Các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại

Cho phép các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường, trừ vũ trường và karaoke và phải bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn). Không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học, bỏ quy định giãn cách trong lớp học… Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những nội dung này trong phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 7-5.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài còn lớn

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: 21 ngày qua cả nước không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Thủ tướng cho rằng, cả nước ở tình trạng nguy cơ thấp. Chúng ta đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch Covid-19, người dân đã dần trở lại công việc bình thường trong trạng thái mới. Đề cập nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vẫn còn lớn, tình hình dịch bệnh trên toàn cầu còn diễn biến xấu, số người tử vong cao, hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục triển khai các biện pháp giãn cách xã hội phù hợp với trạng thái bình thường mới.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, kể từ ngày 16-4 đến nay Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới tại cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 kiến nghị Thủ tướng về việc tiếp tục thực hiện nghiêm kiểm soát người nhập cảnh và thực hiện cách ly 14 ngày một cách phù hợp và xét nghiệm đối với tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam.

Hà Nội đề xuất đưa về nhóm "nguy cơ thấp"

Báo cáo tại cuộc họp từ điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 07/CT-UBND để hướng dẫn các địa phương thực hiện biện pháp phòng, chống dịch đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Việc triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội đã triển khai ngay việc hỗ trợ với 4 đối tượng, đó là: Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo. Đến ngày 6-5, thành phố đã thực hiện trợ cấp cho 383.258 đối tượng, đạt tỷ lệ 98% với số tiền 465,7 tỷ đồng; với 2% còn lại, do các đối tượng không ở nơi cư trú nên các địa phương sẽ tổ chức gửi khoản chi trả tới những người này.

Về việc kiểm soát hai ổ dịch ở huyện Mê Linh và huyện Thường Tín, đồng chí Ngô Văn Quý báo cáo: Hà Nội đã kiểm soát chặt chẽ việc cách ly theo quy định. Hiện ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh) đã kết thúc cách ly từ 0h ngày 6-5; thôn Đông Cứu (Thường Tín) đã thực hiện cách ly được 20 ngày, toàn bộ nhân dân trong thôn đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Theo đồng chí Ngô Văn Quý, địa bàn Hà Nội vẫn còn nguy cơ, nhưng là nguy cơ thấp, khó xảy ra bùng phát dịch trong cộng đồng. Vì thế, trừ thôn Đông Cứu của huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa Hà Nội về nhóm "nguy cơ thấp" như các địa phương khác trên toàn quốc để tạo điều kiện nới lỏng giãn cách, thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế, xã hội.

Không để dịch bệnh lây ra cộng đồng

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành thực hiện chặt chẽ việc ngăn chặn nguồn bệnh từ bên ngoài đi đôi với tiếp tục tổ chức đưa công dân Việt Nam đang bị kẹt ở nước ngoài về nước bảo đảm trật tự, có mức độ, phù hợp với năng lực tiếp cận cách ly trong nước. UBND các tỉnh có biên giới cần căn cứ tình hình thực tế để cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm tối đa công tác phòng, chống dịch bệnh khi mở lại cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn; chỉ thông thương hàng hóa, không cho người nhập cảnh; ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại.

Nhắc lại một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính, chi tiêu phòng dịch tại một số địa phương, Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn sự vi phạm và bảo đảm giám sát chi tiêu quản lý kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương, các bộ, ngành, đặc biệt là ngành Y tế, đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống Covid-19; đã đưa ra một thông điệp mới, đó là: Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp xác lập tình trạng bình thường mới trong cuộc sống và các hoạt động kinh tế - xã hội để trở lại cuộc sống bình thường trên tinh thần đẩy mạnh phục hồi kinh tế, xây dựng đất nước; coi đây là nhiệm vụ ưu tiên quan trọng, cần phải tập trung ở mọi cấp, ban, ngành. Đi liền với đó là không được chủ quan, coi thường dịch Covid-19.

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng nêu ra một số biện pháp: Tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch xâm nhập, nếu có người ở nước ngoài về thì đều phải cách ly tập trung 14 ngày (trừ trường hợp các chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà đầu tư được áp dụng phương thức cách ly tại chỗ phù hợp); tuyệt đối không được để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; tiếp tục thực hiện việc bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và trên phương tiện hành khách công cộng, nơi tập trung đông người; rửa tay sát khuẩn, bảo đảm vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc đông người; Ban Chỉ đạo các cấp duy trì nhóm phản ứng nhanh, dự báo, thu thập dữ liệu để phát hiện nhanh nhất các trường hợp dương tính và các trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính để kịp thời khoanh vùng, cách ly, dập dịch.

Thủ tướng đồng ý với đề xuất của ngành Giáo dục và Đào tạo là không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học mà cần tiếp tục giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay..., bảo đảm vệ sinh các cửa sổ, cửa sổ chính thông thoáng. Nhà trường tăng cường các biện pháp lau khử khuẩn bề mặt lớp học, nhà vệ sinh. Không bắt buộc thực hiện giãn cách lớp học; vẫn hạn chế tiếp xúc giữa các lớp học với nhau...; đồng thời yêu cầu ngành Giáo dục và các địa phương phải có kế hoạch tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học đạt kết quả trung thực, khách quan.

Thủ tướng cũng đồng ý kiến nghị bỏ giới hạn về số chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng, máy bay, xe khách, tàu hỏa, tàu thủy, nhưng yêu cầu hành khách đeo khẩu trang; cho phép hoạt động trở lại các sự kiện thể dục - thể thao, sự kiện tập trung đông người; các giải bóng đá... nhưng khuyến cáo phải đeo khẩu trang, sát trùng tay. Các bệnh viện trở lại hoạt động bình thường, tiếp tục chữa trị bệnh phục vụ nhân dân; kiện toàn năng lực cho các phòng xét nghiệm Covid-19…

Dù ghi nhận thêm 17 ca mắc mới Covid-19, nhưng tính từ ngày 16-4 đến hết 7-5, Việt Nam đã qua 22 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Thu Trang

Hoàng Quyên - TTXVN

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/966804/cac-dich-vu-kinh-doanh-khong-thiet-yeu-duoc-mo-cua-tro-lai