Các địa phương ứng phó bão và mưa lớn
Những địa phương dự báo chịu ảnh hưởng bão số 2 đang triển khai biện pháp ứng phó nhằm giảm thấp nhất thiệt khi bão đổ bộ kèm mưa lớn.
Theo dự báo của Trung tâm DBKTTV quốc gia (bản tin lúc 9 giờ sáng 2/8), trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 02/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Thanh Hóa-Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Ngày hôm nay (2/8), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình còn có mưa to đến rất to (lượng mưa 50-150mm/24h, có nơi trên 150mm/24h). Từ nay đến ngày 5/8, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.
Những địa phương dự báo chịu ảnh hưởng bão số 2 đang triển khai biện pháp ứng phó nhằm giảm thấp nhất thiệt khi bão đổ bộ kèm mưa lớn.
Tại Thanh Hóa, tính đến 5 giờ ngày 2/8, tất cả 7.234 tàu, thuyền với 26.376 lao động của địa phương đã vào bờ tránh trú bão an toàn.
Ngay trong tối 1/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở ngành, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.
Tại Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị sẵn sàng phương án ứng phó bão và mưa lớn nhằm bảo đảm an toàn cho người và tài sản nhân dân, nhà nước theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các địa phương kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; trong đó cần lưu ý công tác phòng chống dịch COVID-19 tại khu vực sơ tán. Riêng khu vực ven biển, cửa sông phải rà soát và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán dân theo phương án đã lập khi có lệnh.
Các địa phương kiểm tra cụ thể phương án “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn để phòng trường hợp mưa, lũ gây chia cắt dài ngày; rà soát phương án, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tại Hải Phòng, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương tổ chức hoành triệt các cửa khẩu qua đê, các cống xung yếu dưới đê; hoàn thành di dời dân khỏi các khu vực trũng thấp, các khu vực có nguy cơ sạt lở trước 8 giờ sáng ngày 2/8.
Ngay từ 18h chiều 1/8, thành phố Hải Phòng đã đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, tuyến cáp treo Cát Hải- Phù Long và các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo.
Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 đã điều động tàu SAR 273 thường trực tìm kiếm cứu nạn tại Cát Bà và 3 ca nô sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn khi bão đổ bộ vào đất liền.
Tại Ninh Bình, lực lượng chức năng đã ban hành lệnh nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi đến khi bão tan; kêu gọi triệt để tàu, thuyền, các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn xong trước 21h ngày 1/8.
Kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tuyến đò ngang, đò dọc; huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, đảm bảo an toàn cho công trình đang xây dựng, kho tàng, bến bãi, hàng hóa, trường học, bệnh viện, trạm y tế... Các địa phương chỉ đạo thôn, xóm giúp các hộ gia đình chính sách, neo đơn phòng tránh bão đảm bảo an toàn;
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…
Tại Quảng Bình, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị trên hai tuyến có mặt tại những nơi xung yếu nhằm kiểm tra, giúp dân ứng phó với những tình huống khẩn cấp.
Hàng nghìn phương tiện đang hoạt động trên vùng biển Quảng Bình đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi vào nơi tránh trú bão an toàn nhằm phòng tránh thiệt hại.
Không chỉ có tàu cá của địa phương, nhiều tàu cá của các tỉnh khác như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đã cập bờ neo đậu tránh trú bão tại cảng Gianh, cảng Hòn La và cảng Nhật Lệ để đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình thường trực 100% quân số, chủ động lên phương án sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời tuyên truyền nhân dân vừa phòng chống bão, vừa bảo đảm sức khỏe để phòng, chống dịch COVID-19.
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/cac-dia-phuong-ung-pho-bao-va-mua-lon/402810.vgp