Các địa phương nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất thực hiện đổi mới giáo dục

Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế tại một số địa phương về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới; sắp xếp mạng lưới trường học; an toàn trường học. Ghi nhận từ các cuộc kiểm tra cho thấy, mỗi địa phương đều căn cứ điều kiện thực tế chuẩn bị tích cực, chủ động cho đổi mới, cho chương trình mới.

Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp tăng nhanh

Qua thực tế kiểm tra các cơ sở giáo dục huyện Thái Thụy và huyện Đông Hưng, đồng thời, làm việc trực tiếp với thầy trò, đại diện chính quyền các cấp và ngành giáo dục tỉnh Thái Bình, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT Phạm Hùng Anh cho rằng: “Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Thái Bình đã có tinh thần vượt khó đổi mới, đáp ứng triển khai chương trình GDPT 2018”.

Khi thực hiện chương trình GDPT 2018, ngành giáo dục Thái Bình phải tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, phòng học bộ môn… So với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, trên địa bàn TP, thị trấn, số học sinh, số trẻ/nhóm lớp còn cao.

Tuy nhiên, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới và sự quan tâm của chính quyền cấp xã, chỉ sau 3-4 năm, bức tranh giáo dục tỉnh Thái Bình đã có nhiều thay đổi đáng kể, đặc biệt là sự xuất hiện của những ngôi trường mới, phòng học khang trang, sử dụng một số thiết bị hiện đại.

Tốc độ xây dựng nông thôn mới nhanh chóng đã tác động, thúc đẩy sự quan tâm đầu tư cho giáo dục của địa phương, giúp chất lượng của các nhà trường được nâng lên. Nhìn tổng thể, sự đầu tư của chính quyền về cơ sở vật chất cho giáo dục đáng ghi nhận.

Tỷ lệ kiên cố phòng học ở Thái Bình đạt 93,6% trong tổng số 11.919 phòng. 100% trường tiểu học, THCS và THPT có thư viện/thư viện lớp học. Bình quân phòng học bộ môn của bậc phổ thông đạt bình quân 3,4 phòng/trường. Đã có 85% số trường từ mầm non đến THPT có diện tích đất bằng và vượt so với quy định.

Còn tại Nam Định, khảo sát tại 6 trường học các cấp mầm non, tiểu học và THCS tại 3 huyện Nam Trực, Trực Ninh và Giao Thủy cho thấy, cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho giáo dục mầm non và phổ thông đã được đầu tư, cải thiện, đáp ứng cơ bản nhiệm vụ dạy và học. Lớp học và khuôn viên được xây dựng khang trang, sử dụng hiệu quả. Về cơ bản, các trường tiểu học đủ phòng học, cơ sở vật chất trên lớp đáp ứng yêu cầu, bàn ghế học sinh chuẩn mực, đảm bảo.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, hiện toàn tỉnh có 230 trường mầm non, 227 trường tiểu học, 228 trường THCS và 57 trường THPT. Tỉnh đã xây dựng đề án kiên cố hóa trường, xóa phòng học xuống cấp nghiêm trọng, cải tạo và sửa chữa được cho tất cả các cấp học. Xây dựng hệ thống phòng học bộ môn, đạt chuẩn, hệ thống thư viện đạt chuẩn và hệ thống nhà vệ sinh theo hướng chuẩn.

 Các địa phương đã sẵn sàng các điều kiện để triển khai tốt nhất chương trình GDPT mới ngay từ đầu. Ảnh: Moet.gov.vn

Các địa phương đã sẵn sàng các điều kiện để triển khai tốt nhất chương trình GDPT mới ngay từ đầu. Ảnh: Moet.gov.vn

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng các công trình trường học

Thực tế kiểm tra cũng cho thấy, việc chuẩn bị những điều kiện cơ bản phục vụ cho chương trình GDPT mới ở bậc tiểu học, nhất là lớp 1, đã thực hiện được. Đến thời điểm này, ở các địa phương, những điều kiện về phòng học, trang thiết bị; bồi dưỡng, tập huấn chương trình và sử dụng SGK… cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới Chương trình GDPT 2018. Về chuẩn bị đội ngũ, các Sở GD&ĐT đã chỉ đạo ưu tiên chỉ tiêu tuyển dụng cho những môn mới, ưu tiên tuyển dụng giáo viên cho cấp tiểu học.

Cô giáo Phạm Thị Thanh, giáo viên lớp 1 trường tiểu học Trực Đại, Trực Ninh, Nam Định cho biết: “SGK mới đang đem đến nhiều thuận lợi hơn cho giáo viên và học sinh. Học sinh tỏ ra hào hứng và tiếp thu bài dễ dàng, chủ động hơn. Lớp học khang trang, sạch đẹp cũng giúp cho những ngày đi học đầu tiên của các em vui vẻ, hào hứng”.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương và các trường tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn tới. Trước mắt, các trường, lớp chú ý bổ sung thiết bị dạy học trực quan, bằng nhiều cách, trong đó bao gồm huy động hỗ trợ một phần thiết bị, để nhà trường thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học.

Mặc dù công tác đảm bảo an toàn tại các trường học được khảo sát cơ bản tốt, song theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, sự cố vẫn có thể xảy ra bất cứ khi nào, nhất là trong mùa mưa bão, vì vậy, các địa phương phải nghiêm túc coi trọng và thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng các công trình trường, lớp học để kịp thời có phương án xử lý. Việc kiểm tra này phải được thực hiện với sự phối hợp của cơ quan chuyên môn ở địa phương như xây dựng, tài nguyên và môi trường…

Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT khuyến nghị, trong giai đoạn tới, nhất là giai đoạn 2021-2025, Thái Bình, Nam Định và các địa phương cần quan tâm tập trung xây dựng đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho đổi mới chương trình giáo dục. Sự chủ động trong chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẽ giúp quá trình thực hiện về sau thuận lợi hơn.

Đoàn kiểm tra cũng khuyến nghị các nhà trường khẩn trương quy hoạch kiến trúc không gian và công bố tới toàn thể nhân dân. Đây là cơ sở để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho trường học. Riêng về dồn dịch trường lớp, các địa phương cần nhìn nhận, đánh giá thực tiễn trên tinh thần mục tiêu đảm bảo chất lượng giáo dục mới phát huy hiệu quả của công tác này.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cac-dia-phuong-no-luc-chuan-bi-co-so-vat-chat-thuc-hien-doi-moi-giao-duc-210858.html