Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đẩy mạnh sản xuất phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm
Những tháng còn lại của năm 2022, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh đang đề ra nhiều giải pháp thích ứng, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch của cả năm. Bên cạnh đó, các cấp, ngành trong tỉnh luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo đồng chí Bùi Duy Quang, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tháng 9/2022 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu đơn hàng ảnh hưởng đến gần như tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó nhiều nhất là các doanh nghiệp may mặc và linh kiện điện tử ...Tuy nhiên, do giá bán các sản phẩm chủ lực đều tăng nên các chỉ tiêu vẫn có tăng trưởng nhẹ.
Cụ thể: Doanh thu tháng 9/2022 ước đạt 6.435 tỷ đồng, giảm 5% so với tháng 8/2022, tăng 9,3% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng ước đạt 53.428 tỷ đồng, tăng 9,15% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu tháng 9/2022 ước đạt 146,6 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng ước đạt 1.348,7 triệu USD, tăng 27,15% so với cùng kỳ; nộp ngân sách 9 tháng ước đạt 11.600 tỷ đồng đạt 116% kế hoạch năm 2022.
Mặc dù các chỉ tiêu về doanh thu, xuất khẩu, nộp ngân sách của các doanh nghiệp trong KCN đều tăng song so với kịch bản tăng trưởng tính đến hết 9 tháng đầu năm chỉ có 3/11 sản phẩm đã vượt mức tăng trưởng theo quý là giầy dép vải, camera module và linh kiện điện tử, còn lại 8 sản phẩm chưa đạt kịch bản tăng trưởng theo quý, trong đó có 4 sản phẩm đạt từ 60% kế hoạch năm trở lên là Clinke, kính, thanh phôi nhôm và Urê, các sản phẩm còn lại dự kiến không đạt kế hoạch năm 2022 theo kịch bản tăng trưởng.
Chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra là: Doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đạt trên 69.000 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD; Thu ngân sách đạt trên 10.000 tỷ đồng... Đây là mức chỉ tiêu khá cao so với điều kiện, bối cảnh của giai đoạn hiện nay.
Đánh giá của Ban quản lý các KCN tỉnh cũng nêu rõ đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các sản phẩm chủ lực đa số đều giảm sản lượng so với cùng kỳ, dự kiến một số sản phẩm chủ lực sẽ không đạt được kế hoạch và kịch bản tăng trưởng năm 2022, như: ô tô, may mặc, phân đạm, kính, xi măng…
Tuy nhiên, với sự quyết tâm của các doanh nghiệp, sự đồng hành của Ban Quản lý các KCN và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, dự kiến các chỉ tiêu tăng trưởng về doanh thu, xuất khấu, thu ngân sách quý III và cả năm 2022 cơ bản được đảm bảo theo kế hoạch.
Cụ thể như về doanh thu, do có sự biến động lớn về giá cả, một số sản phẩm sẽ có giá bán tăng cao như đạm, ô tô, kính (xuất khẩu), camera module, phôi nhôm…, dù sản lượng có giảm nhưng mức doanh thu dự kiến sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, camera module và linh kiện điện tử dự báo sẽ ổn định nguồn hàng và đạt doanh thu tối đa khoảng 1,0 tỷ USD tương đương 23.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH MCNex ViNa.
Cùng với sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp lớn, trong các khu công nghiệp cũng tiếp nhận thêm nhiều dự án hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động. Trong đó nhà máy sản xuất ô tô HTMV số 2 đi vào hoạt động và chạy thử nghiệm trong quý III/2022, nhà máy sản xuất nến thương phẩm tại KCN Phúc Sơn cũng đi vào hoạt động trong quý IV/2022 sẽ tạo ra sản phẩm mới và tăng nguồn doanh thu cho sản xuất công nghiệp. Dự kiến cả năm đạt trên 70.000 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch năm 2022 đề ra là 69.000 tỷ đồng.
Đối với chỉ tiêu về giá trị xuất khẩu, mặc dù có nhiều khó khăn về cước phí vận chuyển, một số thị trường đóng cửa do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nhưng giá trị xuất khẩu vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định.
Quý I, giá trị xuất khẩu đã tăng 37,8%, 6 tháng đầu năm tăng 36,2% do với cùng kỳ, 9 tháng ước đạt 1.348,7 triệu USD, tăng 27,15% so với 9 tháng năm 2021. Trên cơ sở này chúng ta có quyền tin tưởng giá trị xuất khẩu cả năm ước đạt 1.750 USD đạt kế hoạch năm 2022.
Đồng chí Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh nhấn mạnh: Để tạo môi trường phát triển công nghiệp bền vững, Ban quản lý các KCN tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 27/10/2021 về phát triển và quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, thực hiện chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Ninh Bình, tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai thực hiện các giải pháp về lĩnh vực thuế, phí, hải quan, bảo hiểm xã hội cũng như các chương trình, kế hoạch dài hạn về phát triển công nghiệp được kịp thời, đúng thời gian, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.