Các doanh nghiệp Thái Lan hối thúc Chính phủ ra quyết định về CPTPP
Ngày 12/10, Ủy ban thường trực hỗn hợp về Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng của Thái Lan (JSCCIB) đang kêu gọi một cuộc trao đổi với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha liên quan tới quyết định tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Vấn đề này được đưa ra sau khi Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Vương quốc Anh bày tỏ mong muốn tham gia vào hiệp định thương mại tự do này.
Ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, thành viên chủ chốt của JSCCIB, cho biết Thái Lan có thể mất lợi ích nếu đưa ra quyết định muộn, bởi Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Anh đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc tham gia vào CPTPP. Chủ tịch phòng Thương mại Thái Lan nhấn mạnh, nếu Thái Lan tham gia CPTPP quá muộn, nước này có thể phải đối mặt với nhiều điều kiện hơn sau khi các nước trên được phép gia nhập. Hiện tại, CPTPP có 11 thành viên bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Trong một diễn biến liên quan, trước đó, trưởng đoàn đàm phán thương mại của Thái Lan cho rằng, nước này cần đánh giá lại tác động của CPTPP sau khi Trung Quốc chính thức xin gia nhập khối thương mại này vào ngày 16/9.
Theo bà, Auramon Supthaweethum, Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, nhiều bên đã bày tỏ quan tâm và theo dõi chặt chẽ CPTPP, hiệp định thương mại tự do được kỳ vọng sẽ trở thành một thị trường lớn hơn khi Trung Quốc trở thành thành viên mới.
CPTPP được khởi động từ năm 2019 nhằm xóa bỏ các rào cản thương mại giữa 11 quốc gia đại diện cho gần 500 triệu người tiêu dùng ở châu Á-Thái Bình Dương, tương đương khoảng 6,7% dân số thế giới, với tổng GDP trị giá 10.500 tỷ USD, chiếm 13,3% GDP toàn cầu. Hiệp định này đã thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại tương tự bao gồm Mỹ cho đến khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận.