Các cường quốc sẽ được lợi nếu làm việc với một ASEAN thống nhất
Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí ASEAN Focus, Giáo sư Wang Gungwu (Đại học Quốc gia Singapore) đã chia sẻ những đánh giá của mình về lịch sử và tương lai của công cuộc tìm kiếm sự cân bằng của ASEAN khi đối mặt với những thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài.
Ông Wang Gungwu, Giáo sư Đại học Quốc gia Singapore, Giáo sư danh dự Đại học Quốc gia Australia, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện nghiên cứu Đông Nam Á-Yusof Ishak từ 2002-2019.
Sẵn sàng có cái nhìn mới về ASEAN
Ông từng lưu ý rằng Đông Nam Á về cơ bản là một khái niệm được chấp nhận sau Thế chiến II. Điều đó có ý nghĩa gì đối với công cuộc tìm kiếm bản sắc khu vực chung của ASEAN?
Không ai nghi ngờ bản sắc ASEAN trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đầy khó khăn khi Đông Nam Á bị chia rẽ về đường lối chính trị. ASEAN là một khái niệm chính trị đối với các nước ủng hộ phe chống cộng sản trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, 5 nước thành viên sáng lập ASEAN nhận thức được rằng động lực an ninh-chính trị làm nền tảng của ASEAN đe dọa cản trở các mối quan hệ tiềm năng với các nước khác trong khu vực không thuộc ASEAN. Do đó, trong 20 năm đầu kể từ khi thành lập, ASEAN đã nỗ lực tập trung vào khía cạnh kinh tế và coi nhẹ khía cạnh chính trị.
Cách tiếp cận như vậy cũng tạo cơ hội cho các nước thành viên ASEAN như Philippines, Malaysia và Singapore hòa giải với Trung Quốc, vốn thuộc phe bên kia trong Chiến tranh Lạnh. Việc cân bằng giữa nền tảng chính trị của ASEAN và lợi ích kinh tế của các nước thành viên vẫn tiếp diễn trong nội bộ.
Công cuộc tìm kiếm một bản sắc chung của ASEAN rất cam go bởi mặc dù các thành viên sáng lập đã thống nhất về tư tưởng chống cộng sản, nhưng cấu trúc chính trị của mỗi nước thành viên là hoàn toàn khác nhau. Một nước theo chế độ quân chủ, một nước theo chế độ cộng hòa kiểu Mỹ và những nước khác có các hệ thống pha trộn hoàn toàn không phù hợp với bất kỳ khuôn mẫu nào. Chính bản chất kinh tế dựa trên chủ nghĩa tư bản và các nguyên tắc thị trường tự do đã giúp họ vượt qua những khác biệt này.
Sau khi Mỹ thất bại trong Chiến tranh Việt Nam, ASEAN đã trải qua một giai đoạn có phần hỗn loạn và rơi vào tình trạng trì trệ trong một vài năm. Tuy nhiên, chiến thắng của Việt Nam cũng khiến ASEAN có cái nhìn mới vượt ra ngoài khuôn khổ Chiến tranh Lạnh về Việt Nam, một quốc gia mới giành được độc lập. Tuy nhiên sau đó, Việt Nam rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan ở Đông Dương và sau đó là một cuộc chiến ở Campuchia.
Vấn đề Campuchia đã trở thành tâm điểm mới của ASEAN trong suốt những năm 1980. Trên thực tế, kinh nghiệm giải quyết vấn đề Campuchia là một yếu tố giúp Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo trở thành ASEAN ngày nay. Riêng đối với Việt Nam, với nghị quyết về vấn đề Campuchia, ASEAN đã mang lại cho Việt Nam cơ hội hướng tới những nơi khác ngoài Trung Quốc, chứ không bỏ mặc Việt Nam với nước láng giềng lớn phía Bắc như trong nhiều thiên niên kỷ trước.
