Các đại gia Thái Lan đang làm ăn ra sao tại Việt Nam?

Sau gần 40 năm đặt chân đến Việt Nam, nhà đầu tư Thái Lan đã rót hàng chục tỷ USD vào đây. Người Thái cũng sẵn sàng chi hàng tỷ USD để thâu tóm nhiều doanh nghiệp nội địa đầu ngành.

Kể từ khi mở cửa chào đón vốn đầu tư nước ngoài vào cuối thập niên 80, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn trong mắt người Thái.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thái Lan là một trong 9 quốc gia dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam, chỉ đứng sau Singapore trong phạm vi Đông Nam Á. Lũy kế đến giữa năm 2024, các doanh nghiệp Thái Lan đang có gần 800 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 14 tỷ USD.

Đến nay, doanh nghiệp Thái Lan đã hiện diện tại 48/63 tỉnh thành, tập trung chủ yếu tại những địa phương có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương hay Đồng Nai.

Bóng dáng người Thái ở Việt Nam

Sau gần 40 năm, nhà đầu tư Thái đang sở hữu nhiều doanh nghiệp đầu ngành ở Việt Nam, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ vật liệu xây dựng, dầu khí, nông nghiệp cho đến bán lẻ.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn FDI Thái Lan vào Việt Nam - chứng kiến sự thống lĩnh của Tập đoàn SCG.

Là một trong những tập đoàn công nghiệp lâu đời nhất của Thái Lan, SCG được thành lập hơn 110 năm trước và đã mở rộng quy mô ra toàn khu vực. Năm 1992, SCG đặt chân vào Việt Nam và trở thành một trong những nhà đầu tư Thái Lan đầu tiên ở thị trường này.

Đến nay, SCG sở hữu 27 công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xi măng - vật liệu xây dựng, bao bì, hóa dầu, logistics... tại Việt Nam, với tổng doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD. Việt Nam cũng là thị trường quan trọng thứ 2 của SCG sau Thái Lan, chiếm tới 30% tổng tài sản của tập đoàn.

Năm 2024, doanh thu bán hàng từ thị trường Việt Nam đem về cho ông lớn này 35.140 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD), tăng 15% so với năm 2023. Dẫu vậy, tình trạng phải tạm dừng một số dự án do nhu cầu suy yếu và nguồn thu từ các công ty liên kết bị thu hẹp khiến lợi nhuận ròng của SCG Việt Nam giảm 76% xuống 4.500 tỷ đồng (khoảng 180 triệu USD).

 Long Sơn là tổ họp lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ảnh: SCG.

Long Sơn là tổ họp lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ảnh: SCG.

Từ năm 1992 đến nay, SCG đã đầu tư hơn 7 tỷ USD tại Việt Nam, 80% trong số đó là các dự án lớn như nhà máy Giấy Kraft Vina, nhà máy Ngói Bê tông SCG, nhà máy nhựa PVC... Song, đặc biệt nhất phải kể đến dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (LSP) ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Không chỉ là tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam, LSP còn là khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn với quy mô ban đầu lên đến 5 tỷ USD. Sau khi đi vào vận hành thương mại vào tháng 9 năm ngoái, LSP được kỳ vọng tạo ra 1,5 tỷ USD doanh thu từ cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, qua đó đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 100 triệu USD mỗi năm.

Mới đây, ông Kulachet Dharachandra, Giám đốc Quốc gia của SCG tại Việt Nam kiêm Tổng giám đốc LSP, cho biết tập đoàn đã quyết định đầu tư thêm 500 triệu USD để cải tạo tổ hợp, nhằm tích hợp nguồn nguyên liệu đầu vào ethane. Số vốn được hỗ trợ từ dòng tiền nội bộ của tập đoàn mẹ.

Tương tự SCG, Tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group) cũng có mặt tại Việt Nam từ rất sớm thông qua việc khai trương văn phòng đại diện vào năm 1988. Năm 1993, tập đoàn thành lập Công ty TNHH chăn nuôi C.P Việt Nam, có trụ sở chính tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai).

Sau gần 4 thập kỷ, thương hiệu CP đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn ở cả 3 lĩnh vực là thức ăn chăn nuôi, trang trại và chế biến thực phẩm.

Tính đến năm ngoái, C.P. Việt Nam đã sở hữu hơn 20 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; sơ chế bắp; chế biến thủy sản, thịt.

Hàng năm, các nhà máy cung cấp ra thị trường hơn 6,8 triệu con heo thịt, 750 triệu quả trứng, hơn 66 triệu con gà thịt và xuất khẩu thực phẩm chế biến thủy sản trên 20.000 tấn sang thị trường các nước như Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu.

Về kết quả kinh doanh, báo cáo quý III/2024 của Tập đoàn CP tiết lộ thị trường Việt Nam đem về gần 22.000 tỷ đồng doanh thu, nâng tổng doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm lên gần 70.000 tỷ đồng. Con số này áp đảo hoàn toàn nhiều tên tuổi nội địa cùng ngành như Dabaco, Vĩnh Hoàn, BAF Việt Nam...

Xét về cơ cấu sản phẩm, mảng chăn nuôi đóng góp lớn nhất cho C.P. Việt Nam khi chiếm hơn 67% tỷ trọng doanh thu, kế đó là thức ăn chăn nuôi (29%) và thực phẩm (4%).

