Các địa phương lựa chọn SGK mới thế nào?
Năm 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng từ lớp 1. Bộ GD&ĐT đề nghị mỗi địa phương thành một hội đồng thẩm định để lựa chọn bộ SGK phù hợp.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019-2020, trong đó đề cập nhiều nội dung liên quan đến việc chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cụ thể, Bộ yêu cầu các địa phương chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng. Thực hiện bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1 và cán bộ quản lý giáo dục phục vụ triển khai chương trình GDPT mới.
Tổ chức thẩm định và phê duyệt SGK GDPT theo chương trình mới theo hình thức cuốn chiếu, trước hết là SGK lớp 1; sau đó là lớp 2, lớp 6; Tổ chức tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý sử dụng SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6.
Chỉ đạo các địa phương biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình GDPT mới; Bộ ban hành thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông để các địa phương tổ chức việc lựa chọn SGK phù hợp với kế hoạch giáo dục và điều kiện thực tiễn, đảm bảo công khai, minh bạch.
Mỗi địa phương thành lập một hội đồng thẩm định
Về vấn đề này, mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học mới của Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, địa phương sẽ không chờ đến năm 2020-2021 mà ngay từ bây giờ sẽ thực hiện ngay cho việc chuẩn bị lựa chọn SGK.
Ông Chung đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo các phòng GD, đặc biệt ban giám hiệu hệ thống các trường trong toàn TP, sớm thành lập hội đồng thẩm định do Giám đốc Sở GD&ĐT làm chủ tịch, mời cả chuyên gia trong và ngoài nước cùng để đánh giá SGK mới. Sau khi đánh giá sẽ có tham mưu, đề xuất cho Thành ủy, UBND TP triển khai.
Ông Chung cho rằng, điều quan trọng phải đánh giá thực tiễn, các vùng cho phù hợp vì Hà Nội cũng có một số con em đồng bào dân tộc nên lựa chọn làm sao để đạt mục tiêu giáo dục. Mục tiêu đặt ra là sản phẩm giáo dục phải đảm 3 yếu tố: sức khỏe, đạo đức và kiến thức.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của năm học 2019-2020 là năm học bản lề, nền tảng cho việc chuẩn bị cho đổi mới chương trình, SGK. “Một trong những nội dung quan trọng trong Luật và việc thực hiện nhiều SGK và UBND tỉnh, thành quyết định lựa chọn sử dụng SGK nào cho học sinh của tỉnh, thành mình”, ông Độ nói. Vì thế, trách nhiệm của Sở GD&ĐT là tham mưu cho UBND tỉnh, thành lập hội đồng thẩm định của tỉnh, thành để chọn ra bộ sách phù hợp.
Trước đó, trả lờiTiền phong, ông Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học cho biết, đến thời điểm này đã có 5 Nhà xuất bản trình bản thảo SGK. Trong đó, họ dựa trên chương trình GDPT năm 2018 để biên soạn trước bộ SGK lớp 1 nhằm áp dụng đại trà trên toàn quốc từ năm 2020-2021.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã ký quyết định thành lập 9 hội đồng thẩm định để thẩm định các bộ SGK này. Khi một số bộ sách được thẩm định “đạt” thì việc lựa chọn dạy học bộ sách nào là quyền của các địa phương.
.