Các địa phương miền núi chủ động phòng rét, đảm bảo sức khỏe cho học sinh

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, một số địa phương vùng núi đã yêu các đơn vị trường học trên địa bàn tăng cường các hoạt động giáo dục, đảm bảo giữ ấm và phòng chống dịch bệnh mùa đông.

Tại tỉnh Điện Biên, Phòng GD&ĐT Mường Nhé nhận định, trong thời gian tới, tình hình thời tiết có nhiều biến động, ở những vùng núi cao có thể xảy ra tình trạng rét đậm, rét hại, sương muối và băng tuyết. Đây là thời điểm tăng nguy cơ bùng phát một số bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: cúm, sởi, quai bị, thủy đậu….

Để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục và chủ động phòng chống dịch bệnh trong trường học trên địa bàn, Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, yêu cầu thực hiện tốt công tác vệ sinh trong trường học, đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể. Tổ chức tốt đời sống bán trú cho học sinh, chú trọng việc ăn, mặc và ngủ nghỉ của học sinh. Đảm bảo học sinh đến lớp phải mặc đủ ấm, ngủ nghỉ có đủ chăn màn, các phòng ở bán trú cho học sinh đảm bảo đủ ánh sáng, tránh gió lùa và được dọn vệ sinh sạch sẽ.

 Các địa phương vùng núi lên phương án chống rét đậm rét hại, đảm bảo sức khỏe cho học sinh (Ảnh: T.F)

Các địa phương vùng núi lên phương án chống rét đậm rét hại, đảm bảo sức khỏe cho học sinh (Ảnh: T.F)

Tại Hà Giang, ông Phạm Hồng Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đã ký công văn yêu cầu đảm bảo sức khỏe cho HS trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt xảy ra rét đậm, rét hại gửi tới các cơ sở giáo dục.

Theo đó, yêu cầu thủ trưởng các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục... chủ động theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt (nhiệt độ dưới 10 độ C đối với cấp MN và TH, 7 độ C với cấp THCS), lãnh đạo phòng GD&ĐT chủ động tham mưu với Thường trực UBND huyện/thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học đồng thời có phương án bố trí học bù để đảm bảo kế hoach thời gian năm học.

Chỉ đạo các nhà trường bố trí các hoạt động ngoài trời hợp lý trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, cần thu xếp để học sinh được vào lớp học tập bình thường. Mặt khác, Sở cũng yêu cầu các trường tiến hành kiểm tra các phòng học, chức năng, bán trú, ăn… đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Với cơ sở giáo dục MN phải đảm bảo luôn có nước ấm để chăm sóc và phục vụ học sinh khi cần.

Còn theo thống kê của Sở GD&ĐT Lạng Sơn, hiện toàn tỉnh có trên 1.400 điểm trường, trong đó có 805 điểm trường lẻ ở các khu vực vùng xa, vùng cao từ cấp mầm non đến THCS. Bởi vậy, để đảm bảo sức khỏe, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh trong những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, các trường học đã chủ động triển khai nhiều biện pháp thiết thực, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập trong mùa đông như: Sửa sang cơ sở vật chất đã xuống cấp, mua sắm máy sưởi, chăn ấm; huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để trang bị thêm áo ấm, đồ dùng sinh hoạt cho học sinh. Cùng với đó, các trường thường xuyên nhắc nhở các em mặc đủ ấm, không tổ chức các hoạt động ngoài trời; tăng cường khẩu phần ăn, động theo dõi tình hình thời tiết để bố trí lịch học phù hợp cũng như cho học sinh nghỉ học theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Các địa phương vùng núi phía Bắc do địa hình phức tạp, còn nhiều điểm trường lẻ, thời tiết khí hậu khắc nghiệt nhất là vào mùa đông vì thế, địa phương phải chủ động lên phương án tốt nhất để đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh, ổn định việc học và có thể tạm nghỉ học theo quy định nếu diễn biến thời tiết xấu.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cac-dia-phuong-mien-nui-chu-dong-phong-ret-dam-bao-suc-khoe-cho-hoc-sinh-220948.html