Các địa phương huy động các nguồn lực hộ đê

Đồng chí Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) cho biết: nước lũ trên sông Hồng dâng cao đang gây ngập lụt toàn bộ diện tích trồng hoa của người dân trong khu vực; đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê bối Hồng Long, xã Mỹ Tân và an toàn của người dân đang sinh sống trong vùng đê bối.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định kiểm tra công tác phòng chống lũ tại bối Hồng Hà, xã Mỹ Tân.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định kiểm tra công tác phòng chống lũ tại bối Hồng Hà, xã Mỹ Tân.

Lực lượng chức năng xã Mỹ Tân vận động người già ra khỏi vùng bối nguy hiểm, đến nơi an toàn.

Lực lượng chức năng xã Mỹ Tân vận động người già ra khỏi vùng bối nguy hiểm, đến nơi an toàn.

Đêm 10/9, cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố giúp di dân và tài sản của người dân vào những nơi an toàn.

Đêm 10/9, cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố giúp di dân và tài sản của người dân vào những nơi an toàn.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai xã Mỹ Tân huy động tối đa lực lượng, phương tiện máy móc, vật tư để phục vụ công tác cứu hộ ở khu dân cư, ngoài cánh đồng cũng như chống tràn đê bối. Được sự hỗ trợ của lực lượng Công an, Quân sự thành phố Nam Định, các lực lượng xung kích, dân quân tự vệ và nhân dân đã nhanh chóng đóng được 11 nghìn bao tải cát, vận chuyển đến các điểm xung yếu của tuyến đê bối để đắp chống tràn; tổ chức triển khai phương án di dân vùng bối đến nơi an toàn; cung ứng đầy đủ các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa điểm sơ tán...

Xã Mỹ Tân chuẩn bị, cung ứng đầy đủ thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa điểm sơ tán.

Xã Mỹ Tân chuẩn bị, cung ứng đầy đủ thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa điểm sơ tán.

Xã Mỹ Tân đóng được 11 nghìn bao tải cát nhanh chóng vận chuyển đến các điểm xung yếu của tuyến đê bối để đắp chống tràn.

Xã Mỹ Tân đóng được 11 nghìn bao tải cát nhanh chóng vận chuyển đến các điểm xung yếu của tuyến đê bối để đắp chống tràn.

Xã Mỹ Tân huy động tối đa các phương tiện, máy móc, vật tư đảm bảo công tác phòng, chống tràn đê bối.

Xã Mỹ Tân huy động tối đa các phương tiện, máy móc, vật tư đảm bảo công tác phòng, chống tràn đê bối.

Các bao tải cát được các lực lượng tổ chức đắp chống tràn.

Các bao tải cát được các lực lượng tổ chức đắp chống tràn.

Trong đêm 10 và sáng 11/9, Công an thành phố Nam Định huy động hơn 400 lượt cán bộ, chiến sĩ khẩn trương vận động người dân, đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, tại hai thôn Hồng Hà 1 và Hồng Hà 2 di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi an toàn.

Huyện Ý Yên có 2 tuyến đê sống cấp II quan trọng là đê Tả Đáy và hữu Đào, tổng chiều dài gần 40km và hơn 32km đê bối, đê bao với nhiều công trình, nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động và khoảng 3.430 hộ dân với 20.782 nhân khẩu sinh sống vùng ngoài đê, trong bối và bờ bao sản xuất.

