Các dân tộc huyện Thanh Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới

PTĐT - Ở huyện miền núi Thanh Sơn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 'đa số' trong tỷ lệ dân cư, bởi vậy, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc đầu tiên mà Thanh Sơn cần chú trọng đó là sự đồng thuận chung sức, chung lòng ...

PTĐT - Ở huyện miền núi Thanh Sơn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm “đa số” trong tỷ lệ dân cư, bởi vậy, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc đầu tiên mà Thanh Sơn cần chú trọng đó là sự đồng thuận chung sức, chung lòng của bà con các dân tộc trong huyện. Những năm qua, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân cùng những cách làm mới, vận dụng linh hoạt phương thức triển khai và huy động nguồn lực trong nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ… diện mạo nông thôn mới ở huyện đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Huyện Thanh Sơn có 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 55,53%, dân tộc Dao 3,72%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Toàn huyện có 23 đơn vị hành chính gồm 22 xã và 01 thị trấn, trong đó có 04 xã thuộc khu vực I, 12 xã thuộc khu vực II, 07 xã thuộc khu vực III; có 06 xã thuộc vùng CT 229; có 285 khu dân cư (trong đó có 77 thôn bản ĐBKK)… Nhìn chung, xuất phát điểm của Thanh Sơn khá thấp, tuy vậy, qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đã đầu tư xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của huyện miền núi Thanh Sơn, mang đến những đổi thay rõ rệt. Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt trên 65%; 23/23 xã có điện lưới quốc gia. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 11%... Năm 2014, toàn huyện có 01 xã đạt 13/19 tiêu chí (Lương Nha); 01 xã đạt 12/19 tiêu chí (Cự Thắng); 01 xã đạt 11/19 tiêu chí (Địch Quả); 02 xã đạt 10/19 tiêu chí (Hương Cần, Sơn Hùng)… Đến năm 2018 trên địa bàn huyện có 22/23 xã triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới, đã có 03 xã đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận xã nông thôn mới (Lương Nha, Địch Quả, Sơn Hùng); có 3 xã đạt từ 15-18 tiêu chí (Cự Thắng, Thục Luyện, Võ Miếu), các xã còn lại đã đạt được từ 8-14 tiêu chí, có 26 khu đạt khu dân cư nông thôn mới. Quá trình tổ chức thực hiện chương trình, đã có nhiều phong trào tiêu biểu như: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”; “Thanh niên, phụ nữ xây dựng nông thôn mới”… Có thể thấy, công tác tuyên truyền, vận động đã làm chuyển biến rõ nét về nhận thức, giúp cho cán bộ, đảng viên và bà con các dân tộc hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa nội dung, tầm quan trọng, cơ chế chính sách của Đảng và nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, từng hộ gia đình và mỗi người dân, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng, gương mẫu thực hiện tốt vai trò chủ thể trong các phong trào.
Từ kết quả trên cho thấy đã có sự chuyển biến một cách sâu sắc về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và tầng lớp nhân dân, đã xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân, đây là việc của dân và vì lợi ích của dân. Luôn gần gũi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nên đã tạo được sự đồng thuận ủng hộ, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền. Từ đó đã khuyến khích, động viên người dân hăng hái tự nguyện tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, mang tính tổng thể, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, đặc biệt là sự đoàn kết nhất trí của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình hưởng ứng của mỗi người dân. Xác định rõ xây dựng nông thôn mới là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Dân vừa là chủ thể thực hiện, vừa là người hưởng thụ, vì vậy, phải làm tốt công tác triển khai tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ chủ trương, cơ chế chính sách, tầm quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân góp vốn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và hưởng thụ”.Về xã nông thôn mới Địch Quả để có cái nhìn rõ hơn về phương châm và cách làm của xã miền núi với 60% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Khởi điểm chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội của địa phương tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng chưa thật sự bền vững, trình độ dân chí chưa đồng đều, vấn đề giải quyết việc làm, giá cả các mặt hàng không ổn định, thiếu đầu ra cho các sản phẩm, nhất là hàng nông sản càng áp lực khi cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn chủ yếu là ở quy mô hộ gia đình… Nguồn thu ngân sách của địa phương chưa đáp ứng nhu cầu tập trung đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Địch Quả là xã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, để hoàn thành được mục tiêu này, xã đã vận động được trên 12 tỷ đồng, hiến đất trên 18.120m2 đất cùng với hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng các thiết chế văn hóa, làm đường giao thông. Bí thư Đảng ủy xã Địch Quả Hà Văn Thái cho biết: “Để thực hiện xây dựng nông thôn mới, phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, đóng góp sức công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình”.Ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng NN&PTNN huyện Thanh Sơn chia sẻ: “Xây dựng nông thôn mới chính là “cuộc cách mạng” sâu sắc, toàn diện với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó người dân đã nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi và đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Cũng từ đó tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư được gắn bó sâu sắc, góp phần giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn”. Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tiếp theo, huyện Thanh Sơn tiếp tục nâng cao các tiêu chí nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, hướng tới xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, nền nông nghiệp với cơ cấu và hình thức hợp lý…

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/201906/cac-dan-toc-huyen-thanh-sonchung-suc-xay-dung-nong-thon-moi-165197