UNESCO lần đầu công bố các Di sản Thế giới vào năm 1978. Trải qua hơn 4 thập kỷ, việc được UNESCO công nhận trở thành Di sản Thế giới là một vinh dự lớn đối với các điểm đến. Trong ảnh, Trung tâm giao thương của thế giới thời Tống-Nguyên ở Tuyền Châu (Trung Quốc). Địa điểm này đã chứng kiến thời kì hưng thịnh của thương mại hàng hải châu Á. Ngoài địa điểm này, châu Á cũng xuất hiện một số di sản mới như đền Kakatiya Rudreshwara (Ấn Độ), đảo Amami-Oshima, đảo Tokunoshima, phần phía bắc của đảo Okinawa và đảo Iriomote (Nhật Bản), vườn quốc gia Kaeng Krachan (Thái Lan)... Ảnh: Alamy.
Đường sắt xuyên Iran, nối biển Caspi (phía Đông Bắc) với vịnh Ba Tư (phía Tây Nam) được khởi công xây dựng năm 1927 và hoàn thành sau 11 năm. Với chiều dài 1.394 km, tuyến đường này đi qua 4 vùng khí hậu khác nhau. Địa điểm này đáng chú ý vì quy mô và kĩ thuật xây dựng phức tạp để vượt qua những cung đường dốc. Ảnh: Hossein Javadi.
Đại diện của Tây Ban Nha góp mặt trong danh sách lần này là trung tâm lịch sử gồm đại lộ Paseo del Prado và một phần còn lại của cung điện Buen Retiro. UNESCO đánh giá đây là "cảnh quan của nghệ thuật và khoa học". Ngoài Tây Ban Nha, khu vực châu Âu cũng được bổ sung một số di sản như như thị trấn nghỉ dưỡng mùa đông ở Riviera (Pháp), các công trình của Jože Plečnik ở Ljubljana (Slovenia)... Ảnh: Juan Medina.
Khu văn hóa Hima nằm trong một khu vực đồi núi khô cằn ở Saudi Arabia thu hút bởi những tảng đá khắc hình nghệ thuật có niên đại 7.000 năm, mang nhiều ngôn ngữ khác nhau mô tả hoạt động săn bắt động thực vật. Nơi đây cũng phong phú về các nguồn khảo cổ chưa được khai thác dưới dạng các ngôi nhà, cấu trúc đá, tàn tích công cụ đá và giếng cổ. Ảnh: Alamy.
Chuỗi bích họa thế kỉ 14 tại Padua tiếp tục là di sản của Italy được ghi tên trong danh sách danh giá này. Địa điểm gồm 8 khu phức hợp bên trong thành Padua, lưu giữ và tuyển chọn các bức họa được vẽ từ năm 1302-1397 bởi các nghệ sĩ khác nhau. Tuy nhiên, các bức họa vẫn có sự thống nhất trong phong cách và nội dung. Chuỗi bích họa Nhà nguyện Scrovegni của Giotto được coi là khởi đầu của sự phát triển mang tính cách mạng trong lịch sử vẽ tranh tường. Ảnh: UNESCO.
Nhà thờ Hồi giáo phong cách Sudan ở phía bắc Bờ Biển Ngà có tổng cộng 8 công trình bằng gạch nung, đặc trưng bởi những thanh gỗ nhô ra, những cột trụ thẳng đứng được gắn bằng gốm hoặc trứng đà điểu và các ngọn tháp nhỏ. Công trình này giải thích về phong cách kiến trúc có nguồn gốc từ thế kỉ 14 ở thị trấn Djenné. Ngoài nhà thờ Hồi giáo phong cách Sudan, châu Phi còn có một đại diện khác góp mặt trong danh sách năm nay là Vườn quốc gia Ivindo ở Gabon. Ảnh: UNESCO.
Nhà thờ Atlántida của kỹ sư Eladio Dieste với tháp chuông và khu rửa tội dưới lòng đất là điểm đến mang nhiều ấn tượng. Lấy cảm hứng từ kiến trúc tôn giáo thời Trung cổ và Thiên Chúa giáo cổ của Italy, quần thể nhà thờ hiện tại được khánh thành năm 1960 đã thể hiện cách sử dụng mới lạ của gạch gia cố và cốt thép. Khu vực châu Mỹ cũng xuất hiện một số di sản mới gồm khu phức hợp khảo cổ học Chankillo (Peru), Sítio Roberto Burle Marx (Brazil)... Ảnh: Matilde Campodonico.
Những quốc gia sở hữu di sản do UNESCO công nhận sẽ được nhận hỗ trợ tài chính và tư vấn chuyên môn từ tổ chức này để tăng cường và thu hút khách du lịch.
Để nằm trong danh sách Di sản Thế giới, các điểm đến phải đảm bảo các tiêu chí nhất định như có "giá trị phổ quát nổi bật", "là minh chứng độc đáo hoặc hiếm có cho truyền thống văn hóa hoặc một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất", hay chứa "các hiện tượng tự nhiên độc đáo, có tầm quan trọng về mặt thẩm mỹ".
Quỳnh Anh