Các địa phương khôi phục một số hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp
Nhiều địa phương đã ban hành các quyết định khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn mới.
* Tại Quảng Ninh, các phương tiện vận tải công cộng liên tỉnh vẫn tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo duy trì giãn cách xã hội của UBND tỉnh đến hết ngày 3/5. Các hoạt động vận tải khách công cộng nội tỉnh ở Quảng Ninh được hoạt động trở lại từ ngày 23/4, trừ hoạt động vận tải khách ra các xã, huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô và trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Đây là phương án thực hiện giao thông công cộng mà Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành có hiệu lực từ ngày 23/4. Tuy nhiên, lượng phương tiện hoạt động nội tỉnh sẽ giảm tối thiểu 50%, hoặc giảm 50% số chuyến/tuyến/đơn vị. Đối với phương tiện đường bộ, chỉ được chở tối đa 50% số khách theo trọng tải phương tiện và không quá 20 khách trong một thời điểm. Các phương tiện đường thủy chỉ được chở tối đa 50% số lượng khách theo trọng tải.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị vận tải khách có nhu cầu hoạt động trở lại gửi đăng ký tuyến vận tải, danh sách phương tiện, biểu đồ hoạt động và cam kết thực hiện đúng theo các nội dung nêu trên về Sở này.
Các phương tiện được hoạt động phải thực hiện nghiêm quy trình phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải; trong đó, trang bị đầy đủ cơ số nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang phục vụ khách và lái xe, thuyền viên, nhân viên phục vụ trên các phương tiện; vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ phương tiện sau mỗi chuyến.
Thuyền viên, lái xe phải tổ chức xếp khách đảm bảo khoảng cách an toàn tối đa giữa các khách, hướng dẫn khách khai báo y tế điện tử, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang trước khi lên phương tiện. Lực lượng Thanh tra giao thông, Cảng vụ đường thủy nội địa có trách nhiệm giám sát, tuần tra, kiểm soát việc thực hiện phương án giao thông này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong sáng 23/4, xuất hiện tình trạng tắc giao thông cục bộ ở chốt kiểm soát liên ngành cầu Bạch Đằng trên tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Nguyên nhân ban đầu được xác định bởi nhiều nhiều người cho rằng các địa phương đã gỡ bỏ gián cách xã hội nên số lượng phương tiện, nhất là phương tiện cá nhân gia tăng. Tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường lực lượng, tổ chức phân luồng, tuyến nhằm khơi thông giao thông. Đến 11 giờ cùng ngày đã khắc phục được sự cố.
* Ngày 23/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành văn bản số 3388/UBND-GD về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, quy định chi tiết nhiều lĩnh vực được phép hoạt động trở lại có kiểm soát.
Theo đó, những lĩnh vực được phép hoạt động có kiểm soát phải đảm bảo nguyên tắc về giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Những lĩnh vực này bao gồm: cơ sở kinh doanh lưu trú; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao cá nhân theo nhóm dưới 10 người tại nơi công cộng; nhà thi đấu, sân vận động, khu thể thao được mở cửa trở lại phục vụ cho vận động viên tập luyện, thi đấu; cơ sở, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê, giải khát; hoạt động xe du lịch, xe hợp đồng, xe taxi được phép vận chuyển tối đa 50% số lượng khách theo số lượng ghế ngồi của xe. Đồng thời, vận động, khuyến khích người dân tổ chức ma chay, cưới hỏi, lễ tiệc theo nghi lễ truyền thống tại nhà, không tập trung đông người.
Những lĩnh vực tiếp tục dừng hoạt động bao gồm: các khu vui chơi giải trí tập trung; di tích, bảo tàng, thắng cảnh, địa điểm tham quan, các khu du lịch, điểm du lịch; hoạt động các tuyến xe buýt nội tỉnh, xe buýt liên tỉnh Huế - Đà Nẵng; xe du lịch điện, thuyền du lịch; các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 trở lên trong 1 phòng; các hoạt động văn hóa, giải trí, cắm trại tại các địa điểm công cộng tập trung trên 10 người; các sự kiện văn hóa, thể thao; những cơ sở chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, karaoke, massage, spa, vũ trường, quán bar, quán internet, trò chơi điện tử, vui chơi giải trí trong nhà; tắm biển, các bể bơi công cộng; các câu lạc bộ thể dục; nhà hàng, trung tâm sự kiện tổ chức các sự kiện, tiệc cưới trên 20 người.
Những hoạt động khác được phép hoạt động bình thường trên cơ sở đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng quyết định dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh; tiếp tục triển khai công tác khai báo y tế toàn dân; người dân đến lưu trú tại các địa phương phải khai báo tạm trú đầy đủ và khai báo y tế. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với huyện A Lưới tiếp tục tập trung nỗ lực giám sát khu vực biên giới.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục thống nhất nhận thức và hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, dịch bệnh có thể phát sinh, lây nhiễm mọi lúc, mọi nơi khi Việt Nam vẫn chưa công bố tình trạng hết dịch. Do vậy, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, tiếp tục đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống dịch.
* Ngày 23/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lâm Đồng đã họp bàn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt kết luận một số nội dung, trong đó, cho phép hoạt động trở lại Chợ đêm Đà Lạt và các khu, điểm du lịch; dừng hoạt động 8 chốt kiểm dịch y tế tại các cửa ngõ ra vào địa phận tỉnh Lâm Đồng trong ngày 23/4.
Cụ thể, hoạt động lưu trú du lịch trên địa bàn toàn tỉnh được trở lại bình thường và đảm bảo các quy định phòng dịch, khai báo y tế. Các khu. điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được phép hoạt động trở lại. Chợ đêm Đà Lạt hoạt động lại và phải đảm bảo các quy định phòng dịch.
Các hoạt động rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao như: Sân bóng đá mini, hồ bơi, phòng tập gym, phòng tập yoga, Câu lạc bộ bi-da; cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp… được phép hoạt động trở lại. Nhà hàng, quán ăn, uống, các loại hình kinh doanh dịch vụ thiết yếu và không thiết yếu được phục hồi hoạt động.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh vẫn tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch chung như: Khuyến cáo người dân không tụ tập đông người, chấp hành đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động công cộng, rửa tay sát khuẩn. Học sinh các cấp học toàn tỉnh sẽ trở lại trường từ ngày 4/5 và tuân thủ việc phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một số dịch vụ vui chơi giải trí như: Vũ trường, quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, ca nhạc phòng trà tiếp tục tạm dừng cho đến khi có thông báo mới.
Đối với hoạt động giao thông, tỉnh Lâm Đồng thực hiện theo văn bản hỏa tốc số 3864 của Bộ Giao thông Vận tải ngày 22/4. Theo đó sẽ giảm số lượng xe khách công cộng (kể cả xe vận chuyển hành khách thông qua hợp đồng) xuống dưới 50%, không vận chuyển quá 50% số ghế trên xe, bố trí người ngồi cách hàng ghế hoặc giữ khoảng cách an toàn nhất định; người trên xe phải đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay trước và sau khi lên xuống xe, khai báo y tế theo đúng quy định về phòng dịch.
Chủ trương của tỉnh Lâm Đồng vẫn quán triệt nghiêm túc tinh thần “chống dịch như chống giặc”; đồng thời, khôi phục lại các hoạt động đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình địa phương là tỉnh có nguy cơ thấp.
Đến ngày 23/4, Lâm Đồng chưa ghi nhận có trường hợp nào mắc COVID-19. Gần 900 người đã được giám sát, cách ly, theo dõi y tế phòng dịch đều cơ bản hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.