Các công ty toàn cầu tăng chi phí an ninh do tình trạng bất ổn kinh tế và xã hội
Trộm cắp, lừa đảo và rò rỉ thông tin nhạy cảm gia tăng do tình trạng bất ổn kinh tế và xã hội đã khiến gần 50% công ty lớn nhất thế giới dự kiến tăng ngân sách an ninh đáng kể trong năm tới.
Báo cáo An ninh thế giới, do Công ty nhân sự và an ninh Allied Universal (Mỹ) thực hiện với 1.775 giám đốc an ninh doanh nghiệp lớn ở 30 quốc gia, cho thấy doanh nghiệp đã tổn thất hơn 1 nghìn tỉ đô la Mỹ doanh thu vào năm 2022 do các biến cố không liên quan đến an ninh mạng. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu cũng như giá trị doanh nghiệp. Tổn thất này chẳng kém tác động tài chính của các cuộc tấn công mạng tinh vi hơn.
Các công ty trong cuộc khảo sát có tổng doanh thu năm 2022 là hơn 20 nghìn tỉ đô la. Một trong bốn công ty đã ghi nhận sự sụt giảm giá trị doanh nghiệp sau một sự cố an ninh nội bộ hoặc bên ngoài trong 12 tháng qua.
Allied Universal cũng khảo sát 200 nhà đầu tư tổ chức toàn cầu để hiểu tác động của các sự cố an ninh đối với giá trị của các công ty đại chúng. Ước tính, giá cổ phiếu giảm của một công ty giảm trung bình 29% sau một sự cố an ninh nghiêm trọng bên trong hoặc bên ngoài trong 12 tháng qua.
Báo cáo của Allied Universal chỉ ra rằng, các công ty toàn cầu bị mất nhiều hàng hóa cao cấp và tài sản trí tuệ cả do nhân viên nội bộ lẫn bên ngoài lấy cắp. Trong đó, các công ty có trụ sở ở Bắc Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cuộc khảo sát đặt câu hỏi cho các lãnh đạo giám sát tổng ngân sách an ninh trị giá 660 tỉ đô la trong 2022, tương đương 3,3% doanh thu toàn cầu của những doanh nghiệp này.
Allied Universal lưu ý, lừa đạo nhằm mục đích thu lợi có thể là mối đe dọa bên ngoài lớn nhất đối với các doanh nghiệp toàn cầu trong năm tới. Rò rỉ thông tin nhạy cảm được dự đoán là mối đe dọa nội bộ lớn nhất. Những mối đe dọa khác do tin tặc, người biểu tình, gián điệp và tội phạm kinh tế gây ra cũng sẽ tăng cao.
Khi được hỏi về kế hoạch ngân sách năm tới, 46% giám đốc an ninh cho biết, sẽ “tăng đáng kể”. Điều đó sẽ làm tăng gánh nặng chi phí mà các công ty trên khắp thế giới đang ứng phó từ tiền lương đến hóa đơn năng lượng.
Báo cáo của Allied Universal được thiết kế để đánh giá chi phí và quy mô của các vi phạm an ninh cũng như yếu tố nào thúc đẩy việc này.
Báo cáo liệt kê tình trạng bất ổn kinh tế xuất phát từ lạm phát cao và mức sống suy giảm, cùng với biến đổi khí hậu và bất ổn xã hội là những vấn đề có thể dẫn đến các vi phạm an ninh.
Ở Bắc Mỹ, 41% giám đốc an ninh được hỏi cho biết, công ty đã từng bị nhân viên hoặc nhà thầu vi phạm bản quyền. 32% cho hay công ty họ mất tài sản vật chất do kẻ xấu bên ngoài lấy cắp.
Các ví dụ điển hình bao gồm trộm cắp hàng hóa cao cấp trong lĩnh vực công nghệ và bán lẻ. Trong khi đó, lĩnh vực dược phẩm phải vật lộn với nạn hàng giả. Khi được hỏi về chi tiêu trong tương lai, 42% giám đốc an ninh cho biết, dự định đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và hoạt động giám sát do AI cung cấp để phát hiện các mối đe dọa nhanh hơn.
CEO Steve Jones của Allied Universal nói với Reuters rằng, trong khi phần lớn các hành vi gian lận, làm giả và mất mát tài sản trí tuệ là do lợi ích tài chính, một số vụ rò rỉ thông tin nhạy cảm nội bộ là do các động cơ xã hội.
“Có những kẻ xấu muốn làm tổn thương một công ty hoặc tác động đến họ về mặt xã hội và chính trị”, ông nói.
Ông cho biết tác động của các mối đe dọa an ninh đối với các tổ chức doanh nghiệp rất đa dạng, từ sự gián đoạn sản xuất, mất khách hàng cho đến tác động tài chính.
Ông tin rằng các lãnh đạo doanh nghiệp đặc biệt lo ngại các mối đe dọa an ninh mạng, cho dù đó là những kẻ xấu bên trong hay bên ngoài có quyền truy cập vào hệ thống nội bộ trong một tổ chức.
Những kẻ xấu này có thể các thông tin quan trọng trong tổ chức như dữ liệu khách hàng, tài chính hay dữ liệu nhân viên.
Theo Reuters, Security Info Watch