Các 'cú đấm thép' thua lỗ ngàn tỷ được xử lý ra sao?
Sau 5 năm (2018-2023) kể từ khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tiếp quản các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có những doanh nghiệp thua lỗ lên đến hàng ngàn tỷ đồng bây giờ ra sao?
5 năm chưa hết lỗ và nợ
Về tình hình các dự án và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thua lỗ và nợ kéo dài từ 5 năm trước, ông Phạm Văn Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ công nghiệp, thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (UBQLVNN), cho biết từ năm 2018 cơ quan này tiếp nhận vai trò quản lý vốn 12 dự án yếu kém của ngành công thương. Đây là những dự án có quy mô rất lớn, nằm trong chiến lược quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, hóa chất, giấy, thép, đóng tàu, đã vướng mắc tồn tại lâu, phát sinh sai phạm trong hoạt động.
Một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên rất cao so với mức đầu tư ban đầu. Đến nay, đã có 8/12 dự án DN đã có phương án xây dựng cụ thể. Trong đó 5 dự án được Bộ Chính trị giao Tập đoàn Hóa chất và Tập đoàn Dầu khí, tình hình sản xuất kinh doanh đã có chuyển biến tích cực, một số dự án có lãi, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Đối với 3 dự án phân bón, UBQLVNN đã trình đề xuất các biện pháp cơ cấu lại nợ vay.
Hiện BIDV đang trình chủ trương chung về giải pháp cơ cấu nợ, giãn, hoãn, xóa nợ với Tập đoàn Hóa chất, đặc biệt là 3 dự án và đang chờ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thẩm định. Dự kiến, trong tháng 6 và muộn nhất tháng 7, sẽ hoàn thành hồ sơ liên quan về 3 dự án này, trình Thủ tướng.
“Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đã được giải quyết, đồng thời là tiền đề giải quyết được tài chính, giúp 3 dự án khôi phục sản xuất, giảm lỗ lũy kế. Nếu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương này trong quý III, dự kiến trong 2024 Công ty đạm Hà Bắc sẽ hết lỗ lũy kế và dương vốn chủ sở hữu. Hiện công ty này còn âm gần 260 tỷ đồng vốn chủ sở hữu” - ông Sơn nhìn nhận.
Thủ tướng yêu cầu UBQLVNN tại DN có phương án xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng ở một số dự án thua lỗ, kém hiệu quả ngay trong tháng 5.
Thực tế cho thấy, sau 5 năm hoạt động, đến nay giữa UBQLVNN và 19 tập đoàn kinh tế, DNNN đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, dẫn đến hoạt động chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.
Nhiều ý kiến chuyên gia đều cho rằng, cơ sở pháp lý cho mô hình hoạt động của UBQLVNN còn nhiều vướng mắc, chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến hạn chế sự chủ động, linh hoạt, tích cực, sáng tạo; cũng như phối hợp với các bộ, ngành, địa phương còn nhiều vướng mắc.
Ở chiều ngược lại, các tập đoàn kinh tế, DNNN chưa chủ động phát huy hết hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản Nhà nước giao, đặc biệt trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn, quan trọng. Những tồn tại, hạn chế xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan thuộc trách nhiệm của nhiều chủ thể liên quan như các bộ ngành, đặc biệt là trách nhiệm của UBQLVNN và các DNNN. Trong đó, nổi cộm lên là những vướng mắc lớn về pháp lý, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành…
Yêu cầu UBQLVNN phải sớm xử lý dứt điểm
Tháng 3 năm nay, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”, trong đó yêu cầu việc cơ cấu lại phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các DN yếu kém, thua lỗ.
Đề án cũng đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN. Đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại DN và nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN.
Tiếp đó, đầu tháng 5 Thủ tướng ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của UBQLVNN tại DN và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc.
Đặc biệt, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu UBQLVNN phải có phương án xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng ở một số dự án còn đang thua lỗ, kém hiệu quả ngay trong tháng 5. Đơn cử, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án Nhà máy gang thép Lào Cai, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu UBQLVNN khẩn trương phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành trình Chính phủ đề án cơ cấu lại của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc, nhất là Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt (đã quá thời hạn yêu cầu trình dự kiến trong quý IV-2022).
Đánh giá về thực trạng vẫn còn ngổn ngang trong việc quản lý và sắp xếp các DNNN, PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, cho rằng đây là hệ quả tất yếu của việc chuyển đổi từ hệ thống bao cấp sang cơ chế thị trường không dễ dàng đối với các DNNN, vì còn vướng câu chuyện lợi ích.
Đó không chỉ là lợi ích kinh tế còn là lợi ích của quyền lực, lợi ích của hệ thống. “Hệ thống quản lý theo nguyên tắc hành chính, mệnh lệnh không dễ gì bỏ, bởi đó là quyền lực đi kèm với lợi ích. Càng thêm nhiều quyền lực theo kiểu mệnh lệnh càng có nhiều lợi ích. Đó là lý do tại sao ngày càng có thêm nhiều thủ tục. Phải có những quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất mới làm được” - ông Thiên chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, sự chồng chéo của hệ thống luật hiện nay không dễ gì tháo gỡ. “Thí dụ, nếu muốn đưa cái mới phải bỏ cái cũ, nhưng nhiều khi không bỏ cái cũ mà cứ thêm vào, cơi nới, cuối cùng xung đột lẫn nhau và thành “rừng luật”, khiến DN làm cái này vướng cái khác, nên sau này dù làm được việc nhưng hồi tố lại thì sai” - ông Thiên nói.