Các địa phương cần xây dựng kế hoạch bảo vệ tổng đàn heo chưa nhiễm dịch bệnh
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 24/6, toàn tỉnh đã có 827 hộ chăn nuôi, ở 69 xã của 11/12 huyện, thị, thành phố có heo mắc bệnh, với tổng số 13.159 con. Trong đó, mắc bệnh chết và tiêu hủy là 12.766 con (chiếm 6,08% tổng đàn heo hơi xuất chuồng), với tổng khối lượng heo tiêu hủy 987.558kg (chiếm 4,7% sản lượng thịt hơi xuất chuồng).
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, thiết kế chuồng trại không đảm bảo và người chăn nuôi không thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học (không kiểm soát người và phương tiện ra vào trại, sử dụng thức ăn thừa và mua các sản phẩm từ thịt heo về tiêu thụ trong trại, đi gieo tinh cho các hộ chăn nuôi trong vùng...) thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Bên cạnh đó, thời tiết mưa nhiều làm cho số lượng heo mắc bệnh tăng nhanh. Dự báo dịch bệnh sẽ còn tiếp tục xuất hiện với mức độ lẻ tẻ, bình quân 2- 3 ổ dịch/ngày và kéo dài đến tháng 7/2019.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, phòng, chống dịch tả heo Châu Phi là trách nhiệm của toàn dân. Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân biết và cùng chung tay để sớm hết dịch bệnh. Phó Chủ tịch cũng đề nghị ngành thú y cần có những hướng dẫn cụ thể về công tác phòng dịch, xử lý nguồn nước trong chăn nuôi heo trong bối cảnh dịch tả heo Châu Phi đang diễn biến phức tạp; hướng dẫn các biện pháp về an toàn sinh học cho người chăn nuôi trong bối cảnh mưa bão đang diễn biến phức tạp. Các địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và cơ động, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Ngoài công tác dập dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể bảo vệ tổng đàn heo trọng điểm của tỉnh, ưu tiên các địa phương có tổng đàn lớn như: TP.Sa Đéc, các huyện Châu Thành, Lai Vung, Tân Hồng, Cao Lãnh. Ngành thú y tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ công tác phòng dịch cho các trang trại chưa xảy ra dịch bằng mọi giải pháp để giữ được các đàn heo chưa nhiễm bệnh. Vì đây không chỉ là tài sản của người dân mà còn liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.