Các doanh nghiệp Lục Yên chung tay khắc phục hậu quả thiên tai
Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nhiều công trình giao thông, gây ách tắc các tuyền đường trên địa bàn huyện Lục Yên, song với sự hỗ trợ kịp thời của các doanh nghiệp, Lục Yên đã nhanh chóng khắc phục, đảm bảo giao thông phục vụ công tác cứu trợ và nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tuyến đường từ xã Lâm Thượng đi xã Tân Phượng bị sập 1 cây cầu tại thôn Khéo Lẹng có chiều dài 6 mét, rộng 5 mét. Đây là cây cầu duy nhất bắc qua suối lên xã Tân Phượng. Trên tuyến đường từ xã Lâm Thượng đi xã Tân Phượng còn hàng chục điểm bị sạt lở taluy dương gây ách tắc giao thông với khối lượng đất đá rất lớn, không thể qua lại nên việc tiếp cận với xã Tân Phượng để khắc phục hậu quả thiên tai cũng như vận chuyển hàng hóa thiết yếu gặp rất nhiều khó khăn.
Với phương châm "4 tại chỗ", các tuyến đường bị sạt lở với khối lượng đất sạt lở ít, huyện Lục Yên đã huy động các lực lượng tại chỗ như: công an, lực lượng dân quân, quân sự, lực lượng xung kích và nhân dân tham gia khắc phục đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, đối với những tuyến đường bị sạt lở đất đá có khối lượng lớn gây ách tắc giao thông, huyện Lục Yên cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả.
Công ty TNHH Phúc Hưng, huyện Lục Yên đã huy động tối đa máy móc, nhân lực khắc phục giao thông trên tuyến đường này. Anh Kiều Chí Phúc - Giám đốc Công ty TNHH Phúc Hưng, huyện Lục Yên cho hay: "Ngay sau khi bão lũ xảy ra, Công ty chúng tôi đã huy động phương tiện máy móc để hỗ trợ xử lý khắc phục sạt lở trên các tuyến đi Mai Sơn, Lâm Thượng và Tân Phượng... Quá trình thi công gặp không ít khó khăn do thời tiết và khối lượng đất đá sạt lở lớn nên chúng tôi cũng đã nỗ lực, cố gắng hết mình để đảm bảo thông tuyến và làm các đường tránh phục vụ công tác cứu trợ và giúp bà con giảm bớt khó khăn đi lại trong lúc mưa bão”.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, thực hiện lời kêu gọi của huyện Lục Yên, rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài huyện, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có người nước ngoài làm việc trên địa bàn huyện như: Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Lục Yên, Công ty cổ phần Khai khoáng Thanh Sơn … cũng nhiệt tình tham gia khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân vùng lũ Lục Yên.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, thực hiện lời kêu gọi của huyện Lục Yên, ông SuKhalSau - người gốc Ấn Độ, sinh sống ở Việt Nam từ năm 2008 hiện đang là giám đốc khai thác mỏ của Công ty cổ phần Khai khoáng Thanh Sơn đã cùng công nhân của Công ty huy động lực lượng, phương tiện máy móc để tham gia cứu hộ, cứu nạn và giúp đỡ người dân các địa phương bị ngập úng, sạt lở đất san gạt bùn đất, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.
Ông SuKhalSau chia sẻ: "Tôi sống ở Việt Nam gần 20 năm nên giờ tôi thành người Việt Nam rồi. Người Việt Nam nói chung rất tốt bụng nên khi khó khăn thì mình luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ. Đây còn là trách nhiệm của mình vì hiện cán bộ, công nhân của Công ty mình cũng đang sinh sống và làm việc tại Lục Yên, coi người dân nơi đây như bạn bè, anh em của mình. Khi mình khó khăn thì sẽ được mọi người ở đây giúp đỡ”.
Theo báo cáo của huyện Lục Yên, hoàn lưu cơn bão số 3 ngoài gây thiệt về người, nhà cửa tài sản, hoa màu thì còn gây nhiều thiệt hại về giao thông. Toàn huyện có 178 điểm sạt lở tại các trục đường thôn và xã, có 62 điểm ngập úng. Với sự chủ động nhân lực tại chỗ và sự tham gia tích cực khắc phục hậu quả thiên tai của các doanh nghiệp, đến nay, các tuyến đường đến trung tâm các xã đã cơ bản thông tuyến, tạo điều kiện cho công tác khắc phục hậu quả cũng như cứu trợ các hộ bị thiệt hại.
Ông Đinh Khắc Yên - Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho hay, khi thiên tai xảy ra, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhất là huy động sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp, bất kể là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài đóng trên địa bàn đã chung tay chia sẻ, hỗ trợ kịp thời các phương tiện máy móc và ủng hộ cả về vật chất, lương thực, nhu yếu phẩm… giúp người dân vùng lũ của huyện Lục Yên khắc phục hậu quả thiên tai một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.