Các cuộc đình công khiến ngành vận tải Anh và châu Âu lao đao
Hệ thống đường sắt của Anh một lần nữa rơi vào tình trạng bế tắc vào thứ Bảy (25/6) và các chuyến bay ở châu Âu thường xuyên bị gián đoạn bởi các cuộc đình công.
Hàng chục nghìn công nhân đường sắt ở Anh đã tổ chức thêm một ngày đình công nữa trong tuần này, nhằm phản đối về mức lương và đảm bảo việc làm, tiếp tục gây khó khăn cho việc đi lại của nhiều người vốn đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công tương tự trước đó.
Các sân ga và xe lửa trống rỗng tại ga Waterloo trong những ngày đình công đường sắt tại Anh. Ảnh: AFP
Hãng máy bay giá rẻ Ryanair của CH Ireland đã phải hủy bỏ nhiều chuyến bay do nhân viên ngừng làm việc. Ảnh: GI
Tình trạng du khách mắc kẹt ở nhà ga sân bay thường xuyên xảy ra ở châu Âu do làn sóng nhân viên nghỉ việc hoặc đình công. Ảnh: AFP
Chỉ khoảng 1/5 số dịch vụ được thiết lập để hoạt động và với thời gian bị giảm bớt trong ngành đường sắt Anh vào thứ Bảy, cũng như ngày thứ Ba và thứ Năm trước đó. Các dịch vụ vào buổi sáng diễn ra muộn hơn nhiều so với thường lệ và kết thúc sớm hơn.
Hiệp hội công nhân đường sắt RMT của Anh khẳng định các hành động trong tuần này của họ là cần thiết vì tiền lương không theo kịp với lạm phát của Anh, vốn đã đạt mức cao nhất trong 40 năm và tất nhiên sẽ tiếp tục tăng. Họ cũng muốn phản đối về kế hoạch cắt giảm nhân công của ngành này.
Tổng thư ký RMT Mick Lynch cho biết các thành viên của tổ chức này "kêu gọi tất cả những người đang làm việc được tăng lương và một số được đảm bảo việc làm". Ông nói thêm: “Trong một nền kinh tế hiện đại, người lao động cần được khen thưởng xứng đáng cho công việc của họ, được hưởng những điều kiện tốt và cảm thấy yên tâm rằng công việc của họ sẽ không bị tước mất”.
Giám đốc điều hành của công ty đường sắt Network Rail, Andrew Haines, cho biết: “Thật không may, khi RMT thực hiện một ngày đình công không cần thiết nữa và hành khách của chúng tôi sẽ phải chịu đựng một lần nữa vào thứ Bảy”.
Anh, giống như phần lớn châu Âu, đang phải hứng chịu lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế trì trệ, làm dấy lên viễn cảnh về một mùa hè đình công trên khắp châu lục.
Nhân viên hãng hàng không Ryanair của CH Ireland đã tổ chức các cuộc đình công ở Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Bồ Đào Nha và Bỉ vào thứ Bảy. Tổng cộng hãng hàng không giá rẻ này đã phải hủy 127 chuyến bay từ thứ Sáu đến Chủ nhật.
Tình hình ở Bỉ còn trở nên phức tạp hơn sau cuộc đình công kéo dài 3 ngày của nhân viên hàng không Brussels Airlines vào thứ Bảy, khiến hãng hàng không thuộc sở hữu của gã khổng lồ Đức Lufthansa phải hủy bỏ 60% các chuyến bay của họ kể từ thứ Năm, tương đương 300 chuyến.
Ngành hàng không đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch, dẫn đến tình trạng sa thải hàng loạt do hoạt động du lịch quốc tế bị đình trệ. Đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên, sân bay Schiphol ở Amsterdam (Hà Lan) đã buộc phải thông báo vào đầu tháng này rằng họ sẽ hạn chế số lượng khách du lịch vào mùa hè này và hủy các chuyến bay.
Hoàng Anh (theo AFP, CNA)