Đắp bao cát chống tràn tại Cống Trạm bơm sông Chanh, xã Yên Phúc

Đắp bao cát chống tràn tại Cống Trạm bơm sông Chanh, xã Yên Phúc

Một số tuyến đê có dân cư sinh sống vùng ngoài đê như các xã: Yên Trị (khoảng 12 nghìn nhân khẩu), Yên Đồng (khoảng 900 nhân khẩu), Yên Nhân (khoảng 686 nhân khẩu), Yên Lộc (khoảng 1.413 nhân khẩu), Yên Phúc (khoảng 3.945 nhân khẩu) và trong vùng bờ bao sản xuất như: Trại Mễ (xã Yên Khang) với 382 nhân khẩu, Ninh Mật (xã Hồng Quang) với 1.450 nhân khẩu. Tuyến bờ bao chỉ đảm bảo an toàn chống lũ ở mức báo động 2, nếu mực nước trên báo động 2 và tiếp tục lên cao phải thực hiện di dời người dân, tài sản ở các vùng trũng thấp đến nơi an toàn do xuất hiện tràn cục bộ, rò rỉ, thẩm lậu. Ngày 11/9, mực nước sông Đáy tại Cổ Đam lúc 11 giờ là 4,32m trên báo động 3 là 62cm; mực nước sông Đào tại Trạm thủy văn Nam Định lúc 10 giờ là 4,94m trên báo động 3 là 64cm; tại Trạm bơm sông Chanh lúc 11 giờ là 3,72m, trên báo động 3 là 12cm.

Do mực nước sông dâng cao, kết hợp mưa lớn kéo dài đã làm một số nơi xảy ra sự cố trên đê, bối, bờ bao sản xuất các xã ven đê. Trước tình hình đó, huyện Ý Yên đã huy động trên 400 người là dân quân, cán bộ, chiến sĩ của Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và lực lượng xung kích của 23 xã, thị trấn với quân số 2.430 người; lực lượng tuần tra, canh gác của 10 xã ven đê là 318 người phục vụ công tác hộ đê giờ đầu, tìm kiếm cứu nạn. UBND các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ dụng cụ lao động, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, tổ chức huy động lực lượng ứng cứu kịp thời theo sự điều động của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện. Tính đến 17 giờ ngày 11/9, các xã đã xử lý chống tràn 6,25km đê bối; thực hiện di dời khoảng 4.600 người dân ở các khu vực ngoài đê bối đến nơi an toàn trong đê. Còn hơn 16 nghìn người ở khu vực ngoài đê bối các xã đang tiếp tục theo dõi diễn biến lũ trên các sông và chuẩn bị các phương án sẵn sàng di dời người dân đến nơi an toàn. Do bị ảnh hưởng bởi diễn biến bất thường của thời tiết, diện tích lúa bị ngập phất phơ là 1.361ha (chiếm 10,4%), đổ ngập trong nước 271ha (chiếm 2%), chủ yếu ở các xã: Tân Minh, Yên Chính, Yên Khánh, Yên Dương, Hồng Quang, Yên Lương, Yên Lộc, Trung Nghĩa, Yên Thọ, Yên Mỹ…...

Cống Trạm bơm sông Chanh đã được gia cố chống tràn

Cống Trạm bơm sông Chanh đã được gia cố chống tràn

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Ý Yên đã ban hành Lệnh Báo động lũ cấp 3 trên sông Đáy, sông Đào; yêu cầu UBND 10 xã ven đê thực hiện nghiêm lệnh báo động lũ; huy động tối đa nhân lực, thiết bị thực hiện xử lý các sự cố ngay giờ đầu theo phương châm 4 tại chỗ; huyện đã thành lập 3 Sở chỉ huy tiền phương để ứng phó với mưa lũ và các sự cố đê điều; chỉ đạo các xã tiếp tục vận động, di dời người dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm và tài sản về nơi tránh trú an toàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của nhân dân...

* Do ảnh hưởng của mưa bão, từ chiều 10/9 đến chiều 11/9, một số đoạn đê bối thuộc địa bàn hai xã: Hoàng Nam và Nghĩa Sơn mực nước dâng cao, có nguy cơ tràn đê.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Nghĩa Hưng phối hợp với lực lượng chức năng xã Nghĩa Hồng gia cố cống Bình Hải 1 (cống dưới đê Tả Đáy).

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Nghĩa Hưng phối hợp với lực lượng chức năng xã Nghĩa Hồng gia cố cống Bình Hải 1 (cống dưới đê Tả Đáy).

