Các địa phương miền Trung khắc phục hậu quả do bão Noru gây ra
(SGTT) – Ngày hôm nay, 28-9, các địa phương miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 4 (có tên quốc tế là Noru) đang cố gắng khắc phục hậu quả nhanh nhất có thể để sớm giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Tính đến chiều 28/9, theo báo cáo của Ban Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng (Quân khu 5), thành phố có 1.654 cây xang ngã đổ, nổ 3 trạm biến áp, ngã 11 trụ điện, tốc mái 44 nhà dân, 2 ghe bị chìm và 1 tàu bị mắc cạn bên cạnh 15 ha trừng trồng bị hư hại.
UBND thành phố Đà Nẵng đã giao cho Chủ tịch UBND các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại trên địa bàn do bão số 4 và lũ sau bão gây ra; vận động các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường; quan tâm hỗ trợ các gia đình khó khăn; chỉ đạo chằng chống cây xanh ngã đổ và phấn đấu hoàn thành trước 17:00 ngày 1-10.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan dọn dẹp, xử lý vệ sinh môi trường và hoàn thành trước ngày 30-9.
Sở Xây dựng chủ trì, chỉ đạo khắc phục hệ thống cấp nước sinh hoạt và hoàn thành trước 20:00 ngày 28-9; xử lý hệ thống thoát nước không để ngập úng. Sở Xây dựng chủ trì, chỉ đạo chằng chống cây xanh ngã đổ trên các tuyến đường do thành phố quản lý, phấn đấu hoàn thành trước 17:00 ngày 1-10; khắc phục thiệt hại hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, hoàn thành trước 17:00 ngày 30-9.
Tại Quảng Nam, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đoàn công tác ngày hôm nay đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục tại địa bàn các huyện Quế Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn và Phước Sơn.
Cụ thể, tại Quế Sơn, bão số 4 đã làm tốc mái hoàn toàn khu thư viện, phòng công đoàn, phòng đọc giáo viên và một số hạng mục khác của Trường tiểu học Quế Mỹ II. Ông Tân đề nghị nhà trường, chính quyền địa phương phối hợp sớm khắc phục thiệt hại để đảm bảo công tác dạy và học nhanh chóng ổn định.
Bão số 4 cũng gây sự cố sạt lở tại km 24+670 trên tuyết ĐT 611 đoạn đỉnh Đèo Le gây cô lập giao thông giữa huyện Quế Sơn và huyện Nông Sơn. Hai máy đào, ba xe ô tô tải và công nhân đang được huy động để khắc phục 2 điểm sạt lở lớn với khối lượng 23.000 m³.
Theo báo cáo nhanh của huyện Quế Sơn, bão số 4 đã khiến 2 người dân bị thương nhẹ, không có thiệt hại về người. Về nhà cửa có 2 nhà quán sập hoàn toàn, tốc mái hoàn toàn 12 nhà và 10 nhà khác bị tốc mái một phần. Về nông nghiệp có 9ha nếp đắng tại xã Quế Hiệp hư hoàn toàn. Hệ thống giao thông xảy ra ngập cục bộ một số nơi. Thủy lợi bị hư hỏng 1 số đoạn kênh mương. Nhiều trụ điện thắp sáng bị ngã đổ gây mất lưới điện tại một số xã. Đồng chí Trần Văn Tân chỉ đạo, ngay sau cuộc họp này, lãnh đạo huyện cần triển khai các giải pháp để tổ chức huy động lực lượng dọn vệ sinh môi trường sạch sẽ, đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, nhanh chóng khắc phục mạng lưới điện, viễn thông để đảm bảo đời sống nhân dân sớm ổn định.
