy nhiên, các nhà điều hành trong ngành cho biết họ sẽ không thể nhanh chóng tăng nguồn cung để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt trong mùa đông tới.

Theo báo Anh, sản lượng dầu đá phiến tăng vọt trong thập kỷ qua đã đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với sản lượng đạt 13 triệu thùng/ngày trước đại dịch, chiếm hơn 10% nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, do giá dầu giảm trong thời gian dịch bệnh, sản lượng tại Mỹ đã giảm mạnh và sản lượng hiện đã phục hồi lên 12,1 triệu thùng/ngày.

Sẽ không có gói hỗ trợ năng lượng từ Mỹ đối với châu Âu. Ảnh: Bloomberg

Sẽ không có gói hỗ trợ năng lượng từ Mỹ đối với châu Âu. Ảnh: Bloomberg

Khi được hỏi liệu ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ có tăng sản lượng đáng kể hay không, Scott Sheffield, Giám đốc điều hành của Pioneer Natural Resources, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất của Mỹ, trả lời: "Không, tôi không nghĩ vậy. Điều này sẽ không xảy ra. Chúng tôi không xây dựng thêm giàn khoan và tôi không thấy doanh nghiệp khác xây dựng thêm giàn khoan".

Ben Dell, Giám đốc điều hành của tập đoàn Kimmeridge Energy, cho biết các nhà đầu tư của ngành công nghiệp đá phiến ở Phố Wall sẽ không ủng hộ việc tăng sản lượng lớn, họ thích mô hình sản lượng thấp, có tỷ suất lợi nhuận cao. "Các nhà đầu tư thường không muốn các công ty đá phiến theo đuổi mô hình tăng trưởng, vì nguồn vốn hiện có là cực kỳ hạn chế".

Matt Gallagher, người đứng đầu công ty khoan tư nhân Greenlake Energy Ventures của Mỹ cho biết, tăng trưởng nguồn cung khiêm tốn ở Mỹ sẽ "không thay đổi ở quy mô thế giới" trong những tháng tới. Ông nói: "Sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta nghĩ rằng loại năng lượng rẻ tiền này có thể phát triển mãi mãi, đặc biệt là khi liên quan đến dầu".

Không chỉ về dầu đá phiến, mà còn về khí đốt tự nhiên, Mỹ dường như không thể giúp đỡ châu Âu nhiều.

Đầu năm nay, Mỹ và Liên minh Châu Âu đã đạt được một thỏa thuận năng lượng cho thấy Mỹ sẽ tăng đáng kể nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Châu Âu trong năm nay, với việc Liên minh Châu Âu đảm bảo rằng nhu cầu hàng năm đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sẽ tăng thêm 5 tỷ mét khối đến năm 2030. Tuy nhiên, trang tin AXIOS (Mỹ) trước đó đưa tin rằng mục tiêu ngắn hạn này có vẻ khá dễ đạt được, một phần lớn là do Mỹ đã chuyển hướng phần lớn xuất khẩu từ châu Á sang châu Âu ... nhưng năm nay, nó có thể không đạt được.

Quốc gia Bắc Âu đưa ra giải pháp chống khủng hoảng năng lượng

Hãng tin RT đưa tin, Thủ tướng Mette Frederiksen cho biết chính phủ Đan Mạch đã đề xuất đặt giới hạn tạm thời đối với hóa đơn năng lượng cho mùa đông sắp tới và cho phép người tiêu dùng thanh toán các khoản phát sinh cao hơn mức quy định

Biện pháp này sẽ cho phép các hộ gia đình và doanh nghiệp hoãn thanh toán các hóa đơn khí đốt, điện và sưởi ấm trên mức giá quy định.Chính phủ cũng một lần nữa kêu gọi tiêu thụ năng lượng hợp lý, vì tất cả người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải trả tiền cho năng lượng mình sử dụng.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch Nicolai Wammen, sáng kiến này dự kiến sẽ tiêu tốn của chính phủ khoảng 6 tỷ USD.

Chính phủ Đan Mạch đang có kế hoạch thảo luận về sáng kiến này càng sớm càng tốt để có thời gian áp dụng trước khi mùa đông bắt đầu.

Vào tháng 6, Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch cảnh báo rằng đợt thắt chặt cung cấp điện mới nhất có thể dẫn đến chi phí sản xuất trong nước tăng vọt và hàng chục công ty trên khắp đất nước phải đóng cửa.

Lạm phát Đan Mạch đạt mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 8, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát mạnh được cho là do giá điện, khí đốt và thực phẩm tăng cao.

Đức chuẩn bị gói cứu trợ năng lượng khổng lồ

Tờ nhật báo kinh doanh Handelsblatt (Đức) ngày 13/9 cho hay, Đức đang có kế hoạch phân bổ 67 tỷ USD để cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty năng lượng trong nước bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nguồn cung do nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga giảm mạnh.

Gói tài chính khổng lồ dự kiến sẽ giúp KfW, ngân hàng đầu tư và phát triển thuộc sở hữu nhà nước của Đức, cung cấp bảo lãnh và hỗ trợ thanh khoản cho các công ty năng lượng địa phương. Các khoản tiền được cho là sẽ được chuyển từ Quỹ Bình ổn Kinh tế, được thành lập trong đại dịch Covid-19.

Giá khí đốt trên toàn EU đã tăng trong những tháng gần đây do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow dẫn tới việc cắt giảm nguồn cung của Nga. Các nhà lãnh đạo EU trước đó đã công bố kế hoạch giảm tiêu thụ khí đốt 15% từ ngày 1/8/2022 đến hết tháng 3/2023.

Đầu tháng này, nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức, Uniper, đã yêu cầu chính phủ viện trợ thêm do thiệt hại tài chính từ nỗ lực thay thế khí đốt tự nhiên của Nga bằng cách mua khí đốt trên thị trường giao ngay.

An An

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cac-cong-ty-nang-luong-my-tu-choi-tang-san-luong-de-ho-tro-nguon-cung-cho-chau-au-20220915102126127.htm