Các địa phương sẵn sàng khai giảng năm học mới

Thời khắc khai trường đang đến rất gần. Cùng với các địa phương trong tỉnh, hiện ngành chức năng, các trường học trên địa bàn huyện Bắc Quang, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới.

Cán bộ, nhân dân xã Tân Lập (Bắc Quang) tu sửa trường, lớp học, sẵn sàng cho ngày khai trường. Ảnh: Nguyễn Hùng

Cán bộ, nhân dân xã Tân Lập (Bắc Quang) tu sửa trường, lớp học, sẵn sàng cho ngày khai trường. Ảnh: Nguyễn Hùng

Năm học mới 2019 - 2020, huyện Bắc Quang có 71 trường học. Trong đó có 25 trường Mầm non, 21 trường Tiểu học, 16 trường THCS, 4 trường TH&THCS, 1 trường PTDT bán trú Tiểu học, 1 trường PTDT bán trú THCS, 3 trường PTDT bán trú TH và THCS. Tổng số lớp gồm: Mầm non có 404 nhóm/lớp, 9.207 cháu; Tiểu học 523 lớp, 11723 học sinh; THCS 222 lớp, 6.445 học sinh. Công tác tuyển sinh lớp 1 đạt 98,79%; tuyển sinh lớp 6 đạt 98,74 % kế hoạch.

Hiện, ngành Giáo dục Bắc Quang có 2.230 cán bộ, giáo viên; trong đó, 1.832 giáo viên trực tiếp giảng dạy. Toàn bộ cán bộ, giáo viên đã được tập huấn bổ sung, cập nhật kiến thức trước khi bước vào năm học mới. Phòng Giáo dục huyện đã tham mưu, huy động xã hội hóa được trên 12 tỷ đồng sửa chữa 61/71 trường học. Toàn bộ sách giáo khoa, vở viết và các đồ dùng phục vụ học tập đã được các đại lý cung cấp đầy đủ… Hiện, công tác chuẩn bị hoàn tất, các trường học trên địa bàn huyện đã sẵn sàng cho ngày khai trường.

Lãnh đạo xã Tát Ngà vận động học sinh thôn Nà Trào đến lớp. Ảnh: Hoàng Tuyến

Lãnh đạo xã Tát Ngà vận động học sinh thôn Nà Trào đến lớp. Ảnh: Hoàng Tuyến

Để năm học mới đảm bảo chất lượng, hiện nay nhà trường, giáo viên, chính quyền địa phương huyện Mèo Vạc đã, đang tích cực, nỗ lực chung tay vận động học sinh đến trường. Thầy giáo Nguyễn Văn Đức, Hiệu phó Trường PTDTBT Tiểu học Sơn Vĩ, chia sẻ: Tình trạng học sinh bỏ học thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân các em ý thức chưa cao nên bỏ đi làm thuê phụ giúp gia đình và được bố mẹ ủng hộ. Chính vì vậy, cái khéo của người đi vận động là phải nói cho người dân nghe, hiểu về ý nghĩa, lợi ích của việc học; khi đi vận động phải nói sao cho hợp tình, hợp lý, phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, tạo thiện cảm thì họ mới nghe theo. Nhiều khi để vận động học sinh đến trường thì cán bộ địa phương, các thầy, cô giáo phải lên nương bẻ ngô, trồng cỏ giúp phụ huynh.

Cùng Chủ tịch UBND xã Tát Ngà, Hà Văn Thành vượt qua những cung đường khi giọt sương còn đọng trên đá để xuống thôn xóm vận động học sinh đến lớp. Vừa đi đồng chí vừa chia sẻ, muốn vận động học sinh đến lớp thì phải đi thật sớm hoặc vào đêm thì mới gặp được bởi lẽ các em thường theo bố mẹ đi làm nương, rẫy cả ngày. Đến gia đình em Vừ Thị Chía, học sinh lớp 2, điểm trường thôn Nà Sang; bố mẹ thấy gia đình ít lao động nên có ý định cho Chía ở nhà trông các em. Biết vậy, các cán bộ thôn và Chủ tịch UBND xã Tát Ngà trực tiếp đến vận động, tuyên truyền. Sau khi được bố mẹ đồng ý, chúng tôi nhìn trong mắt Chía lấp lánh niềm vui.

Trên địa bàn huyện Mèo Vạc hiện còn rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, của thầy, cô giáo trên miền đá đã thấu hiểu và khơi dậy niềm tin lớn vào những con chữ nên các em đã vượt qua khó khăn, vững bước đến trường. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện, tỷ lệ vận động học sinh đến lớp của tất cả các trường hiện đạt trên 97%.

Từ ngày 26.8, học sinh các cấp trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã đi học trở lại. Nhằm chuẩn bị tốt cho năm học mới, huyện luôn quan tâm đầu tư xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chú trọng xã hội hóa giáo dục. Trưởng phòng Giáo dục huyện Hoàng Su Phì Nguyễn Hải Vịnh cho biết: Cùng với việc chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, ngành Giáo dục huyện luôn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý giáo dục và các nhà trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cốt cán các cấp học; bồi dưỡng chính trị, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo các cấp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới...

Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, ngành Giáo dục Hoàng Su Phì đang gặp một số trở ngại như tình trạng thiếu giáo viên; cơ sở vật chất phục vụ lưu trú, dạy và học của giáo viên, học sinh chưa đáp ứng đủ nhu cầu... Giải quyết tình trạng trên, ngành Giáo dục đã khẩn trương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục; tích cực vận động, đưa học sinh từ các điểm trường lẻ về trường chính; sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên một cách khoa học, hợp lý, đảm bảo sử dụng hiệu quả biên chế được giao; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục...

Đến thời điểm hiện tại, các trường trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì cơ bản hoàn thành công tác tuyển sinh, sẵn sàng khai giảng năm học mới.

N.HÙNG - H.TUYẾN - Đ.TÂM

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/201909/cac-dia-phuong-san-sang-khai-giang-nam-hoc-moi-749507/