Toàn huyện Nghĩa Hưng có 92,786 km đê chạy qua 19 xã, thị trấn, gồm các tuyến: đê tả Đào 11,417 km, đê Tả Đáy 28,268 km, cửa tả Đáy 12,558 km, đê hữu sông Ninh Cơ 15,604 km, cửa Hữu Ninh 6,556 km, đê biển 15 km, đê Nam, Bắc Quần Liêu 3,47 km. Trên các tuyến đê có 55 cống qua đê sông và đê biển, 24 kè cùng 4 bối có dân cư: Hải Lạng, Phù Sa Thượng, Quần Liêu, Ngọc Lâm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh bề công tác phòng, chống mưa lũ, khắc phục hậu quả bão số 3, bảo vệ người dân, huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê số lượng nhân khẩu sống tại các vùng ngoài đê đại hà, trong đê bối Phù Sa Thượng thuộc địa phận xã Hoàng Nam; đã di dời người dân và tài sản vào nơi an toàn. Các địa phương còn lại đang tiến hành di dời tài sản vào nơi an toàn và sẵn sàng sơ tán người dân khi có lệnh. Tổng số hộ ngoài đê: 552 hộ, 1.613 nhân khẩu. Toàn huyện có 1.506 hộ trong khu vực đê bối với 4.889 khẩu; trong đó có 594 hộ dự kiến phải di dời để đảm bảo an toàn. Số lượng nhà yếu, nhà kém an toàn là 185 nhà; đối tượng người dễ bị tổn thương là 516 người. Đến nay đã có 526 hộ đã di dời với 1.498 khẩu.

Lực lượng chức năng giúp người dân di chuyển tài sản vào nơi an toàn.

Lực lượng chức năng giúp người dân di chuyển tài sản vào nơi an toàn.

Để ứng phó với mưa lũ, huyện Nghĩa Hưng đã cung cấp vật tư, bao tải cho các đơn vị xử lý sự cố tại đê bối Phù Sa Thượng, xã Hoàng Nam, đê bối Nam Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn và các địa bàn có cao trình mặt đê thấp tổng số 24 nghìn chiếc bao tải. Đã tiến hành xử lý chống tràn bằng bao tải đất và đắp con trạch tại các khu vực: đê bối Nam Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn với tổng chiều dài khoảng 600m, đê bối Phù Sa Thượng, xã Hoàng Nam với tổng chiều dài khoảng 800m, đê tả Đáy, xã Nghĩa Hồng với chiều dài khoảng 150m, đê tả Đào, xã Đồng Thịnh với chiều dài khoảng 50m. Xử lý các cống dưới đê, gia cố bằng phai dự phòng và bao tải đất; lắp đặt tất cả các cửa khẩu trên tuyến đê hữu sông Ninh Cơ. Các xã đã huy động phương tiện máy xúc, xe cẩu, xe tải, xe công nông, hàng trăm m3 đất, cát, cọc tre cùng nhiều nhân lực để khắc phục sự cố, phòng chống mưa, lũ.

UBND huyện Nghĩa Hưng đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương trên đê để trực tiếp chỉ đạo ứng phó với mưa lũ, kịp thời xử lý các sự cố. Các đơn vị chức năng huyện Nghĩa Hưng tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, sẵn sàng phương tiện, lực lượng ứng phó với những tình huống khẩn cấp; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong huyện theo dõi, dự báo khả năng chống chịu khi mực nước trên sông tiếp tục dâng cao, tăng cường gia cố những điểm đê xung yếu, nhất là chỗ bị sạt lở, nước tràn mặt đê để nâng cao năng lực ứng phó với mưa lũ đang diễn biến phức tạp./.

Việt Thắng, Thành Trung, Khánh Dũng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tieu-diem/202409/my-tan-huy-dong-cac-nguon-luc-ho-de-82008a4/