Các công ty vỏ bọc - nguồn cung tiền cho quân đội Iran đối phó Mỹ
Thông qua các công ty vỏ bọc, Vệ binh Cách mạng Iran đang duy trì hỗ trợ cho các nhóm vũ trang và tìm nguồn thu ngoại tệ mới trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang trở lại sau vụ tấn công tàu chở dầu trên vịnh Oman. Washington cáo buộc Tehran đứng sau vụ tấn công, trong khi Iran phủ nhận và tố Mỹ dựng cảnh để đổ lỗi cho họ, Wall Street Journal cho biết.
Chính phủ Iran đang đấu tranh để duy trì nền kinh tế trong bối cảnh chịu áp lực trừng phạt từ phương Tây. Tuy vậy, lực lượng vũ trang của nước này đã tìm được nguồn doanh thu mới, bao gồm các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở Syria và Iraq, mở rộng mạng lưới buôn lậu, theo một số cố vấn của Vệ binh Cách mạng Iran và chính phủ Mỹ.
Đế chế kinh doanh hàng tỷ USD
Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) tuy là lực lượng vũ trang được thành lập để bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng đã mở rộng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, ngân hàng và buôn lậu, theo Wall Street Journal. Hình thức này đang phát triển ở Iran, vì nó giúp thúc đẩy nền kinh tế và giữ cho các nước đối thủ của họ mất cân bằng hơn.
Theo một bài đăng trên Los Angeles Times vào năm 2007, IRGC đang quản lý hơn 100 công ty với doanh thu hàng năm trị giá hơn 12 tỷ USD. Các công ty do IRGC kiểm soát được giao các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD trong lĩnh vực dầu mỏ và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Các công ty do IRGC kiểm soát được cho là chiếm khoảng 1/10 nền kinh tế Iran và có thể đã lên đến 1/3 trong những năm gần đây. Mehdi Khalaji, nhà phân tích thuộc Viện Chính sách Cận Đông có trụ sở tại Washington, cho biết IRGC đang trở thành xương sống của cấu trúc chính trị và nhân tố chính trong nền kinh tế Iran.
“Những gì bạn thấy hôm nay giúp xây dựng sức mạnh phòng thủ cho Cộng hòa Hồi giáo Iran dưới áp lực của lệnh trừng phạt”, Thiếu tướng Hossein Salami, tổng tư lệnh Vệ binh Cách mạng Iran, nói vào tháng 12 năm ngoái, hãng tin Mehr trích dẫn.
Những công ty vỏ bọc
Chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt chưa từng có với Iran và liệt kê IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố để ngăn chặn các công ty nước ngoài hợp tác với họ.
Trong tháng 3, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành lệnh cấm giao dịch với Ansar Bank, một ngân hàng do IRGC quản lý. Bộ này nói rằng Ansar Bank là nhà tài trợ chính cho lực lượng đặc nhiệm Quds. Đơn vị này điều hành các hoạt động của Tehran ở Trung Đông, kiểm soát mạng lưới lính đánh thuê, huấn luyện phiến quân ở Pakistan, Afghanistan, Syria, Lebanon và Yemen.
Hôm 12/6, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa một công ty ở Iraq vào danh sách đen, vì đã buôn lậu vũ khí trị giá hàng trăm triệu USD cho đặc nhiệm Quds.
Ngoài ra, Ansar Bank đã gia hạn các khoản vay trị giá hàng triệu USD cho một công ty do đặc nhiệm Quds kiểm soát. Bên cạnh đó, hồ sơ của ngân hàng này cho thấy lượng tiền gửi tiết kiệm tăng 4% trong 2 tháng qua, vì áp dụng lãi suất cao hơn cho các khoản gửi tiết kiệm.
Ansar Bank thường xuyên thực hiện công khai tài chính để khoe sức mạnh theo yêu cầu của ngân hàng trung ương Iran và trên sàn giao dịch chứng khoán Tehran.
Ansar Bank từ chối bình luận về lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào họ. Trong một thông báo trên trang web, ngân hàng này cho biết các lệnh trừng phạt kiêu ngạo của Mỹ sẽ không tạo ra mối đe dọa đối với hoạt động của họ.
Bên cạnh Ansar Bank, Khatam al-Anbia, một trong những nhà thầu xây dựng lớn nhất Iran do IRGC quản lý cũng là nguồn thu ngoại tệ chính cho lực lượng này. Khatam đã ký các hợp đồng lớn trị giá hàng tỷ USD để cung cấp thiết bị xây dựng và năng lượng cho chính phủ Syria, một cố vấn của IRGC cho biết.
Khatam còn xây dựng đường ống dẫn khí đốt giữa Baghdad, cảng dầu Basra của Iraq và một nhà máy xử lý nước ở nước này. Khatam được cho là kiếm bộn tiền từ buôn lậu nhiên liệu ra khỏi Iran, đưa các thiết bị tiêu dùng và thuốc lá trở lại nước này, một cựu quan chức của IRGC, cố vấn cho lực lượng này, cho biết.
Nhờ những khoản lợi nhuận khổng lồ từ các công ty vỏ bọc, IRGC tiếp tục chuyển các túi đựng tiền mặt tới các nhóm vũ trang do họ hậu thuẫn ở Lebanon và Syria bằng máy bay, Hanin Ghaddar, nhà nghiên cứu tại Viện Washington, người chuyên nghiên cứu về Hezbollah, cho biết.
Tại Yemen, các công ty vỏ bọc của IRGC cung cấp vũ khí và các khoản tài trợ cho phiến quân Houthi, đồng minh của Iran ở Yemen và thu về không ít lợi nhuận.