Các địa phương bám sát diễn biến dịch do nhiều ca nhiễm chủng Omicron
Hà Nội và các tỉnh phía Nam tiếp tục tăng ca nhiễm mới, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, siết chặt hoạt động tập trung đông người trong dịp Tết Dương lịch.
Theo thông tin từ Bộ Y tế tối 31/12, Việt Nam ghi nhận thêm 16.515 ca nhiễm mới, trong đó 39 ca nhập cảnh và 16.476 ca phát hiện tại 60 tỉnh, thành phố. Trong đó, 11.337 ca được phát hiện qua sàng lọc người bệnh trong cộng đồng.
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến dịch do chủng mới Omicron gây ra, chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch.
Số F0 trong 24h ở Hà Nội tiếp tục tăng
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 31/12, thành phố phát hiện thêm 1.914 trường hợp nhiễm nCoV. Trong đó, các bệnh nhân được ghi nhận tại cộng đồng (612), khu cách ly (1.040), khu phong tỏa (262).
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca nhiễm trong ngày là: Nam Từ Liêm (213); Cầu Giấy (172); Hà Đông (154); Gia Lâm (152); Tây Hồ (136); Bắc Từ Liêm (112); Thanh Xuân (103); Long Biên (103); Hoàng Mai (99).
612 ca cộng đồng ghi nhận tại 211 xã, phường thuộc 24/30 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Một số quận, huyện nhiều ca cộng đồng gồm: Cầu Giấy (66); Nam Từ Liêm (63); Gia Lâm (60); Thanh Xuân (50); Hoàng Mai (45); Tây Hồ (43); Hoàn Kiếm (40); Long Biên (40).
Trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) tại Hà Nội, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận là 48.939 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 16.412 ca, số mắc đã được cách ly là 31.527 ca.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 101% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19.
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật gần nhất cho thấy Hà Nội hiện có 16.256 F0 tự theo dõi tại nhà và 4.636 trường hợp nhiễm nCoV phải điều trị tại bệnh viện.
Trong số này, 2.737 người diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 1.598 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 301 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, 243 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 19 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 10 người thở máy không xâm lấn, 27 ca thở máy xâm lấn và 2 bệnh nhân phải lọc máu.
Mới đây, UBND Hà Nội đã thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải về việc dừng việc cách ly tập trung tất cả hành khách đến từ hoặc đi qua quốc gia có người nhiễm biến chủng Omicron.
Theo đó, UBND thành phố tuân thủ tinh thần chỉ đạo chung. Sau khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn ứng phó với biến chủng Omicron, thành phố có văn bản 310 yêu cầu cách ly người về từ các nước có Omicron.
Tuy nhiên, sau đó Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, thành phố cũng ra văn bản mới phù hợp với tinh thần chung là không cách ly người từ nước có Omicron nữa.
Ngược lại, TP.HCM tiếp tục có dưới 1.000 ca nhiễm với 557 F0. Hiện, dịch tại TP.HCM duy trì cấp độ 2. Trong số 22 địa bàn cấp quận/huyện, có 16 đơn vị đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), 6 địa phương đạt cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình) và không có địa phương nào ở cấp độ 3.
Như vậy, địa bàn duy nhất ở TP.HCM tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận Tân Phú (từ cấp 1 lên cấp 2); 8 huyện giảm cấp độ dịch là quận 5, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, huyện Bình Chánh (từ cấp 2 xuống cấp 1).
Thống kê của TP.HCM cho thấy số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 người/tuần là 52,4. Tính đến 30/12, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm một mũi vaccine trên địa bàn đạt 100%; tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 liều là trên 99,7%.
Các tỉnh miền Tây hạn chế tập trung đông người
Ngày 31/12/2021, Bạc Liêu ghi nhận 541 F0 mới trong 24 giờ, giảm 125 trường hợp so với ngày trước.
UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục áp dụng cấp độ 3 của dịch (vùng cam) từ 31/12. Cấp độ này cũng áp dụng đối với TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi và Đông Hải. Thị xã Giá Rai và huyện Hồng Dân cấp độ 2, huyện Phước Long cấp độ 1 (vùng xanh).
Tuy có huyện vùng xanh, UBND tỉnh Bạc Liêu vẫn quy định quán ăn, uống và nhà hàng chỉ được bán mang về từ 4 đến 19h; người dân chỉ được phép ra đường từ 4 đến 20h mỗi ngày.
Đối với các hoạt động tập trung đông người, Bạc Liêu chỉ cho phép 10 người. Quy định này cũng được áp dụng cho đám tang, tiệc cưới.
Tại Cà Mau, nhiều ngày qua F0 giảm với khoảng 1.000 người trong 24 giờ. Để tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, Cà Mau yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa và các sự kiện tập trung đông người trong dịp Tết Dương lịch 2022.
Trong công văn do Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân ký chiều 31/12, lãnh đạo địa phương này yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm công tác phòng, chống dịch. Trong đó, đặc biệt quan tâm kiểm tra các điểm tham quan du lịch, sân bay, bệnh viện, chợ, siêu thị…
Tại Cần Thơ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cùng Sư đoàn 370 phối hợp với Quân khu 9 tổ chức khai trương 2 trạm sản xuất oxy lưu động.
Với thiết bị sản xuất theo công nghệ hiện đại PMA của Pháp, một ngày mỗi trạm sản xuất từ 48-60 bình oxy (loại 40 lít), nồng độ tạo ra 99,95%. Trong đó, mỗi bình oxy có thể sử dụng cho 4 bệnh nhân.
Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch
Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng sau thông tin 14/15 mẫu dương tính với biến chủng Omicron tại Quảng Nam được Viện Pasteur Nha Trang thực hiện, Bộ Y tế đề nghị tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Hãng hàng không Bamboo Airways triển khai ngay mở rộng điều tra dịch tễ.
Các đơn vị này có trách nhiệm thông báo cho địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả người tiếp xúc gần và có liên quan bệnh nhân. Cách ly y tế kịp thời các trường hợp F1 và đảm bảo không để lọt người tiếp xúc gần.
Bên cạnh đó, các trường hợp nguy cơ (người cùng trên xe đưa đón; nhân viên phục vụ tại khách sạn, tiếp viên hàng không, nhân viên phục vụ mặt đất; người tiếp xúc gần,...) cần lấy mẫu và tiến hành xét nghiệm khẳng định, trả lời kết quả nhanh nhất để triển khai biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này. Cơ quan này cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên; rà soát không bỏ sót đối tượng tiêm chủng và tổ chức tiêm vét cho tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vaccine.
Để kiểm soát dịch bệnh, không để quá tải hệ thống y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các ngành, địa phương triển khai quyết liệt chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch bệnh. Trong đó có quy tắc 5K, tổ chức tiêm vaccine, đảm bảo thuốc và oxy y tế, giám sát dịch và chăm sóc, điều trị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ngay tại cơ sở...
Trong ngày 30/12, có 1.964.508 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 150.935.915 liều, trong đó tiêm mũi một là 77.555.511 liều, tiêm mũi 2 là 68.435.813 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 4.944.591 liều.