Các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19
Nhiều địa phương dù chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nhưng vẫn đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh để đề phòng nguy cơ bùng phát trên địa bàn.
Ngày 20/8, Tỉnh Đoàn Bình Định phối hợp với Hội doanh nhân Trẻ tỉnh Bình Định hỗ trợ nhu yếu phẩm, tiếp sức cho 6 chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Tại mỗi nơi đến thăm, Đoàn Thanh niên đã tặng lều bạt dã chiến, khẩu trang và một số nhu yếu phẩm như mì tôm, xúc xích, thịt hộp, nước uống, sữa… với tổng trị giá hơn 320 triệu đồng.
Nhằm chủ động ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập vào tỉnh, từ ngày 31/7, tỉnh Bình Định đã quyết định thành lập 6 chốt kiểm tra phòng chống dịch COVID-19 tại các tuyến đường huyết mạch giáp ranh với các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai và Phú Yên.
Mỗi chốt chia làm 3 ca, hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần với nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt, nắm thông tin lịch trình, kiểm tra việc chấp hành đeo khẩu trang của người dân, sát khuẩn tay nhanh, khai báo tờ khai y tế đối với tất cả hành khách đi từ vùng dịch về Bình Định.
Đến nay, từ các chốt kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Bình Định đã tiếp nhận 400 công dân từ vùng có dịch trở về địa phương và thực hiện cách ly tập trung theo quy định; chưa có trường hợp nào dương tính với SASR-CoV-2.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình phải đón nhận hàng trăm công dân từ vùng dịch trở về địa phương mỗi ngày từ đầu tháng 8 đến nay, khiến nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm vào địa bàn luôn ở mức cao.
Trước thực trạng đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có công văn yêu cầu các đơn vị chức năng, các địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát công dân trở về từ vùng dịch.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát, phân loại công dân Quảng Bình trở về từ vùng dịch.
Các trường hợp nguy cơ cao, có đến các địa điểm được Bộ Y tế thông báo, phải tổ chức cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang nơi công cộng và xử lý các trường hợp vi phạm, kiểm tra các cơ sở dịch vụ không thiết yếu đã yêu cầu tạm dừng hoạt động...
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo các cơ quan thành viên tăng cường vận động nhân dân tích cực giám sát, phát hiện, đấu tranh với các trường hợp cố tình trốn cách ly, không chịu khai báo hoặc khai báo không trung thực.
Quảng Bình hiện có gần 2.500 trường hợp đang theo dõi, cách ly tại nhà, trên 100 trường hợp được cách ly tập trung và 3 trường hợp nghi ngờ đang được điều trị tại bệnh viện. Toàn tỉnh có 4.748/4.810 mẫu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, 62 mẫu xét nghiệm đang chờ kết quả.
Từ ngày 25/7 đến nay, Quảng Bình có trên 13.000 người trở về từ vùng dịch; chỉ riêng từ ngày 10/8 trở lại đây, ngày thấp nhất có 90 công dân, ngày cao nhất có 324 công dân trở về địa phương. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có thị xã Ba Đồn tổ chức sàng lọc các trường hợp nguy cơ cao đưa vào cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung của tỉnh.
Tại tỉnh Long An, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và tình trạng xuất nhập cảnh trái phép hiện nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Văn Cần yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn.
Lãnh đạo các địa phương cần phải tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tại các đô thị khu tập trung đông người, khu, cụm công nghiệp, chợ đầu mối.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách các cá nhân (bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức và người dân) đi về từ vùng dịch, đặc biệt có đi đến các điểm theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế.
Các địa phương phải nhanh chóng phát hiện, truy vết các trường hợp có biểu hiện nhiễm COVID-19 hoặc tiếp xúc gần với người có biểu hiện nghi nhiễm.
Bên cạnh đó, cần phải tập trung điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép và khai báo y tế không trung thực theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố, cộng đồng dân cư chủ động phối hợp với các đoàn thể và các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện người từ địa phương khác đến (kể cả người nước ngoài) để thông báo ngay cho cơ quan chức năng biết kiểm tra, quản lý theo quy định.
Đặc biệt, các đơn vị lưu ý thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện đầy đủ các giải pháp cụ thể để làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, không được để lây lan, phát sinh dịch bệnh ở các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống quản lý.
Sở Y tế chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở y tế; trang bị đầy đủ, kịp thời phương tiện bảo hộ cho các lực lượng chống dịch, đặc biệt là đội ngũ y bác sỹ, cán bộ y tế, lực lượng công an, quân đội đang làm nhiệm vụ chống dịch, không để lây nhiễm chéo; không chủ quan để dịch bệnh bùng phát, lây lan từ cơ sở y tế.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì phối hợp Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan Long An, các huyện, thị xã thuộc tuyến biên giới… tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở theo đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả và ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép và buôn lậu qua biên giới.
Song song đó, các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Tại tỉnh Gia Lai, ngày 20/8, hơn 6.000 chiếc khẩu trang y tế đã được Trung tâm Phát thanh truyền hình Quân đội thường trú tại Tây Nguyên và Hội Cựu chiến binh tỉnh trao đến các đơn vị tuyến đầu chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Số khẩu trang y tế này được vận động, quyên góp từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng số tiền quy đổi hơn 80 triệu đồng.
Đây là nghĩa cử cao đẹp của tuyến hậu phương dành cho lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên chốt chặn tại các điểm kiểm soát biên giới trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Ngoài ra, các nhà hảo tâm cũng chia sẻ những khó khăn về vật chất với đội ngũ cán bộ, chiến sỹ tại khu cách ly y tế ở Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh thuộc Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, hàng chục giáo viên mầm non tại thành phố Pleiku và huyện Chư Prông (Gia Lai) cũng đã tranh thủ thời gian nghỉ hè, góp kinh phí, chia thành từng nhóm nhỏ để làm những chiếc mũ chống giọt bắn, tặng cho đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19. Hơn 1.500 chiếc mũ chống giọt bắn đã được tặng cho Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hiện có hàng chục nhóm từ thiện tích cực hỗ trợ kinh phí, các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch đến các khu cách ly y tế, những địa chỉ trực tiếp thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19.
Những việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa động viên to lớn, được xem là hậu phương vững chắc để lực lượng tiền phương yên tâm trên tuyến đầu chống dịch./.