Các địa phương triển khai nhiều biện pháp tái đàn lợn
Hiện các địa phương trên cả nước đã có nhiều hoạt động để tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi.
Quảng Nam: Đủ điều kiện mới cho phép tái đàn
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, hiện nay tỉnh vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tái đàn, nhất là việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học vì quy mô chăn nuôi hộ gia đình ở Quảng Nam chiếm rất lớn (khoảng 64%).
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, trong điều kiện đàn lợn giảm sút nghiêm trọng sau khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra thì việc tái đàn là rất cần thiết. Tỉnh cũng nỗ lực trong công tác tái đàn nhưng hiện tổng đàn mới được 250.000 con, đạt 52% so với thời điểm trước dịch (khoảng 483.000 con).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo UBND các huyện, các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bàn các giải pháp thực hiện việc tái đàn đảm bảo an toàn. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các huyện báo cáo thực trạng chăn nuôi, những hộ dân nào muốn tái đàn thì phải báo cáo đủ điều kiện an toàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đang tiến hành xây dựng cơ chế để hỗ trợ sau dịch cho những hộ dân tái đàn mà cụ thể là hỗ trợ lãi suất vay, làm sao để hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt là chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Kiên Giang: Tái đàn lợn chậm do khan hiếm con giống
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang, hoạt động chăn nuôi lợn trên địa bàn đang từng bước dần phục hồi, sau khi tỉnh công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi trên toàn tỉnh từ cuối tháng 4 cho đến nay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá cả lợn hơi không ổn định và thiếu hụt con giống dẫn đến giá thành rất cao, từ 2-3 triệu đồng/con nên người chăn nuôi còn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn. Do đó, việc tái đàn phục hồi còn chậm, chủ yếu là trong hệ thống trang trại của Công ty CP là chính, các hộ chăn nuôi gia trại phát triển chưa nhiều.
Theo thống kê, hiện tổng đàn lợn của tỉnh là gần 179 ngàn con, chỉ bằng 56,8% so với cùng kỳ. Tính đến hết năm 2019, tỉnh Kiên Giang đã chi hỗ trợ ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi tổng cộng gần 113 tỷ đồng, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho 3.812 hộ dân có lợn bị tiêu hủy là 86,5 tỷ đồng và kinh phí phục vụ phòng chống dịch bệnh là 26,3 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chỉ còn xảy ra nhỏ, lẻ tại 15 hộ nuôi, buộc phải tiêu hủy 66 con để phòng, chống dịch bệnh lây lan. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm các tháng đầu năm đang được ngành chuyên môn kiểm soát tốt, ổn định.
Quảng Bình: Hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn lợn theo hướng bền vững
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn lợn theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn.
Ngay từ cuối năm 2019, các trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh vẫn tiếp tục duy trì đàn lợn nái và tái đàn lợn thương phẩm với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu thịt dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm đó, tổng đàn lợn của tỉnh đạt gần 250.000 con, tăng gần 11.500 con so với trước thời điểm dịch tả lợn châu Phi lan rộng.
Đến nay, sau gần 3 tháng công bố hết dịch bệnh, Quảng Bình đã có tổng đàn lợn gần 250.000 con, tăng 1,5% so với tháng 3/2020.
Riêng với hoạt động tái đàn, trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là sau khi có thông báo hết dịch, các địa phương đã thực hiện tái đàn trên 10.000 con lợn, trong đó lợn nái gần 400 con. Các cơ sở tái đàn chủ yếu là trang trại quy mô lớn, có áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Hiện tại, Quảng Bình đã ổn định được đàn lợn đực giống 350 con, đàn lợn nái gần 32.000 con, bước đầu đáp ứng nhu cầu cung cấp con giống bảo đảm chất lượng cho việc tái đàn.
Đối với những cơ sở chăn nuôi nhập giống từ bên ngoài, ngành nông nghiệp tỉnh xác định cần phải kiểm soát từ nguồn gốc nơi bán giống, việc lai tạo con giống bảo đảm an toàn phục vụ sản xuất. Thực hiện kê khai đầy đủ theo quy định của ngành nông nghiệp.
Cùng với kiểm soát các hộ chăn nuôi bảo đảm tốt các điều kiện thực hiện tái đàn lợn, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chuyển sang các vật nuôi khác, duy trì sản xuất, không để trống chuồng.
Phú Yên: Chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại tập trung
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, ngày 14/6/2019, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh đầu tiên tại xã Ea Bar (Sông Hinh) với 31 con lợn bị mắc bệnh, sau đó lan rộng ra 95 thôn, 45 xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy đến ngày 29/12/2019 là 2.689 con với tổng trọng lượng 102.949kg của 402 hộ nuôi.
Kể từ 1/2/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phát đi thông báo hết dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi không chủ quan với dịch bệnh, tập trung giám sát, thực hiện các biện pháp tiêu độc, vệ sinh môi trường phòng dịch. Cũng như khuyến cáo người nuôi không tái đàn một cách ồ ạt, chỉ ưu tiên tái đàn đối với các trang trại, khu chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, đủ điều kiện phòng chống dịch bệnh.
Nhờ vậy đến nay tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng 108.425 con, gần bằng số đàn tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, hiện chăn nuôi lợn trên địa bàn tỷ lệ nông hộ, quy mô nhỏ lẻ vẫn còn chiếm 2/3 tổng đàn. Trong khi đó việc chăn nuôi nhỏ lẻ có nhiều rủi ro như đầu ra tiêu thụ sản phẩm không ổn định; việc phòng chống dịch bệnh chưa theo quy trình nghiêm ngặt. Do đó, nguy cơ dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi dễ xảy ra hơn đối với các trang trại nuôi tập trung.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển chăn nuôi lợn theo hướng chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang sang tập trung trang trại, khuyến khích ứng dụng công nghệ mới và hiện đại, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, phù hợp với lợi thế từng vùng; đồng thời đẩy mạnh công tác tái đàn lợn theo hướng phát triển về quy mô và chất lượng./.
Tuệ Văn (tổng hợp)