Các 'đại gia' ngân hàng góp tiếng nói mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu
Các ngân hàng có giá trị tài sản hơn 47.000 tỷ USD, chiếm 1/3 ngành công nghiệp toàn cầu, sẽ khuyến khích xoay chuyển việc cho vay vốn từ các dự án carbon sang các ngành công nghiệp xanh.
Ngày 22/9, các ngân hàng có giá trị tài sản hơn 47.000 tỷ USD, chiếm 1/3 ngành công nghiệp toàn cầu, đã thông qua nguyên tắc "ngân hàng trách nhiệm" nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, theo đó sẽ rút dần các khoản vay cấp cho các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch.
Đại diện nhóm ngân hàng thực hiện "Sáng kiến Tài chính vì môi trường" được Liên hợp quốc ủng hộ, ông Simone Dettling, cho biết những nguyên tắc mới này đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải xem xét tới yếu tố tác động của những khoản cho vay đối với xã hội chứ không chỉ đơn giản xét về danh mục đầu tư của các dự án.
Dưới sức ép của các nhà đầu tư, các đơn vị điều phối và các nhà hoạt động môi trường, một số ngân hàng lớn đã thừa nhận vai trò của các ngân hàng là cần thiết trong tiến trình chuyển đổi nhanh sang từ nền kinh tế phụ thuộc sang nền kinh tế ít phụ thuộc vào carbon.
Việc rót vốn cho các dự án khai thác than đá, dầu khí và khí đốt càng phải được xem xét kỹ lưỡng khi các nhà khoa học kêu gọi thay đổi sự lệ thuộc quá mức vào nhiên liệu hóa thạch nhằm làm chậm lại tốc độ ấm lên của Trái Đất, là thủ phạm gây ra những hình thái thời tiết cực đoan.
Theo các nguyên tắc mới, các định chế cho vay phải cần phải sắp xếp các chiến lược của mình phù hợp với Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu cũng như các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặt ra các mục tiêu nhằm gia tăng những "tác động tích cực" đối với con người và môi trường; minh bạch và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình.
Các quy định trên sẽ khuyến khích các ngân hàng xoay chuyển hồ sơ cho vay từ các tài sản tập trung vào các dự án carbon và chuyển hướng vốn sang các ngành công nghiệp xanh hơn.
Deutsche Bank, Citigroup và Barclays là những định chế tài chính nằm trong danh sách 130 ngân hàng lớn sẽ tham gia khung pháp lý mới trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, dự kiến khai mạc ngày 23/9 tại New York (Mỹ), góp tiếng nói mạnh mẽ hối thúc các công ty và chính phủ nhanh chóng hành động để ngăn chặn những thảm kịch có thể xảy ra do Trái Đất ấm lên./.