Các di sản UNESCO của Việt Nam sau khi vinh danh đều được bảo tồn và phát huy giá trị
Chiều 26/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy – Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Văn hóa dự và chủ trì Chương trình Phiên họp tổng kết công tác năm 2019 của Tiểu ban Văn hóa - Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Tại Hội nghị, Bà Nguyễn Phương Hòa – Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Thường trực Tiểu ban đã báo cáo hoạt động của tiểu ban trong năm 2019. Trong đó, có việc thực hiện Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới; Công ước UNESCO 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Công ước 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa; và Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cao với bản Báo cáo. Đồng thời, khẳng định trong thời gian vừa qua, công tác văn hóa nói chung, công tác di sản nói riêng của UNESCO, Việt Nam đã làm rất tốt. Theo thống kê, Việt Nam có 39 danh hiệu ở tất cả các lĩnh vực. Trong lĩnh vực văn hóa, Việt Nam có 13 di sản văn hóa phí vật thể, 8 di sản thế giới, 7 di sản tư liệu. Trên địa bàn các địa phương có di sản được công nhận đều có tốc độ du lịch tăng trưởng cao, qua đó thấy được giá trị danh hiệu của UNESCO đã mang lại.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, các đại biểu đã đóng góp một số ý kiến như: Cần xây dựng hồ sơ đa quốc gia Nghệ thuật Sơn mài; Bổ sung thúc đẩy thêm hoạt động xây dựng di sản về tư liệu; Đẩy mạnh sự gắn kết giữa bảo tàng Việt Nam và Hiệp hội Bảo tàng quốc tế; Cần xây dựng "Map" – bản đồ về di sản, trong đó, xây dựng kế hoạch cho từng lĩnh vực cụ thể.…
Các đại biểu cũng cho rằng, trong kế hoạch năm 2020, chúng ta sớm xây dựng kế hoạch tham gia được Công ước 2001 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, vì Việt Nam có tiềm năng văn hóa biển rất lớn. Ngoài ra, đề nghị các địa phương cùng với việc báo cáo thống kê số liệu nguồn thu từ khách du lịch tại các di sản thế giới được công nhận trên địa bàn, cần báo cáo thống kê nguồn lực đầu tư trở lại cho tu bổ, tôn tạo, trùng tu các di sản như thế nào, để bảo tồn và phát huy các di sản này một cách bền vững theo đúng tiêu chuẩn, quan điểm của UNESCO…
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao sự nỗ lực của các Cục, Vụ, đơn vị, đặc biệt là Tiểu ban Văn hóa trong thực hiện các nhiệm vụ năm 2019, đã đóng góp chung vào thành công của hoạt động của UNESCO tại Việt Nam. Thứ trưởng khẳng định: Các di sản của Việt Nam sau khi được UNESCO công nhận đều phát huy tác dụng và được cộng đồng ngày càng trân trọng, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở địa phương...
Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2020, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị Tiểu ban Văn hóa: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Công ước của UNESCO mà Việt Nam là thành viên tham gia; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên của Việt Nam tại các Công ước UNESCO; Nghiên cứu thủ tục gia nhập Công ước UNESCO 2001 về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước. Đặc biệt, triển khai sớm thủ tục, chuẩn bị lộ trình kế hoạch để tiếp nhận Chương trình "Ký ức Thế giới". Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Tiểu ban của Ủy ban UNESCO, các địa phương và ban, ngành liên quan xây dựng hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO ghi danh.
Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các nội dung của các Công ước để cộng đồng người dân, đặc biệt là các địa phương có di sản đã được công nhận hiểu hơn về vị trí vai trò của mình trong việc tham gia bảo vệ các di sản thế giới, thực hiện tốt cam kết của UNESCO. Đồng thời, phối hợp triển khai tốt hoạt động kiểm tra, giám sát việc bảo tồn và phát huy di sản tại các địa phương. Đặc biệt, để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới được hiệu quả, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị Tiểu ban Văn hóa cần có sự phân công kiện toàn tổ chức.