Các địa phương chủ động phòng dịch bệnh cho vật nuôi

Người chăn nuôi tiêm phòng vắc xin cho gia súc. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Dịch bệnh đang xảy ra cộng với thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát. Để bảo toàn đàn vật nuôi, các địa phương chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm.

Chủ động phòng ngừa

Tại huyện Phú Hòa, địa phương đang xảy ra bệnh lở mồm long móng (LMLM) kế phát tụ huyết trùng, các ngành chức năng của huyện đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp bao vây, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa Nguyễn Tiến Hùng cho biết: Ngoài việc tốc lực điều trị bò bị bệnh, tiêm phòng bao vây dập tắt ổ bệnh, huyện cũng tăng cường công tác giám sát chặt không cho vận chuyển gia súc ra vào khu vực có dịch bệnh, đảm bảo, không để mầm bệnh lây lan từ trong ra ngoài. Cùng với đó, hoạt động giết mổ, mua bán gia súc trong vùng này đều phải tạm dừng.

Giáp ranh với xã đang có bệnh LMLM, xã Hòa An đã chủ động thực hiện các giải pháp ngăn chặn. Chủ tịch UBND xã Hòa An Nguyễn Ngọc Đăng Khoa cho hay: Từ khi xã Hòa Thắng phát bệnh LMLM trên đàn bò, địa phương đã nhanh chóng tổ chức lực lượng theo dõi, giám sát chặt tình hình sức khỏe đàn gia súc, vận động người dân tạm dừng nhập giống, đồng thời tổ chức phun thuốc tiêu độc sát trùng trên toàn xã, đặc biệt là tại các khu vực chăn nuôi tập trung, các điểm giết mổ, mua bán động vật và sản phẩm động vật.

Trong khi đó, tại huyện Tuy An, địa phương có đàn bò lớn nhất tỉnh, bà con ở đây khá chủ động trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình. Ông Lê Tiến Hoàng ở xã An Lĩnh cho biết: Từ sau Tết đến nay, khi bệnh LMLM và tụ huyết trùng xảy ra ở huyện Phú Hòa, gia đình tôi đã mua thuốc sát trùng về chủ động phun tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi 2 lần/tuần, thu gom, đưa chất thải chăn nuôi ra xa khu trại và xử lý vôi bột. Tôi còn tăng cường bổ sung muối khoáng và dinh dưỡng vào khẩu phần ăn, giúp bò nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng.

Theo ông Giáp Văn Thức, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An, tổng đàn bò toàn huyện có hơn 20.000 con, đa số là bò lai nên giá trị cao. Vì vậy, bà con địa phương rất chủ động trong việc phòng dịch, đặc biệt trong điều kiện bất lợi như hiện nay. Huyện Tuy An cũng đã tổ chức các tổ phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường, tiêu diệt bớt mầm bệnh lưu cữu tại các vùng chăn nuôi và trong không khí. Trạm cũng tăng cường giám sát dịch bệnh trên địa bàn để có thể phát hiện, xử lý sớm nhất nếu dịch bệnh có xảy ra.

Đẩy mạnh tiêm phòng

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, một trong những giải pháp phòng ngừa dịch bệnh hữu hiệu nhất cho vật nuôi là thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc xin đúng liều và đúng kỳ theo quy định. Lúc này khi dịch bệnh đang xảy ra nên đơn vị yêu cầu các trạm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin đợt I/2021 cho đàn gia súc, đến nay chi cục đã phân bổ khoảng 56.000 liều vắc xin LMLM về cho các địa phương.

Ông Hoàng Kim Chung, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh, cho biết: Tổng đàn trâu, bò toàn huyện có khoảng 18.000 con, trong đó có gần 16.000 con trong diện tiêm. Vừa qua, trạm đã nhận được 500 lít thuốc sát trùng và 8.000 liều vắc xin LMLM. Đến nay đã hoàn tất phun tiêu độc và đang tập trung tiêm phòng vắc xin. Tuy nhiên, các xã đang thiếu lực lượng thú y viên nên tiến độ tiêm chậm. Cũng theo ông Chung, Sông Hinh là huyện miền núi vì vậy được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí vắc xin, huyện hỗ trợ chi phí tiêm, người dân được miễn phí hoàn toàn nên việc vận động tiêm phòng cũng khá thuận lợi.

Còn tại huyện Phú Hòa, các xã, thị trấn cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm. Trong đợt này, huyện Phú Hòa chỉ có xã Hòa Hội được hỗ trợ vắc xin, các địa phương khác, người dân phải trả chi phí tiêm phòng cho vật nuôi. Theo bà Nguyễn Thị Mộng Lài ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), gia đình bà đã đăng ký tiêm phòng vắc xin LMLM và tụ huyết trùng cho cả đàn. Tính ra tổng chi phí tiêm phòng 2 loại vắc xin trên cho 4 con bò hết gần 200.000 đồng, đổi lại bò được bảo đảm an toàn trước dịch bệnh.

Ông Nguyễn Tiến Hùng cho biết: Toàn huyện Phú Hòa có khoảng 13.000 con trâu, bò thuộc diện tiêm phòng. Hiện các xã Hòa Thắng, Hòa Quang Nam đã tiêm xong, đang triển khai tại xã Hòa Định Tây và Hòa Hội. Đến nay, toàn huyện đã tiêm được hơn 2.800 liều vắc xin LMLM, huyện phấn đấu trong đợt này tiêm đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.

Để đạt được mức bảo hộ cho đàn gia súc và phát huy tác dụng vắc xin thì bắt buộc tỉ lệ tiêm phòng phải đạt tối thiểu 80% tổng đàn. Vì vậy, các địa phương, người chăn nuôi cần phải tích cực, chủ động tiêm phòng các loại vắc xin bắt buộc theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/253254/cac-dia-phuong-chu-dong-phong-dich-benh-cho-vat-nuoi.html