Cần ghi nhớ bối cảnh dẫn đến sự phát triển của ASEAN. Dù chúng ta mong đợi điều gì ở ASEAN trong tương lai, thì lịch sử của khối này cũng nhắc nhở chúng ta rằng cần linh hoạt và sẵn sàng có cái nhìn mới về ASEAN để thích nghi với bối cảnh chính trị hay thay đổi trong khu vực.
Giảm thiểu khác biệt, nhấn mạnh tương đồng
Ông đã nói rằng cho đến nay, vẫn còn nhiều khác biệt hơn là tương đồng giữa 10 nước thành viên ASEAN. Làm thế nào ASEAN có thể vượt qua những khác biệt này để tiến về phía trước?
Các nước thành viên ASEAN đã tìm cách giảm thiểu sự khác biệt và nhấn mạnh những điểm tương đồng. Công thức cho đến nay là đề cao khía cạnh kinh tế để tăng cường khả năng hợp tác. Việc này rất khó thực hiện nhưng đáng để theo đuổi. Thỏa thuận gần đây nhằm xúc tiến Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một ví dụ điển hình. Việc công khai chú trọng hợp tác kinh tế như vậy là một lợi thế chiến lược lớn đối với ASEAN cho dù vẫn còn những trở ngại về mặt văn hóa-xã hội và chính trị. Sự hòa hợp đó đã tồn tại trong khối ASEAN trong 5 thập kỷ qua và vẫn sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi khối này ngày càng khó có được sự đồng thuận.
Dù có những khác biệt nội bộ nhưng ASEAN vẫn mong muốn tạo dựng một bản sắc chung. Ông có nghĩ rằng mục tiêu này là thực tế và khả thi?
Thật khó để đưa ra một câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này bởi còn có nhiều biến số khác. Không phải mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của các nước thành viên ASEAN. Bức tranh lớn hơn do các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ định hình. Mọi động thái của họ đều có thể làm lệch cán cân hiện nay. Cho dù 10 nước thành viên ASEAN có nỗ lực đến đâu và ngay cả khi họ có cơ hội thành công, thì sự can thiệp từ bên ngoài bắt nguồn từ các cuộc cạnh tranh nước lớn vẫn có thể làm suy yếu bản sắc chung này. Mặc dù việc giả vờ rằng họ vẫn kiểm soát mọi việc và có thể ra điều kiện là vô ích, nhưng bản thân ASEAN phải hiểu rõ điều họ quan tâm là gì. Tôi nghĩ rằng 10 nước thành viên thực sự hiểu tầm quan trọng của sự đồng thuận và mối nguy hiểm của việc không có được điều này.
Sự cân bằng trong quan hệ với các cường quốc sẽ cho phép ASEAN có được vai trò trung tâm mang tính tượng trưng. (Nguồn: Asia Times)
Cơ hội làm bạn với cả hai cường quốc
Điều đó đưa chúng ta đến cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đang trở nên tồi tệ hơn. Liệu ASEAN có thể thực sự giữ thái độ trung lập trước áp lực phải đứng về phía nào hay không?
Tất nhiên tôi hy vọng sẽ không phải trả lời câu hỏi đó. ASEAN nên tìm cách tránh vấn đề đó, và khiến cả hai cường quốc tránh đặt ra câu hỏi đó. Đó là điều lý tưởng. Khi đó, ASEAN có cơ hội làm bạn với cả hai nước dù họ có thể không hài lòng khi khối này không hoàn toàn đứng về phía họ. ASEAN phải nhất quán và chủ động đảm bảo rằng sự cân bằng này có được là nhờ cả hai nước. Sự cân bằng này - hay nhận thức về nó - sẽ cho phép ASEAN có được vai trò trung tâm mang tính tượng trưng, vốn được củng cố nhờ vị trí địa lý của ASEAN nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực và các nhà lãnh đạo ASEAN phải tích cực hành động. Đây là điểm tôi nghi ngại nhiều nhất.
Ai sẽ lãnh đạo ASEAN?
