Các địa phương đã kịp thời sửa quy định 'ngăn sông, cấm chợ' về phòng, chống dịch
Tại cuộc họp báo về công tác tư pháp quý III-2021 do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 22-10, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, thời gian qua, với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tư pháp đã tham gia tích cực trong xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.
Đó là các dự thảo: Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"... Bộ Tư pháp cũng tham mưu các vấn đề pháp lý trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19; rà soát, nhận diện tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch Covid-19.
Quang cảnh họp báo.
Trả lời câu hỏi của cơ quan báo chí về việc xử lý thế nào đối với nhiều địa phương có những quy định "vượt rào", “ngăn sông, cấm chợ”, không đúng quy định của pháp luật trong phòng, chống dịch, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Thu Hòe cho biết, qua kiểm tra 165 văn bản có liên quan đến dịch Covid-19 đã phát hiện một số nội dung vượt ra khỏi quy định pháp luật. Tuy nhiên, các địa phương đã có sự sửa đổi, hoặc thu hồi kịp thời nên không phải thực hiện quy trình kiểm tra xử lý.
Cũng tại họp báo, đại diện Bộ Tư pháp cho biết đã nhận được phản ánh liên quan đến việc doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát "khủng" gần 3.000 tỷ đồng nhưng lại đang muốn "xin lại tiền cọc" nếu tỉnh An Giang không cho giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính. Cụ thể, với số tiền trúng đấu giá quyền khai thác cát lên tới hơn 2.800 tỷ đồng, Công ty T-S Home phải nộp hơn 140 tỷ đồng trước khi được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Với số tiền còn lại, công ty sẽ nộp trong 4 năm, mỗi năm phải nộp số tiền tạm tính là hơn 667 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phía công ty lại đề xuất cho nộp tiền trúng đấu giá lần đầu là 50 tỷ đồng trước khi cấp phép khai thác và số tiền hơn 90 tỷ đồng sẽ được nộp trong năm khai thác đầu tiên. Trong trường hợp UBND tỉnh không chấp thuận đề xuất này, Công ty T-S Home xin nhận lại tiền đặt cọc sau khi trừ chi phí tổ chức đấu giá tại khu mỏ cát.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai khẳng định, căn cứ quy định hiện hành, nếu hủy bỏ kết quả trúng thầu, doanh nghiệp sẽ không được hoàn trả tiền đặt trước nếu thuộc vào trường hợp quy định tại Điểm d, khoản 2, Điều 6 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản”. Ngoài ra, đơn vị trúng đấu giá này sẽ không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá mỏ cát theo quy định tại khoản 3, Điều 8 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP.
"Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) rất quan tâm tới vụ việc này, bởi có thể trở thành tiền lệ xấu, hủy đấu giá nhiều lần dẫn tới việc cơ quan nhà nước phải bán chỉ định với tài sản công. Có thể nói rằng, quy định về chế tài và cách thức xử lý việc này đã có đầy đủ, trách nhiệm xử lý lúc này hoàn toàn thuộc về UBND tỉnh An Giang", bà Mai cho hay.