Các địa phương sẵn sàng sơ tán dân, chủ động ứng phó mưa lũ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh, thành phố Trung Bộ từ Quảng Bình đến Phú Yên đã có mưa rất lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…
Dự báo, hôm nay (11/10), từ Quảng Bình đến Quảng Trị tiếp tục mưa từ 40 -70mm, có nơi trên 90mm; Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi mưa rất lớn từ 150 - 250mm, có nơi trên 300mm... Mưa lớn gây lũ trên các sông trong khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, đỉnh lũ ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các tỉnh, các bộ, ngành nêu trên chỉ đạo thực hiện việc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại...
Tại Quảng Nam, mưa lớn kéo dài ở Quảng Nam, 2 người mất tích khi bơi qua sông. Do đó, việc kiên quyết ngăn chặn không cho người dân cố tình băng qua đường khi nước lũ dâng cao và chảy xiết là giải pháp cơ bản cần thực hiện một cách kiên quyết, đang được nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi, vùng lưu vực các sông lớn ở Quảng Nam thực hiện trong mùa mưa lũ.
Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện miền núi Bắc Trà My cho biết, các địa phương trong huyện đã hoàn thành việc dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để cung cấp cho đồng bào.
Trong khi đó, là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hệ thống sông Thu Bồn, ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, dọc lưu vực sông Thu Bồn như Duy Châu, Duy Vinh nhiều nơi bị chia cắt do lũ. Quốc lộ 14H, đoạn qua địa phận xã Duy Sơn bị ngập sâu nhiều đoạn. Hiện huyện chỉ đạo tất cả địa phương huy động tối đa lực lượng để phòng chống lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ”. Trên các đoạn đường bị ngập nước đều có dân quân và lực lượng chức năng ứng trực để ngăn chặn, không cho người nào qua lại…
Tại Quảng Ngãi, mưa lớn kéo dài khiến nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối, ngập các ngầm, cầu tràn tại nhiều huyện miền núi. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã ra công điện chỉ đạo ứng phó khẩn cấp, đặc biệt là triển khai ngay công tác di dời dân ở vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở núi.
Hiện tỉnh đã bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và quyết liệt trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm như ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở; tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ…
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, nhiều trường học tại tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chủ động cho học sinh nghỉ học trong chiều nay 10/10. Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cũng đã yêu cầu các địa phương tùy vào diễn biến của mưa lũ có thể tự quyết cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Chiều tối 10/10 đến hôm nay (11/10), trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước lũ trên sông Hương có thể đạt xấp xỉ báo động 2 trong đêm 10/10. Trước diễn biến của tình hình mưa lũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh đề nghị các địa phương, đơn vị trong tỉnh theo dõi, thực hiện nghiêm túc các thông báo về nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh sớm có dự báo mực nước dâng ở các sông để người dân ở những vùng trũng thấp biết và chủ động di dời đồ đạc, sơ tán. Thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền cần hướng dẫn người dân gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thủy sản, lồng bè trên sông, đầm phá; có phương án bảo vệ vật nuôi trong các trang trại đề phòng nước lũ dâng cao…
Trong 2 ngày 9, 10/10, trên khu vực biên giới của tỉnh Quảng Bình có mưa vừa, có nơi mưa to. Mực nước các sông, suối bắt đầu dâng cao, một số tuyến đường giao thông bị ngập lụt, chia cắt. Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục bám nắm tình hình mưa lũ và tuyên truyền cho nhân dân biết, không di chuyển qua các ngầm tràn, sông suối, không đánh bắt cá ven suối.
Đồng thời, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã triển khai 28 tổ/94 cán bộ, chiến sĩ tăng cường đến các địa bàn để nắm tình hình, phối hợp với chính quyền địa phương ứng phó với mưa lũ; bố trí lực lượng chốt chặn, hướng dẫn người dân qua lại đảm bảo an toàn tại các vị trí ngập tràn; phối hợp với các đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ giải tỏa các điểm sạt lở để giao thông đi lại trong thời gian sớm nhất.
Ngày 10/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Công điện số 908/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ.
Công điện nêu rõ, do ảnh hưởng của không khí lạnh, đã xảy ra mưa lớn tại các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người...
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với địa phương chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở do mưa lũ. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương...