Các đại biểu thảo luận tại tổ

Chiều 25.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 chia 8 tổ thảo luận. Đại biểu đã bổ sung làm rõ thêm một số nội dung trong các báo cáo.

>>> Ngày làm việc đầu tiên Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII

Đại biểu Đảng bộ TP Chí Linh phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Đảng bộ TP Chí Linh phát biểu thảo luận tại tổ

Mục tiêu GRDP/người khó thực hiện

Về mục tiêu, chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025, có ý kiến cho rằng có 4 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra chưa thực hiện được, song nhiệm kỳ này lại được đưa ra với mức phấn đấu cao hơn, nên càng khó đạt như chỉ tiêu về bình quân GRDP đầu người. Hải Dương đã đạt mức 3.020USD/người/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước và đứng thứ 19. Nếu đặt mục tiêu đến năm 2025, bình quân GRDP đầu người là 4.800 USD thì rất khó thực hiện.

Chỉ tiêu chất lượng nguồn nhân lực cũng là một trong số 4 chỉ tiêu không đạt. Mặc dù 70% số lao động qua đào tạo nhưng chỉ có 24% số lao động được cấp chứng chỉ nghề - con số này thấp hơn mục tiêu 30% mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Đại biểu cho rằng để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII đề ra số lao động được cấp chứng chỉ đạt 33% đòi hỏi các trường nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo. Các địa phương quan tâm tăng cường cơ sở vật chất cho các trường.

Theo đại biểu, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 trường đại học, 13 trường cao đẳng cả của Trung ương và của tỉnh. Đại biểu đề nghị tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường của tỉnh, đặc biệt là các trường cao đẳng nghề. Quy hoạch lại hệ thống các trường nghề có cùng chức năng nhiệm vụ. Có chính sách thu hút nhân tài cho các trường. Tăng cường quan hệ hợp tác giữa trường và doanh nghiệp. Đại biểu cho biết trên địa bàn tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp, do đó nhiệm vụ của các trường là phải gắn kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sinh viên, có như vậy mới trúng, đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Tỉnh cần giao cho các trường nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh, góp phần công sức của các trường vào việc xây dựng công dân thông minh, qua đó xây dựng đô thị thông minh như mục tiêu được nêu trong báo cáo chính trị trình Đại hội.

Tổ thảo luận số 5 có 44 đại biểu của Đảng bộ thị xã Kinh Môn và Đảng bộ huyện Kim Thành

Tổ thảo luận số 5 có 44 đại biểu của Đảng bộ thị xã Kinh Môn và Đảng bộ huyện Kim Thành

Quan tâm đến công tác phát triển đảng viên

Có đại biểu cho rằng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới cần đổi mới và thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên. Tăng cường công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong các hoạt động của Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là sinh hoạt chi bộ.

Triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các quy định về trách nhiệm nêu gương; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên... Củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Tăng cường công tác dân vận, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Thực hiện nền nếp việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp định kỳ đối thoại, tiếp xúc với đảng viên, nhân dân. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.

Thảo luận nội dung xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên mới trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói chung và trong các doanh nghiệp tư nhân nói riêng, có đại biểu đề nghị cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thanh niên, công nhân lao động để họ nhận thấy vào Đảng là nhu cầc tự thân, phù hợp với mong muốn phát triển của mình và của chính doanh nghiệp. Trao đổi học tập kinh nghiệm về phát triển tổ chức Đảng, đảng viên mới trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn cả nước gắn với việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn có liên quan tới vấn đề xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp.

Đại biểu Đảng bộ TP Hải Dương phát biểu thảo luận

Đại biểu Đảng bộ TP Hải Dương phát biểu thảo luận

Cần chỉ đạo thực hiện nội dung sinh hoạt Đảng trong các doanh nghiệp theo hướng ngắn gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm. Từng bước để chủ doanh nghiệp thấy được tổ chức Đảng không cản trở mà trái lại cùng với họ thúc đẩy sản xuất, cùng hướng tới sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao doanh thu, lợi nhuận và đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Làm tốt công tác kết nạp đảng viên mới trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

Có đại biểu cho rằng cần quan tâm tới công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong nhiệm kỳ qua, số lượng đảng viên ở khu vực này được kết nạp chỉ chiếm 18%. Ở nhiều địa phương, mặc dù việc kết nạp đảng viên mới bảo đảm về số lượng nhưng chất lượng còn nhiều điều đáng bàn. Để hoàn thành kế hoạch, không ít cơ sở đảng cố chạy theo chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới, đôi khi kết nạp mang tính gò ép, miễn cưỡng. Người được kết nạp vào Đảng chưa được rèn luyện thường xuyên, tinh thần phấn đấu chưa cao, ngại việc khó, việc khổ.

Một số ý kiến băn khoăn về mục tiêu mỗi năm kết nạp từ 2.200 đảng viên trở lên rất khó thực hiện vì hiện nay phát triển đảng viên ở cơ sở rất khó khăn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên đặt ra chỉ tiêu kết nạp 2.500 đảng viên mỗi năm, không nên để con số 2.200 đảng viên như dự thảo vì nếu làm tốt phát triển đảng viên ở doanh nghiệp thì mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Có ý kiến đề nghị cần phát huy, dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đưa vào Báo cáo chính trị.

Đại biểu Đảng bộ thị xã Kinh Môn phát biểu thảo luận

Đại biểu Đảng bộ thị xã Kinh Môn phát biểu thảo luận

Xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân

Thảo luận về lĩnh vực xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn kết với nền an ninh nhân dân, thế trận lòng dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, có đại biểu cho rằng những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến mới, đầy phức tạp và khó lường. Tình hình trong nước và trên địa bàn tỉnh bên cạnh những thuận lợi là cơ bản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Để tiếp tục giữ vững được môi trường thuận lợi cho địa phương phát triển, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh phải quyết tâm hơn nữa đề ra các giải pháp tổng thể, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó cần tập trung thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương trong 5 năm tới.

Thảo luận về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, tập trung vào xây dựng khu vực phòng thủ, công tác tuyển quân và bồi dưỡng kiến thực quốc phòng, an ninh, có đại biểu đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng cấp ủy chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, phát huy hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo khu vực phòng thủ, tập trung xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần thống nhất nhận thức, xác định rõ trách nhiệm đối với nhiệm vụ, công tác tuyển quân, giáo dục quốc phòng - an ninh; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Gắn với trách nhiệm người đứng dầu, cán bộ chủ trì. Phát huy vai trò tham mưu đề xuất của cơ quan quân sự, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tăng cường phối hợp, hiệp đồng trong tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, vừa bảo đảm tính giáo dục và răn đe...

Đại biểu Đảng bộ huyện Nam Sách phát biểu thảo luận

Đại biểu Đảng bộ huyện Nam Sách phát biểu thảo luận

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Về hạn chế trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, có ý kiến nêu báo cáo chưa đánh giá kỹ nguyên nhân hạn chế trong thu hút nhân tài, nguyên nhân khiến nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Đại biểu cho rằng con người là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, vì vậy tỉnh cần đề ra giải pháp bài bản hơn, tính thuyết phục cao hơn.

Có đại biểu nêu muốn thu hút đầu tư cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đầu vào tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong tỉnh. Bên cạnh đó, để cải cách thủ tục hành chính cần tập trung đầu tư, quan tâm cơ sở vật chất, hiện đại hóa bộ phận "một cửa" ở cấp huyện, xã.

Có ý kiến đề nghị cần nhân rộng mô hình thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; mô hình bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại Đại hội; đổi mới quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ vừa để phát duy dân chủ, vừa có cơ hội chọn người có năng lực đảm nhận các vị cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Có ý kiến nêu việc thu hút vốn đầu tư và sử dụng nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả do còn nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư chưa thông thoáng. Có ý kiến đề nghị cần phân tích, so sánh kỹ hơn việc phát huy lợi thế của Hải Dương để phát triển kinh tế với các tỉnh xung quanh, vì thực tế hiện Hải Dương phát triển chưa xứng với tiềm năng.

Thúc đẩy phát triển kinh tế

Có đại biểu cho rằng muốn thu hút đầu tư cần tiếp tục quan tâm phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh đầu tư hệ thống giao thông cấp tỉnh, cấp huyện cần tiếp tục hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Khi hệ thống giao thông đồng bộ sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung. Có ý kiến đề nghị cần tăng tính liên thông giữa các sở ngành, giữa tỉnh với cấp huyện, xã để thu hẹp khoảng cách giữa các bên, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Có đại biểu đề nghị tỉnh trong nhiệm kỳ tới cần tiếp tục đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông nhằm liên kết các địa phương trong tỉnh, liên kết giữa Hải Dương với các tỉnh, thành phố trong khu vực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Có đại biểu đề xuất cần có chủ trương dán nhãn cho các địa phương trong sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, hạn chế chuyển đổi những diện tích đất màu mỡ, giá trị sản xuất cao cho phát triển công nghiệp để tránh manh mún. Nghị quyết Đại hội cũng cần đề ra chủ trương quan tâm hỗ trợ những đơn vị phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao, tạo động lực để huy động nguồn lực từ nhân dân. Cần nghiên cứu, rà soát, tính toán tiêu chí nông thôn mới nâng cao hợp lý, tận dụng được cơ sở vật chất sẵn có. Ví dụ như tiêu chí chuẩn y tế quốc gia, theo tiêu chí thì hệ thống cơ sở vật chất đòi hỏi rất lớn, không tương xứng với thực tế biên chế y, bác sĩ nên gây lãng phí nguồn lực...

Có đại biểu đề nghị tỉnh cần có cơ chế đặc thù cho các huyện, xã khó khăn để tạo nguồn lực cho địa phương chứ không chỉ dừng lại ở hỗ trợ tiền. Cần tính toán các giải pháp dài hơi như đầu tư hệ thống giao thông đi qua, mở rộng kết nối giữa các địa phương, vùng. Tỉnh cũng cần có giải pháp để tăng thu ngân sách cho các địa phương để có nguồn lực phát triển.

Về xác định các công trình trọng điểm, có đại biểu đề nghị tỉnh cần xây dựng tuyến giao thông, làm cầu để kết nối 2 huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, tạo ra vùng phát triển kinh tế năng động hơn, bởi 2 địa phương này cũng có nhiều thế mạnh để phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái.

Đại biểu Đảng bộ huyện Kim Thành phát biểu thảo luận

Đại biểu Đảng bộ huyện Kim Thành phát biểu thảo luận

Có đại biểu cho biết trong báo cáo chính trị có nhắc đến đang có một số doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào Hải Dương. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể trong thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn tỉnh. Có giải pháp cụ thể để phục vụ cho việc phát triển thông minh, phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ.

Có ý kiến cho rằng trong phần hạn chế, yếu kém, Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cần đưa một số nội dung lý giải vì sao du lịch Hải Dương chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Tỉnh đã quan tâm kêu gọi một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch nhưng chưa có dự án lớn nào được triển khai. Báo cáo cần xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển cụ thể hơn trong lĩnh vực này.

Có ý kiến đề nghị cần có khâu đột phá về cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và đột phá về phân cấp quản lý cho cấp huyện trong một số lĩnh vực.

Có đại biểu đề nghị chương trình hành động cần bổ sung phát triển du lịch sinh thái như khu chợ Hương (Thanh Hà), khu sân golf ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ). Tỉnh cũng cần chú trọng tiếp nhận các doanh nghiệp ít hoặc không gây ảnh hưởng đến môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm môi trường của các doanh nghiệp, nhà máy.

Cần có giải pháp căn cơ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Có đại biểu đề nghị trong sản xuất nông nghiệp cần có giải pháp căn cơ, qua đó mở ra việc tích tụ ruộng đất cho việc sản tập trung quy mô lớn, sản xuất sạch, nâng cao hiệu quả sản xuất. Có những chính sách để tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, áp dụng kỹ thuật công nghệ để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp sạch. Hình thành các vùng sản xuất lớn; xác định rõ hướng luân canh, chuyên canh ở phạm vi toàn tỉnh, xây dựng HTX kiểu mẫu theo đúng luật.

Có đại biểu cho rằng đất nông nghiệp có hạn, muốn phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, nông nghiệp sạch bắt buộc áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Sở Khoa học - Công nghệ cần kịp thời tham mưu cho tỉnh triển khai các công trình, dự án phát huy được hiệu quả cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ xi măng để xây dựng giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương. Cần cụ thể hóa chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Chỉ tiêu 20% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu trong nhiệm kỳ tới là rất khó khăn. Số xã đạt nông mới nâng cao cũng khó phấn đấu vì còn giải quyết nợ xây dựng cơ bản. Có đại biểu đề nghị cần quan tâm đến môi trường ở những thôn, khu dân cư xung quanh các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy sản xuất.

Có ý kiến cho rằng sản xuất nông nghiệp phát triển chưa bền vững, đa số sản phẩm nông nghiệp phát triển chưa gắn với công nghiệp chế biến, dịch vụ phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu, hợp tác sản xuất theo chuỗi còn ít...

Để thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, một số ý kiến đề nghị tỉnh cần quan tâm đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao, quy vùng sản xuất chuyên canh, kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, phát triển hợp tác xã, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.

Có đại biểu cho rằng sự phát triển giữa các địa phương chưa thực sự đồng đều. Một số địa phương còn khó khăn như Ninh Giang, Thanh Hà... Tỉnh ủy cần có cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực, đòn bẩy cho những địa phương này phát triển hơn. Tỉnh cũng cần có chủ trương quan tâm hơn phát triển nông nghiệp gắn với phát triển khoa học, công nghệ. Nhân rộng những mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ hiệu quả.

Phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường

Đại biểu Đảng bộ huyện Ninh Giang phát biểu thảo luận

Đại biểu Đảng bộ huyện Ninh Giang phát biểu thảo luận

Đại biểu phản ánh tình hình ô nhiễm môi trường ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp gây ô nhiễm xả ra môi trường, lạm dụng thuốc trừ sâu, ô nhiễm nguồn nước ngầm. Đại biểu đề nghị tăng cường tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tội phạm liên quan đến môi trường.

Cấm hoạt động các doanh nghiệp không bảo đảm về môi trường. Thu hút có chọn lọc những doanh nghiệp sản xuất thân thiện với môi trường. Cần chi khoảng 1% từ nguồn thu ngân sách để bảo vệ môi trường. Lắp đặt các trạm quan trắc môi trường để phát hiện, xử lý kịp thời những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường... Quyết tâm xây dựng Hải Dương phát triển nhanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Có đại biểu đề xuất tỉnh cần có chỉ đạo chung về vấn đề xử lý rác thải trong toàn tỉnh để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Một số đại biểu cho biết Hải Dương có nguồn tài nguyên khoáng sản khá lớn như đất sét trắng, than đá, đất đồi, cát vàng, cát sỏi lòng sông... Mặc dù công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn được tăng cường nhưng tình hình khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, gây lãng phí nguồn thu. Đại biểu đề nghị cần quản lý tốt hơn việc khai thác quản lý khoáng sản. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Xử lý nghiêm những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm.

Có đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm hơn đến công tác quản lý nhà nước về cấp phép xây dựng để bảo đảm quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng…

Hầu hết các ý kiến đều nhấn trí cao với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Đa số các đại biểu cũng đồng tình với những nội dung chính của Báo cáo chính trị và dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngày 26.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII nhiệm kỳ 2020- 2025 chính thức khai mạc.

8 tổ thảo luận

Tổ 1 gồm 7 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh (9 đại biểu), đại biểu Đảng bộ Thành phố Chí Linh (25 đại biểu).

Tổ 2 gồm 7 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, đại biểu Đảng bộ Thành phố Hải Dương (38 đại biểu), đại biểu đảng bộ Công an tỉnh (10 đại biểu).

Tổ 3 gồm 3 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh (39 đại biểu).

Tổ 4 gồm 7 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, đại biểu Đảng bộ huyện Cẩm Giàng (17 đại biểu), đại biểu Đảng bộ huyện Bình Giang (18 đại biểu).

Tổ 5 gồm 7 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, đại biểu Đảng bộ thị xã Kinh Môn (21 đại biểu), đại biểu Đảng bộ huyện Kim Thành (18 đại biểu).

Tổ 6 gồm 7 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, đại biểu Đảng bộ huyện Gia Lộc (18 đại biểu), đại biểu Đảng bộ huyện Tứ Kỳ (18 đại biểu).

Tổ 7 gồm 7 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, đại biểu Đảng bộ huyện Ninh Giang (21 đại biểu), đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Miện (19 đại biểu).

Tổ 8 gồm 8 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, đại biểu Đảng bộ huyện Nam Sách (19 đại biểu), đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Hà (18 đại biểu).

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chao-mung-dai-hoi-dang-bo-tinh-lan-thu-xvii/cac-dai-bieu-thao-luan-tai-to-150332