Hàng loạt thương vụ thâu tóm tỷ USD

Không chỉ rót hàng tỷ USD xây dựng "cứ điểm" ở Việt Nam, các "ông chủ" người Thái còn nổi tiếng với những thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nội địa, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất và bán lẻ.

Năm 2015, TCC Group - một trong những tập đoàn do tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi sáng lập - đã chi 879 triệu USD để mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam.

Với 19 trung tâm phân phối trên cả nước phục vụ chủ yếu cho nhóm khách hàng doanh nghiệp và nhà hàng, TCC Group kỳ vọng có thể thâm nhập sâu vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Sau thương vụ này, Metro Cash & Carry nhanh chóng đổi tên thành MM Mega Market.

Năm 2017, tỷ phú Thái tiếp tục khiến thị trường dậy sóng khi thâu tóm Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (Sabeco) thông qua ThaiBev. Tổng giá trị thương vụ lên đến 110.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD thời điểm đó) và trở thành sự kiện M&A đắt giá nhất trong ngành bia châu Á.

 Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đang là người giàu thứ 2 Thái Lan. Ảnh: Bloomberg.

Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đang là người giàu thứ 2 Thái Lan. Ảnh: Bloomberg.

Ngoài Sabeco, ông Charoen Sirivadhanabhakdi còn nắm lượng lớn cổ phần CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thông qua quỹ đầu tư F&N Dairy Investments. Với 369,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 17,69% vốn điều lệ, F&N đang là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk.

F&N đã tiếp cận Vinamilk từ khi doanh nghiệp này cổ phần hóa và bắt đầu sở hữu 5% cổ phần từ năm 2005. Tuy nhiên, dấu ấn của cổ đông Thái Lan tại Vinamilk trở nên rõ nét hơn sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn vào năm 2017.

Bên cạnh F&N Dairy Investments, F&N Bev Manufacturing - một đơn vị khác trong hệ sinh thái của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakd - cũng sở hữu 2,7% công ty sữa Việt Nam. Tổng cộng, nhóm cổ đông này kiểm soát 20,4% vốn Vinamilk, chỉ đứng sau cổ đông Nhà nước (36%). Ước tính, lượng cổ phần Vinamilk trong tay người Thái có giá trị khoảng 1 tỷ USD.

Trên sàn chứng khoán, Vinamilk và Sabeco đều là những doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt rất hào phóng, mang lại cho vị tỷ phú Thái hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tính từ thời điểm xuất hiện trong cơ cấu cổ đông, 2 doanh nghiệp này đã chia cho nhóm nhà đầu tư Thái Lan hơn 27.000 tỷ đồng cổ tức.

Central Group, tập đoàn đa ngành do gia đình giàu thứ 4 Thái Lan Chirathivat quản lý, cũng không hề kém cạnh khi thâu tóm một loạt doanh nghiệp bán lẻ, phân phối của Việt Nam.

Năm 2015, Central Group mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim - một trong những chuỗi điện máy lớn nhất Việt Nam - và nâng tỷ lệ sở hữu lên 100% trong 4 năm sau đó. Ngoài ra, tập đoàn Thái còn mua lại chuỗi siêu thị Lan Chi - thương hiệu hoạt động chủ yếu ở các vùng nông thôn.

 Central Group thâu tóm nhiều thương hiệu tại Việt Nam và đang không ngừng mở rộng sự hiện diện. Ảnh: GO!.

Central Group thâu tóm nhiều thương hiệu tại Việt Nam và đang không ngừng mở rộng sự hiện diện. Ảnh: GO!.

Năm 2016, Central Group tiếp tục thực hiện thương vụ mua lại toàn bộ hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam từ tay Tập đoàn Casino (Pháp) với giá trị khoảng 1,05 tỷ USD. Sau khi hoàn tất, thương hiệu này được tái định vị, đổi tên Big C thành GO! (đối với các siêu thị lớn) và Tops Market (đối với các cửa hàng siêu thị trong thành phố).

Hiện tại, Central Retail vận hành hơn 340 cửa hàng bán lẻ trên 43 tỉnh thành tại Việt Nam.

"Đại gia" này còn tuyên bố kế hoạch đầu tư thêm 50 tỷ baht (khoảng 1,45 tỷ USD) trong giai đoạn 2023-2027 để tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Khoản đầu tư này cao gấp 5 lần số tiền tập đoàn chi cho thị trường Việt Nam trong 10 năm trước đó. Từ đây, Tập đoàn Central Retail sẽ tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt ở 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam.

Về tình hình kinh doanh, Central Retail tại Việt Nam ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 vượt 27.600 tỷ đồng, chiếm phần lớn số đó là mảng thực phẩm. Trong khi đó, nhóm hàng công nghệ, gia dụng, tiêu biểu là chuỗi siêu thị Nguyễn Kim, chỉ mang về 3.452 tỷ đồng doanh thu.

Thực tế, số lượng doanh nghiệp Việt Nam về tay người Thái lớn hơn rất nhiều. Không ít trong số đó là những tên tuổi lớn, lâu đời như Nhựa Bình Minh, Nhựa Duy Tân, Nhựa Tiền Phong, Bao bì Biên Hòa, Dovina, Thipha Cable...

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/cac-dai-gia-thai-lan-dang-lam-an-ra-sao-tai-viet-nam-post1533047.html