Các công ty Nga 'bình an vô sự' trước đòn trừng phạt của phương Tây
Phần lớn các công ty Nga đã thay thế các nhà cung cấp hàng hóa của phương Tây bằng các nhà sản xuất trong nước hoặc các doanh nghiệp từ 'các quốc gia thân thiện'.
Nhật báo kinh doanh Kommersant hôm 21/11 trích dẫn một cuộc khảo sát mới nhất cho thấy phần lớn các công ty Nga đã có giải pháp đối phó hiệu quả với các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Theo Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga (RSPP), hầu hết các công ty Nga hiện đã thay thế các nhà cung cấp hàng hóa của phương Tây bằng các nhà sản xuất trong nước hoặc các doanh nghiệp đến từ “các quốc gia thân thiện”.
Thuật ngữ “các quốc gia thân thiện” dùng để chỉ các nước chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo kết quả khảo sát, trong năm 2022, khoảng 30% các công ty Nga nói rằng họ cần tìm nguồn cung hàng hóa để thay thế sản phẩm nhập khẩu của phương Tây do chịu tác động từ các lệnh trừng phạt chống Moscow. Tuy nhiên, hiện nay con số này giảm xuống chỉ còn 3,1% đối với nguồn cung nguyên liệu thô và 14,8% đối với linh kiện.
Khoảng hơn 70% công ty Nga đã tìm được nhà cung cấp nguyên liệu thô thay thế tại thị trường trong nước.
Về nguồn cung thiết bị và linh kiện, khoảng một nửa số doanh nhân Nga tham gia cuộc khảo sát nói rằng họ đã tìm được các nhà cung cấp mới từ các quốc gia “thân thiện”. Trong khi đó, khoảng 1/3 số doanh nghiệp Nga chuyển sang mua sản phẩm từ các nhà sản xuất trong nước.
Cũng theo kết quả khảo sát, khoảng 10% công ty Nga cho biết họ vẫn mua được thiết bị, linh kiện và phần mềm từ các nhà cung cấp phương Tây bất chấp các lệnh cấm vận chống Moscow, chủ yếu thông qua bên thứ ba. Khoảng 40% doanh nghiệp Nga nói rằng họ đã bắt đầu phát triển chuỗi cung ứng mới.
Khoảng 1/3 doanh nghiệp Nga nói rằng họ có kế hoạch thay thế các công ty nước ngoài đã rút khỏi thị trường Nga, trong khi 6,5% số doanh nghiệp đã triển khai giải pháp này.
Cuộc khảo sát được thực hiện với 150 công ty Nga trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tuần trước, tờ Bloomberg đưa tin các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga đã thích nghi, thậm chí đã phục hồi hoàn toàn bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Nga đang phục hồi mạnh mẽ, trái ngược với dự báo của phương Tây.
Theo Bloomberg, các ngành công nghiệp từ sản xuất, hàng không đến ngân hàng đã tìm ra cách điều chỉnh trước các biện pháp trừng phạt “nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế”.
Lĩnh vực ngân hàng hiện là một trong những minh chứng "rõ ràng nhất" về việc thích ứng với những hạn chế được áp đặt kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trong năm ngoái, các lệnh cấm vận của phương Tây đã loại hầu hết các ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin thanh toán quốc tế SWIFT.
Tuy nhiên, công ty cho vay quốc doanh lớn nhất của Nga là Sber, cùng với các ngân hàng lớn khác, dự kiến sẽ thu được lợi nhuận kỷ lục trong năm nay.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng lợi nhuận của ngành ngân hàng Nga ước tính có thể đạt hơn 3 ngàn tỷ ruble (33 tỷ USD), vượt qua kỷ lục trong cả năm ngoái.
Doanh thu từ dầu khí của Moscow trong tháng 10 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng, đạt 17,7 tỷ USD nhờ Nga chuyển hướng phần lớn dòng thương mại sang phía đông.
Theo Bloomberg, thị trường ôtô trong nước, vốn tưởng sẽ sụp đổ sau làn sóng di cư hàng loạt của các thương hiệu phương Tây, hiện đang phục hồi trở lại mức trước khi bị siết trừng phạt.
Sau khi bị cấm bay ở nhiều đường bay phương Tây, các hãng hàng không Nga đã tăng cường đáng kể các chuyến bay nội địa.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải Nga, du lịch hàng không quốc tế cũng đang phát triển mạnh mẽ, với lưu lượng hành khách trong 9 tháng đầu năm nay tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, Nga có liên kết hàng không với 37 quốc gia và 59 hãng hàng không nước ngoài cung cấp dịch vụ.
"Nền kinh tế Nga có thể phục hồi về mức trước khi bùng phát xung đột với Ukraine vào đầu quý 4/2023” - chuyên gia Alex Iskov của Bloomberg dự đoán.
Số liệu mới nhất do Cơ quan Thống kê Liên bang công bố cho thấy tăng trưởng kinh tế của Nga trong quý 3/2023 đã tăng vọt lên 5,5%, cao hơn mức 4,9% trong quý trước đó và đạt tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ.