Các cuộc khủng hoảng nhân đạo đang bị lãng quên!

Nhân loại phải vật lộn với cuộc chiến chống Covid-19 suốt hơn 2 năm qua. Khi đại dịch có phần dịu đi, thì sự chú ý của thế giới lại tập trung vào tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Để rồi, những cuộc khủng hoảng nhân đạo trên khắp thế giới đã tiếp tục bị lãng quên…

Những người gánh chịu sự bất công

Thác Victoria ở phía nam Zambia trông giống như một bức màn nước khổng lồ. Với độ cao hơn 1700 mét, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận này là thác nước rộng nhất trên thế giới. Lượng nước phun từ sông Zambezi, đổ xuống một hẻm núi sâu 110 mét, khổng lồ đến mức tạo ra cả một cánh rừng nhiệt đới liền kề. Đó là một cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, nhưng lượng nước dồi dào của nó lại trái ngược phần còn lại của Zambia.

Những người dân châu Phi đang là những người chịu tác động nhiều nhất từ biến đổi khí hậu dù họ chịu trách nhiệm rất ít cho việc gây ra nó.

Giống như nhiều quốc gia khác ở miền nam châu Phi, Zambia phải chịu cảnh hạn hán kéo dài. Cây trồng thường xuyên bị khô héo. 18,4 triệu dân của đất nước này bị suy dinh dưỡng. Giám đốc truyền thông Tổ chức nhân đạo và Hỗ trợ phát triển quốc tế (CARE) tại Đức, Sabine Wilke, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “1,2 triệu người ở đó phải chịu đói và 60% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Chúng tôi xem đó là một cuộc khủng hoảng bị lãng quên điển hình".

"Không có chiến tranh hay động đất để cho phép chúng ta nói khi nào cuộc khủng hoảng bắt đầu. Nhưng Zambia là một trong những quốc gia mà chúng tôi thấy những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu: Hạn hán lặp đi lặp lại và ngày càng nghiêm trọng hơn. Người dân không thể phục hồi và chỉ có thể phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo", Wilke giải thích.

Tình hình ở Zambia đúng là nghiêm trọng như vậy, họ nhận được rất ít sự đưa tin của các phương tiện truyền thông quốc tế. Điều này làm cho nó trở thành một trong những cuộc khủng hoảng bị lãng quên và được CARE đưa vào ấn phẩm "Đau khổ trong im lặng: Những cuộc khủng hoảng nhân đạo được báo cáo đầy đủ nhất năm 2021".

Hàng năm, giới truyền thông liệt kê 10 cuộc khủng hoảng bị lãng quên, mỗi cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến ít nhất 1 triệu người nhưng hầu như không được đưa tin. Cuộc khủng hoảng ở Zambia đứng ở vị trí thứ 6 trong danh sách nói trên.

"Biến đổi khí hậu gia tăng đang thúc đẩy nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo trên khắp thế giới, gồm 7 trong số 10 cuộc khủng hoảng bị lãng quên được nêu trong báo cáo này. Có sự bất công sâu sắc ở đó", Giám đốc CARE tại Anh, Laurie Lee, đã viết trong bài viết mở đầu.

"Những người nghèo nhất thế giới đang phải gánh chịu gánh nặng của biến đổi khí hậu. Đó là nghèo đói, di cư, đói kém, bất bình đẳng giới và khan hiếm tài nguyên, mặc dù họ là những người ít gây ra nó nhất", vị giám đốc này cay đắng cho biết thêm.

Nỗi đau mọi nơi và mọi lúc

Dựa trên dữ liệu từ Liên Hợp Quốc, CARE đã xác định các quốc gia có ít nhất 1 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa liên quan đến khí hậu. Danh sách này gồm 40 cuộc khủng hoảng lớn được phân tích từ 1,8 triệu bài báo bằng tiếng Anh, Đức, Pháp, Ả Rập và Tây Ban Nha từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2021. Từ đó, CARE nêu ra 10 cuộc khủng hoảng nhận được ít sự chú ý nhất.

Theo báo cáo năm 2021, Zambia đứng đầu danh sách, tiếp theo là các trường hợp khẩn cấp ở Ukraine, Malawi, Cộng hòa Trung Phi, Guatemala, Colombia, Burundi, Niger, Zimbabwe và Honduras. Năm 2020, Madagascar đứng đầu danh sách cần quan tâm của CARE.

Nếu nhìn vào danh sách trên, Ukraine được xếp thứ hai trong số các cuộc khủng hoảng bị lãng quên. Điều này có vẻ đáng ngạc nhiên, vì quốc gia này thậm chí đang được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới do việc Nga tăng cường quân đội sát biên giới với họ.