Đó là một công việc vất vả. Trở thành một nhà lãnh đạo có nghĩa là phải đối phó với các rủi ro khôn lường và các yếu tố không thể đoán trước cả trong và ngoài ASEAN. Có lẽ việc luân phiên chức chủ tịch ASEAN hằng năm là cách làm an toàn nhất và tất cả các nước thành viên ASEAN phải chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo.
Theo tôi, Singapore đã suy nghĩ kỹ lưỡng về ASEAN và nỗ lực chèo lái con thuyền ASEAN đi đúng hướng. Trong khi đó, các nước thành viên lớn hơn vẫn còn bận tâm tới các vấn đề trong nước và các mối đe dọa bên ngoài mà làm giảm khả năng và lợi ích của họ trong việc đầu tư vào ASEAN.
Sự kiên định tạo ra sự ổn định
Có vẻ như bức tranh tương đối ảm đạm khi xét tới tình trạng thiếu sự lãnh đạo trong ASEAN và sự đa dạng nội khối, điều càng rõ rệt khi mối quan tâm của các cường quốc trong khu vực là khác nhau. Trong thời gian từ trung hạn đến dài hạn, ông cho rằng ASEAN vẫn giữ vững lập trường và vai trò của mình hay chật vật xoay xở mọi việc?
Tôi vẫn lạc quan về tương lai của ASEAN. Trong 52 năm qua, 10 nước thành viên ASEAN đã có những bước đi giúp họ hiểu nhau và có mối quan hệ tốt đẹp. Tôi rất phấn chấn khi thấy ba thế hệ quan chức trong khu vực thường xuyên gặp nhau trong khuôn khổ ASEAN, cùng ASEAN hành động và phát triển.
Các nhà lãnh đạo ASEAN thường xuyên gặp nhau trong khuôn khổ ASEAN. (Nguồn: Ban thư ký ASEAN)
Có một số điểm đáng chú ý về ASEAN. Thứ nhất, các nước thành viên ASEAN chưa từng công khai xung đột với nhau kể từ khi khối này có 10 thành viên như hiện tại. Các nước đã có thể đưa ra những thỏa hiệp và tránh được những xung đột nghiêm trọng ở mức độ chưa từng thấy ở các tổ chức khu vực khác.
Thứ hai, mặc dù các nước thành viên ASEAN có sự khác biệt về chính trị và đa dạng về ngôn ngữ, nhưng họ nhất trí sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ làm việc chung. Chúng ta có thể coi đây là điều đương nhiên, nhưng tôi không nghĩ rằng đây là một thành tựu nhỏ. Mặc dù các quan chức ASEAN có thể có trình độ tiếng Anh khác nhau, nhưng họ đã có một ngôn ngữ chung và hiểu được lời nói của nhau. Điều này giúp họ tránh được việc hiểu lầm nhau. ASEAN không phải tranh cãi về sự thiếu nhất quán trong các bản dịch, đồng thời giảm được xung đột và phí tổn.
Thứ ba, trong khoảng 200 năm lịch sử tiền hiện đại, phần lớn các dân tộc bản địa ở Đông Nam Á không gây chiến với nhau vì họ đều chịu ách đô hộ của các nước thực dân châu Âu mà về cơ bản là đối thủ của nhau trên chiến trường.
Đông Nam Á và ASEAN đã tận dụng những lợi thế và sự cố trong lịch sử để có được cơ hội chiến đấu tốt. ASEAN có thể cải thiện cơ hội của mình bằng việc lãnh đạo khôn ngoan và đặt ra mục đích rõ ràng rằng ASEAN sẽ trở thành một khối thống nhất. ASEAN cũng cần phải chứng minh một cách kiên định rằng các cường quốc sẽ được lợi nếu làm việc với một ASEAN thống nhất.
Sự kiên định tạo ra sự ổn định: Nếu các cường quốc ngoại khối cảm thấy họ chẳng được gì khi chia rẽ ASEAN, thì nhiều khả năng họ sẽ không tìm cách thay đổi khối này.
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả - Giáo sư Wang Gungwu (Đại học Quốc gia Singapore)
(còn tiếp)