Tại huyện Hiệp Đức, đoàn công tác được nghe báo cáo sơ bộ về tình hình thiệt hại do bão số 4 gây ra. Theo đó huyện Hiệp Đức không có thiệt hại về người. Chỉ có 2 nhà tốc mái hoàn toàn. Về nông nghiệp có 250ha keo, 16ha cao su, 8ha cây ăn quả ngã đổ, 210 thùng nuôi ong mật bị ngập nước. Đặc biệt là các tuyến đường từ huyện về các xã đến trưa ngày 28/9 vẫn còn bị cô lập hoàn toàn do ngập nước cục bộ tại các khe suối.
Điều mừng nhất là không có thiệt hại về người. Các địa phương đã rất chủ động trong công tác tuyên truyền nhân dân chống bão, tổ chức sơ tán dân tránh trú an toàn. Nhiều nơi đã huy động lực lượng triển khai dọn dẹp môi trường cảnh quan, khuôn viên trường học, công sở để đảm bảo các hoạt động trở lại bình thường, ông Tân cho hay.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 10:30 phút ngày 28-9, qua thống kê ban đầu, bão số 4 đã làm 3 ngôi nhà trên địa bàn huyện Sơn Tây và Bình Sơn bị sập đổ; 633 nhà bị tốc mái, hư hỏng, trong đó, huyện Lý Sơn 250 nhà, Sơn Tây 230 nhà, Trà Bồng 95 nhà, Sơn Hà 43 nhà, Minh Long 7 nhà, Bình Sơn 5 nhà và Nghĩa Hành 3 nhà; 8 điểm trường học, nhà công cộng, trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng.
Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có 172,5ha hoa màu, rau bị bị hư hỏng (huyện Nghĩa Hành 21,9ha và TP.Quảng Ngãi 150,6ha); 18,2ha cây trồng hằng năm ở huyện Nghĩa Hành, TP.Quảng Ngãi và 70ha hành ở huyện Lý Sơn bị hư hỏng…
Theo bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tổng thiệt hại do bão số 4 gây ra khoảng 62,8 tỉ đồng. Hiện tại Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lý Sơn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lực lượng xung kích đến từng thôn trên địa bàn huyện, tập trung kiểm kê, giúp nhân dân khắc phục vụ nhà cửa bị thiệt hại và sớm ổn định đời sống.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai công tác khắc phục các cơ sở hạ tầng công cộng thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân, phân công lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà bị hư hỏng, sụp đổ. Ông cũng yêu cầu đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường tại địa phương và chủ động huy động lực lượng, phương tiện dọn cây cối bị gãy, đỗ, chướng ngại vật, khẩn trương giải tỏa ách tắc, bảo đảm giao thông thông suốt; dọn dẹp, vệ sinh trên tất cả các tuyến đường.
Các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi cũng chủ động sử dụng nguồn kinh phí, lương thực, thực phẩm, nước uống và thuốc men tại chỗ để cứu trợ cho nhân dân, không để một người dân nào bị thiếu đói, rét; rà soát lại tất cả những khu vực dân cư bị cô lập, nơi tập trung sơ tán, di dời có nguy cơ bị thiếu đói, những nơi có nguy cơ sạt lở cao, kịp thời điều động lực lượng, phương tiện và lương thực, thực phẩm, hàng hóa cứu trợ cho nhân dân; kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thương (nếu có); huy động lực lượng tại chỗ giúp nhân dân sửa chữa nhà ở, sớm ổn định cuộc sống.
Tại thành phố Hội An, theo thống kê sơ bộ có 100 nhà và 1 trường học bị tốc mái, 2 nhà tạm bị sập. Khoảng 100ha rau màu bị hư hại; 30.000 chậu hoa, cây cảnh bị ngã đổ. Thiệt hại về công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ước tính khoảng 150 triệu đồng.Toàn thành phố có khoảng 400 cây xanh gãy và ngã đổ, trong đó hầu hết tuyến đường khu vực phố cổ đều có cây xanh ngã đổ. Mực nước sông Hoài đang dao động ở mức báo động 1 gây ngập đường Bạch Đằng. Bờ biển Cửa Đại ghi nhận sạt lở khoảng 100m, 1 thúng máy của ngư dân bị chìm.