Các doanh nghiệp ngoài KCN nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh
Sau hơn 6 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ - CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời ''Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19', các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhóm phục hồi mạnh nhất vẫn là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại, doanh nghiệp sản xuất đồ tiêu dùng, sản xuất một số mặt hàng vật liệu xây dựng, may mặc...
Sau hơn 6 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ - CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời ‘‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19”, các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhóm phục hồi mạnh nhất vẫn là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại, doanh nghiệp sản xuất đồ tiêu dùng, sản xuất một số mặt hàng vật liệu xây dựng, may mặc...
Theo ước tính, toàn tỉnh hiện có khoảng gần 7.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 500 dự án đầu tư vào các KCN, còn lại là các doanh nghiệp ngoài KCN với các ngành nghề chính, như: kinh doanh thương mại, xây dựng, chế biến vật liệu xây dựng, điện, điện tử, dệt may... Trong số các doanh nghiệp ngoài KCN có khoảng hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên và có doanh thu. Trong năm 2020 - 2021, khi dịch Covid - 19 bùng phát, các doanh nghiệp ngoài KCN gặp không ít khó khăn phải thu gọn sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng đến toàn ngành công nghiệp.
Ông Trần Trọng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Hùng Sơn (Lý Nhân) phân tích: Khi dịch bệnh bùng phát, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn đã ảnh hưởng đến sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp. Đối với Công ty TNHH May mặc Hùng Sơn, chuyên may quần áo bảo hộ lao động cũng bị ảnh hưởng khi bạn hàng không sản xuất được, hạn chế mua quần áo bảo hộ lao động. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất, nhiều bạn hàng đã về đặt hàng của doanh nghiệp, doanh thu đã có nhiều khởi sắc. Hiện tại công ty đang giải quyết việc làm cho khoảng 60 lao động và doanh thu trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.
Cũng như Công ty TNHH May mặc Hùng Sơn, hầu hết các doanh nghiệp ngoài KCN từ đầu năm đến nay đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Để có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, các ngành chức năng trong tỉnh cũng đã tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp; xây dựng, thực hiện các bộ thủ tục hành chính phù hợp với điều kiện thực tế. Các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho khách hàng.
Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Từ hiệu quả của Nghị quyết số 128/NQ - CP của Chính phủ, tình hình sản xuất công nghiệp quý I trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến rất tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp quý I ước đạt 35.230 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao, như: xi măng tăng 144,1%; quần áo may sẵn tăng 12,4%; đồ chơi trẻ em tăng 42%. Trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp ngoài KCN chiếm khoảng 30 - 35%. Trong tháng 4/2022, sản xuất công nghiệp trong tỉnh vẫn có tốc độ tăng trưởng khá và dự báo cả năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ có nhiều khởi sắc. Đây là điều kiện để tỉnh phấn đấu hoàn thành và vượt mức kế hoạch sản xuất công nghiệp đề ra trong cả năm.
Bên cạnh những tín hiệu vui khi các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất sau đại dịch, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh ta nằm ngoài các KCN vẫn còn gặp không ít khó khăn thách thức, như: công nghệ sản xuất còn lạc hậu; sản phẩm làm ra chưa có tính cạnh trạnh cao; khó khăn về tài chính và cách quản lý chưa được bài bản; thiếu thông tin khi gia nhập thị trường, thiếu kỹ năng quản trị doanh nghiệp, chiến lược cạnh tranh chưa định hình rõ ràng, thiếu hệ thống kế toán chuẩn mực… dẫn tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao. Đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ sản xuất chế biến còn lạc hậu, gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản và gây ô nhiễm môi trường.
Nhằm từng bước giải quyết vấn đề này, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thường xuyên nắm bắt những khó khăn của các doanh nghiệp, phản ánh kịp thời đến các cấp có thẩm quyền để điều chỉnh cơ chế quản lý cho phù hợp và có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. Đồng thời, hiệp hội cũng kêu gọi hội viên liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, như: tiêu thụ sản phẩm của nhau, liên kết đầu tư sản xuất, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.