Các địa phương khẩn trương ứng phó với bão số 1
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 1, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Nam đã chủ động thông tin về diễn biến phức tạp của bão số 1, đồng thời kêu gọi và hướng dẫn cho các phương tiện vào nơi tránh trú an toàn; tạm ngừng cấp phép cho phương tiện thủy ra khơi; yêu cầu các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm '3 trước - 4 tại chỗ'...
Quảng Ninh: Tạm ngừng cấp phép cho phương tiện thủy ra khơi
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển xem xét tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (có thể xem xét, cho phép các tàu được chạy về nơi tránh trú và kết thúc công việc này trước 18 giờ ngày 17/7; tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển.
Hiện, Quảng Ninh đã bố trí các lực lượng với trên 1.000 người, sẵn sàng ứng trực bão số 1. Đến sáng 17/7, toàn tỉnh có trên 6.000 tàu các loại (trong đó có 231 tàu đánh bắt xa bờ) đã vào khu vực neo đậu an toàn. Về nuôi trồng thủy sản, tỉnh có hơn 14 nghìn lồng hiện đã kiểm soát, chằng chéo đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ.
Tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm “3 trước - 4 tại chỗ”, căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân, các đơn vị ứng phó bão, lũ, tập trung chỉ đạo: Khẩn trương rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, chủ động hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển để tránh trú an toàn; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Địa phương rà soát đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch và du khách; các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; chủ động báo cáo và thực hiện lệnh cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch. Ngành chức năng cử người trực, canh gác 24/24 giờ thường xuyên tại các vị trí ngầm, tràn giao thông, kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân đi lại trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn; có phương án huy động các phương tiện, thiết bị và lực lượng kịp thời giải tòa ách tắc giao thông do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt.
Ngành chức năng khẩn trương yêu cầu các chủ đầu tư các dự án đang thi công có biện pháp ngăn chặn tối đa bùn, đất và nước tràn xuống đường quốc lộ và khu vực dân cư khi có mưa lớn; có phương án xử lý ngay các điểm ngập úng. Các đơn vị, địa phương rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở; tổ chức các phương án di dời người ở tại các lán trại, nhà tạm dưới chân mái kè, vùng trũng, các công trình xây dựng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong mọi tình huống; tuyên truyền, yêu cầu người dân không ra suối đánh cá, vớt củi, bơi lội khi có lũ…
Thái Bình: Cấm biển từ 12 giờ ngày 17/7
Chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 1, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình vừa ban hành Công điện khẩn số 03 gửi hỏa tốc tới Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành, yêu cầu nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 12 giờ ngày 17/7.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu. Trước 18 giờ ngày 17/7 phải hoàn thành di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành của tỉnh phải tổ chức khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, xí nghiệp, biển hiệu và các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở trên sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản đặc biệt ở hai huyện ven biển; cắt tỉa cây lớn để đảm bảo an toàn trong trường hợp bão đổ bộ; triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối tại các tuyến đê cửa sông, đê biển; đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao vùng cửa sông, ven biển đề phòng bão đổ bộ trong điều kiện triều cường kết hợp nước dâng do bão gây tràn, vỡ bờ bao. Nếu phát hiện thấy công trình không đảm bảo an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.
Đối với các đơn vị quản lý hệ thống thủy nông của tỉnh cử cán bộ thường trực 24/24 giờ theo dõi mực nước, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, giải phóng dòng chảy, triệt để tiêu nước trong hệ thống; kiểm tra hoạt động các trạm bơm để sẵn sàng kích hoạt tiêu nước cho lúa mới cấy, hoa màu và các khu vực trũng, thấp. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp khẩn trương khơi thông dòng chảy, tháo cạn nước trên mặt ruộng phục vụ bảo vệ lúa mới cấy, cây màu đã trồng. Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của tỉnh và cán bộ kỹ thuật làm công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão năm 2023 được yêu cầu đến ngay vị trí được phân công để chỉ đạo, đôn đốc, tham mưu biện pháp xử lý sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu...
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình, từ đêm 17/7, vùng biển ngoài khơi huyện Thái Thụy, Tiền Hải gió mạnh dần lên cấp 5, cấp 6 sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2 đến 4 m; biển động mạnh. Đến sáng 18/7, vùng ven biển các huyện Thái Thụy, Tiền Hải gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 8; các huyện khác gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Vùng ven biển các huyện Thái Thụy, Tiền Hải có nước dâng do bão từ 0,5 - 0,8m. Nguy cơ ngập úng ở khu vực trũng thấp tại ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển trong trường hợp bão đổ bộ vào thời điểm triều cường.
Từ đêm 17/7 đến ngày 21/7, do ảnh hưởng của bão, sau ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng phổ biến 150 - 250mm. Khu vực các huyện phía Bắc (Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Đông Hưng) lượng mưa phổ biến từ 200 - 250mm, các huyện còn lại lượng mưa phổ biến từ 150 - 200mm. Nguy cơ ngập úng đối với lúa mùa mới cấy và ao đầm nuôi trồng thủy sản. Độ rủi ro thiên tai là cấp độ 1...
Quảng Nam: Yêu cầu các phương tiện, chậm nhất đến 17 giờ ngày 17/7 vào nơi trú ẩn
Trung tá Nguyễn Hoang, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Đại, thành phố Hội An (Quảng Nam) cho biết, đến trưa 17/7, thông qua phương tiện thông tin trực canh ven bờ, thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá và gia đình các chủ tàu, Đồn đã liên tục thông báo về diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bão số 1; đồng thời kêu gọi và hướng dẫn cho 127 phương tiện, với 755 lao động, của tỉnh đang hoạt động trên vùng biển các tỉnh phía Bắc, bị ảnh hưởng của bão số 1 vào nơi tránh trú an toàn.
Theo Trung tá Nguyễn Hoang, thông tin từ các Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, đến trưa 17/7, toàn bộ 127 tàu thuyền đã vào bờ để tránh bão số 1 và được chính quyền, lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định bố trí chỗ neo đậu an toàn.
Thông qua các phương tiện thông tin liên lạc, Đồn Biên phòng Cửa Đại tiếp tục thông báo liên tiếp về diễn biến của bão số 1, yêu cầu tất cả các phương tiện trong vùng bị ảnh hưởng của bão vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn chậm nhất lúc 17 giờ ngày 17/7.