Trước cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, rất ít phương tiện truyền thông đề cập đến cuộc sống khốn cùng của những người dân trong cuộc nội chiến ở Donbas.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine chỉ lần đầu xuất hiện sau tháng 9/2021, cũng như chỉ thực sự được chú ý sau đó vài tháng. Chứ trước đó truyền thông thế giới rất ít đề cập tới cuộc xung đột ở Donbas, miền đông Ukraine - nơi mà người dân phải sống trong sợ hãi bởi những tiếng súng nội chiến gần như hàng ngày, khiến tới 14.000 người chết, hơn 1 triệu người phải di cư và hàng chục nghìn mái nhà đổ nát từ năm 2014 đến nay.

Thống khổ nhất luôn là phụ nữ và trẻ em

Nhưng dẫu sao, châu Phi vẫn là tâm điểm của những cuộc khủng hoảng bị lãng quên. Như đã nói, họ chiếm tới 6/10 cuộc khủng hoảng kiểu này vào năm 2021. Ngoài Zambia, Malawi cũng là một quốc gia gần như luôn có đứng trong “bảng xếp hạng” mà không quốc gia nào muốn có mặt này, bởi các cuộc nội chiến liên miên. Ở Malawi, luôn có hơn một triệu người đói.

Hệ quả của nó là 39% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Gần một nửa số trẻ em không học đủ 4 năm tiểu học. Bởi lẽ đó, việc tiêm vắc xin Covid-19 tại nước này ban đầu là điều gì đó vô cùng xa vời. Đáng sợ hơn, cuộc sống gần như luôn đắm chìm trong “bóng tối” đã khiến tỷ lệ mắc HIV tại Malawi khiến bất cứ ai cũng phải giật mình: Gần 10% dân số bị nhiễm, trong đó có nhiều trẻ em!

Trong nghèo đói, khủng hoảng hay chiến tranh, thì phụ nữ và trẻ em luôn là những người phải gánh chịu nhiều nhất. Hẳn không chỉ các nhà nghiên cứu CARE mới nhận ra điều này bởi nó diễn ra gần như ở mọi nơi trên thế giới. Nhưng trong câu chuyện này, chúng ta hãy nói về Honduras.

Phụ nữ và trẻ em luôn là những người phải gánh chịu nhiều nhất trong các cuộc khủng hoảng.

Gần 1/3 trong số khoảng 10 triệu cư dân của Honduras đang sống phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo. Tình trạng thiếu việc làm, tội phạm, tham nhũng đã khiến thế hệ trẻ nước này phải vượt biên nước ngoài, qua đó tạo ra những vụ việc vô cùng thương tâm như đắm tàu người tị nạn hay hàng trăm người di cư bất hợp pháp bị chết ngạt trong các thùng xe container ở biên giới giữa Mexico và Mỹ. Hầu hết những vụ việc như vậy đều liên quan đến người Honduras.

Song phụ nữ và trẻ nhỏ thực ra mới là những người phải chịu nhiều thống khổ nhất. Các tác giả của CARE giải thích: “Ở Honduras, mọi người thường nói về sự nghèo khổ là phụ nữ, bởi vì phần lớn phụ nữ bị bỏ mặc ở nhà với con cái”.

Đồng thời, bạo lực đối với phụ nữ tiếp tục gia tăng mạnh kể từ khi đại dịch Covid bắt đầu. Các chuyên gia CARE nói thêm: "Thống kê từ năm 2021 ghi nhận cứ 29 giờ lại có một vụ giết nữ giới ở Honduras. Tỷ lệ giết người ở phụ nữ cao hơn 50% so với bất kỳ nơi nào khác ở Mỹ Latinh".

Sự lãng quên sẽ tiếp tục bị lãng quên?

Thực ra, các cuộc khủng hoảng bị lãng quên thường sẽ tiếp tục… bị quên lãng, bởi chúng gần như luôn xảy ra ở các khu vực nghèo khó, xa xôi và rất khó tiếp cận, ít nhất đối với hầu hết phóng viên trên thế giới, dù họ can đảm, mạnh mẽ hay giàu khát vọng dấn thân đến đâu.

Ngoài ra, người đọc thường có xu hướng quan tâm đến sự việc xảy ra xung quanh mình. Rõ ràng, không nhiều độc giả, như tại châu Á chẳng hạn, thực sự quan tâm tới thông tin về một cuộc nội chiến hay nạn đói nào đó ở châu Phi xa xôi.

Các nhà nghiên cứu của CARE nhận xét: “Chúng tôi rất ngạc nhiên trước những ưu tiên mà các phương tiện truyền thông toàn cầu đặt ra. Ví dụ, có hơn 360.000 tin bài về cuộc phỏng vấn của Hoàng tử Harry và vợ Meghan với Oprah Winfrey. Trong khi, cùng thời điểm chỉ có 512 tin tức đề cập đến việc hơn 1 triệu người ở Zambia đang mất an ninh lương thực nghiêm trọng".

Để rồi, khi không được quan tâm và chú ý, thì các cuộc khủng hoảng bị lãng quên hiển nhiên sẽ tiếp tục bị lãng quên, còn nỗi thống khổ ở những nơi đó sẽ ngày càng thống khổ hơn…

Hải Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-cuoc-khung-hoang-nhan-dao-dang-bi-lang-quen-post181674.html