Các điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã hoạt động hiệu quả
Điểm giao dịch xã là hoạt động đặc trưng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Tại huyện Gio Linh, hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch xã này đã giúp đối tượng vay vốn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi kịp thời, thuận lợi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định, phát triển kinh tế hộ gia đình, đảm bảo an sinh xã hội.
Huyện Gio Linh có địa hình miền núi, gò đồi, đồng bằng và ven biển nên việc triển khai các chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước đến với Nhân dân được NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện hợp lý nhất, tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người hưởng lợi chính sách dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. 17 điểm giao dịch xã của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Gio Linh nằm ở trung tâm 17 xã, thị trấn trên địa bàn luôn thể hiện được tinh thần gần dân, phục vụ dân.
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Gio Linh Hoàng Đình Mẫn cho biết, với đặc thù của ngành nên thời gian giao dịch công việc cụ thể tại 17 điểm giao dịch xã được ấn định diễn ra từ ngày 7 đến ngày 22 hằng tháng, kể cả những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, trung bình mỗi điểm có một ngày giao dịch cố định.
Vào ngày cố định đó, tại điểm giao dịch xã, cán bộ, nhân viên từ Phòng Giao dịch ngân hàng huyện về tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiền tiết kiệm và thực hiện quy trình xử lý nợ; phổ biến, tuyên truyền và công khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; họp giao ban với tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.
Tại Điểm giao dịch xã Gio An vào ngày 7/9/2023, ông Hồ Ngọc Thắng ở thôn Tân Văn đã trả đúng hạn số nợ gốc 50 triệu đồng sau 5 năm vay theo diện hộ nghèo. Nhờ số tiền được vay đó, ông đã trồng tiêu, cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế gia đình.
“Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo. Sau khi trả xong nợ, tôi đề nghị được tiếp tục vay vốn để mở rộng trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện kinh tế gia đình. Sự có mặt của điểm giao dịch ngân hàng tại trung tâm xã giúp việc nhận tiền vay, trả nợ gốc của tôi cũng như nhiều người rất thuận tiện”, ông Thắng chia sẻ.
Đến với ngày giao dịch ở xã Gio An, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Hảo Sơn Nguyễn Thị Hoài cho biết, tổ có 44 tổ viên, với tổng dư nợ hơn 2 tỉ đồng và hơn 140 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm. Nhiều đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn, được cán bộ ngân hàng hướng dẫn cách thức vay và cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và có thói quen tích lũy tiết kiệm hằng tháng để dự phòng trả lãi, trả nợ gốc khi đến hạn.
Nhờ đó, không ít hộ dân trên địa bàn đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hằng tháng, bà Hoài được ủy nhiệm thu tiền lãi và tiền tiết kiệm của tổ viên, nộp cho ngân hàng vào ngày giao dịch cố định của ngân hàng tại điểm giao dịch xã.
Tổ trưởng Tổ giao dịch tại Điểm giao dịch xã Gio An Nguyễn Văn Hân là cán bộ của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết, xã có 15 tổ TK&VV với dư nợ gần 25 tỉ đồng. Vào ngày 7 hằng tháng, tổ giao dịch luôn chuẩn bị chu đáo mọi nội dung công việc, phương tiện cần thiết chính xác, hiệu quả như: máy tính, máy in, máy đếm tiền và các công cụ hỗ trợ khác.
Đồng thời, các cán bộ, nhân viên trong tổ giao dịch thường xuyên trau dồi nghiệp vụ tín dụng, cập nhật kiến thức về các chế độ, chính sách tín dụng mới, nâng cao kỹ năng giao tiếp để phục vụ người dân; trao đổi với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động, đảm bảo đạt kết quả cao.
Theo ông Hoàng Đình Mẫn, với tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”, NHCSXH luôn đồng hành sát cánh, mang nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phòng giao dịch luôn tuân thủ chặt chẽ, nghiêm chỉnh chính sách, quy trình nghiệp vụ tín dụng nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, góp phần cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội.
Hoạt động của 17 điểm giao dịch xã trên địa bàn huyện đều được thực hiện đúng quy định và được NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm từng bước nâng cao chất lượng điểm giao dịch xã. Từ ngày 1/1/2022 đến 31/8/2023, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã thực hiện được 340 phiên giao dịch tại 17 xã, thị trấn đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Nhờ tổ chức tốt các phiên giao dịch tại các điểm giao dịch xã, thời gian qua, công tác tín dụng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã nâng cao chất lượng tín dụng; chất lượng hoạt động ủy thác; hiệu quả hoạt động các điểm giao dịch xã hằng năm được xếp loại tốt.
Công tác huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã luôn được duy trì hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu gửi tiền của người dân và đạt kết quả khả quan.
Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 31/8/2023 đạt 535.436 tỉ đồng (tăng 37.714 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2022) với 9.417 hộ nghèo và các đối tượng chính sách, thuộc 245 tổ TK&VV tại 97 thôn của 17 xã, thị trấn vay vốn.
Mô hình điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấncủaNHCSXH là cầu nối giúp hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đem đồng vốn ưu đãi đến tay người dân một cách hiệu quả.
Ghi nhận kết quả hoạt động này, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho biết, chương trình giảm nghèo bền vững của huyện được kết quả như hôm nay một phần nhờ nỗ lực tham gia tích cực của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã giúp dòng chảy các chương trình tín dụng chính sách luôn được khơi thông, phủ kín toàn địa bàn. Đây là một trong những nguồn lực giúp huyện thành công trên hành trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng.