Các địa phương khẩn trương phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc
Trước diễn biến của bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi đang tái phát, các địa phương đang tìm các biện pháp khẩn trương phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc.
*Tại Phú Yên: Theo báo cáo của UBND xã Xuân Quang 2 thuộc huyện miền núi Đồng Xuân, bệnh lở mồm long móng xuất hiện trên đàn bò của thôn Phú Sơn của xã từ ngày 13/6.
Đến nay, số bò mắc bệnh trên địa bàn hai thôn Phú Sơn và Triêm Đức là 78 con của 29 hộ dân, trong quá trình người dân tự điều trị bệnh cho bò có 20 con đã chết. Tình hình dịch bệnh chưa có chiều hướng giảm mà còn tiếp tục lây lan sang các hộ chăn nuôi khác.
Ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân cho biết, đàn bò 5 con của gia đình có biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, gia đình không tiêm thuốc và phun thuốc sát trùng chuồng trại, mà cho bò uống nước một loại lá truyền thống. Trong 5 con bò bị mắc bệnh, một con đã chết, những con còn lại chưa có dấu hiệu hồi phục. Thấy đàn bò của gia đình không hết bệnh chúng tôi đã báo cho thú y địa phương.
Xã Xuân Quang 2 có đàn bò khoảng 1.250 con. Trong đợt tiêm phòng vắc xin đầu năm 2020 chỉ có 1.100 con được tiêm phòng lở mồm long móng và 600 con tiêm tụ huyết trùng. Việc tiêm phòng không đầy đủ kết hợp với thời tiết của địa phương có diễn biến bất thường được xác định là nguyên nhân gây ra bệnh lở mồm long móng. Bò bị chết nhiều là do bệnh lở mồm long móng ghép với bệnh tụ huyết trùng.
Theo ông Lê Hoàng Ngân, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên), qua kiểm tra, theo dõi và giám sát dịch tễ tại các ổ bệnh cho thấy đàn bò nhiễm bệnh lở mồm long móng ghép với bệnh tụ huyết trùng. Đa số đàn bò đã được tiêm phòng vắc xin trong tháng 3/2020.
Vì vậy, đến nay, sau 4 tháng tiêm phòng, khả năng miễn dịch của vật nuôi đã giảm, cộng với thời tiết nắng nóng khiến sức đề kháng của vật nuôi yếu là những yếu tố khiến vi rút xâm nhập gây bệnh. Bên cạnh đó, hiện nay địa phương có nhiều người nuôi bò vỗ béo, việc dịch chuyển đàn là rất lớn từ nơi này đến nơi khác nên khó kiểm soát dịch bệnh. Việc người dân tự ý điều trị bằng kinh nghiệm dài ngày nhưng không đúng chỉ dẫn khiến bò mắc bệnh kiệt sức và chết.
Trước thực trạng bò chết nhiều và dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên đã điều động 3 cán bộ thú y tăng cường cho xã Xuân Quang 2 phối hợp cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh và trực tiếp điều trị cho những đàn bò mắc bệnh nặng. Bên cạnh đó, việc phun tiêu độc khử trùng, bao vây ổ dịch đang được tiến hành khẩn trương….
*Tại Vĩnh Phúc: UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh tập trung phòng, chống dịch tả lợn châu Phi phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh.
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn cả nước, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố; trong đó, có một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Tuyên Quang, Phú Thọ giáp với Vĩnh Phúc. Vì vậy, nguy cơ bệnh tái phát và lây lây trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Thực hiện văn bản số 4529/VPCP-NN ngày 08/6/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan diện rộng, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc nuôi tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học; tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống truyền thanh cơ sở về các biện pháp chăn nuôi, tái đàn lợn, tăng đàn lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, để người chăn nuôi chủ động thực hiện.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của các địa phương tuyên truyền; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh và tái đàn lợn đạt hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch tả lợn châu Phi, tái đàn lợn, tăng đàn lợn trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn lợn, mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học,an toàn dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, tổng đàn lợn thịt trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 400.000 con; trong đó, có hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi từ 30 con trở lên. Song nguồn cung này vẫn không đủ cầu, trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng thịt lợn giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019...