Các đội bóng V-League đỏ mắt tìm ngoại binh 'xịn'
Dù có nhiều thời gian nhưng các đội bóng V-League 2021 khó tìm được ngoại binh xịn ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa.
Khó có những cầu thủ ngoại chất lượng cập bến V-League trong thời gian tơíẢnh: VPF
Kỳ chuyển nhượng giữa mùa giải V-League 2021 đang diễn ra, thời gian đăng ký cầu thủ cũng đã được lùi lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đội bóng song thực tế cho thấy, khó có những cầu thủ ngoại chất lượng cập bến V-League.
Ưu tiên cầu thủ tại chỗ
V-League 2021 đang tạm hoãn để nhường chỗ cho đội tuyển Việt Nam hội quân chuẩn bị dự Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á.
Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19, giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam hiện vẫn chưa hẹn ngày trở lại. Đây được xem là khó khăn với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) trong khâu tổ chức, sắp xếp lịch thi đấu.
Nhưng nhìn theo góc độ của các đội bóng, đặc biệt những cái tên chơi chệch choạc, lực lượng yếu, đây lại là cơ hội để họ sốc lại nhân sự, tìm kiếm tân binh.
Theo lịch cũ, các đội V-League 2021 được đăng ký bổ sung cầu thủ từ ngày 26/4 - 23/5. Dẫu vậy, mới đây VFF, VPF đã có thông báo dừng việc đăng ký cầu thủ nhằm đảm bảo quyền lợi của các CLB.
Việc này sẽ nối lại khi có thông báo tiếp theo, vào thời điểm xác định được ngày V-League tái khởi động. Đồng nghĩa, các CLB có thêm quỹ thời gian để tuyển chọn tân binh cho giai đoạn 2 V-League 2021.
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều đội bóng đã rục rịch cho công tác chuyển nhượng và tập trung chủ yếu vào các ngoại binh. Lý do bởi chất lượng ngoại binh ở V-League 2021 được giới chuyên môn đánh giá không cao.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, các đội bóng cũng chỉ lấy đi lấy lại của nhau trong khi nguồn cầu thủ mới rất hạn chế. SHB Đà Nẵng mang về Claudecir (Hà Tĩnh) thử việc rồi thanh lý để tuyển Gustavo (B.Bình Dương); Sài Gòn FC tuyển Kebe (SHB Đà Nẵng), Diakite và có thể cả Dario Junior (đều từ TP HCM); CLB TP HCM đem về Patrick (từng thử việc ở Than Quảng Ninh); Bình Định lấy Đinh Hoàng Max (Bình Định); Hải Phòng lấy lại người cũ Joseph Mpande thay Diego Silva…
Điều đó cho thấy, nếu không có sự đột phá trong công tác chuyển nhượng, V-League 2021 vẫn khó chứng kiến những cầu thủ ngoại chuyên môn cao. Thiếu ngoại binh giỏi, dĩ nhiên chất lượng chuyên môn ở V-League ít nhiều bị ảnh hưởng.
Cái khó bó cái khôn
Vấn đề nằm ở chỗ, thời điểm hiện tại rất khó để thị trường cầu thủ ngoại tại V-League khởi sắc. Theo nhà môi giới Nguyễn Minh Châu, kể từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường chuyển nhượng cầu thủ ngoại ở V-League gần như đóng băng.
“
Hầu hết các đội bóng V-League đều tuyển người theo kiểu đãi cát tìm vàng và theo nhu cầu cấp bách chứ không có kế hoạch tìm kiếm, tuyển chọn bài bản. Ở các nước có nền bóng đá phát triển, họ có bộ phận chuyên môn lo việc sàng lọc theo yêu cầu của HLV, Giám đốc kỹ thuật. Khi chốt lại thì chỉ còn vài trường hợp nổi bật nhất. Trong khi đó, một đội bóng V-League có thể thử việc cùng lúc cả chục cầu thủ. Mà cầu thủ trình độ cao họ không bao giờ chấp nhận thử việc ở Việt Nam. Chỉ khi không tìm được chỗ đứng ở châu Âu, Nam Mỹ họ mới tới các nền bóng đá kém phát triển ở châu Á.
Ông Nguyễn Đắc Văn, nhà môi giới cầu thủ từng làm việc tại châu Âu
”
"Thủ tục đưa người nước ngoài vào Việt Nam rất khó khăn nếu không được các cơ quan chức năng bảo lãnh. Ngay cả khi qua được thì vẫn phải cách ly 21 ngày. Chi phí vé máy bay cao, cộng thêm chi phí cách ly lên tới khoảng 12 nghìn USD cho mỗi trường hợp. Đó là chưa kể rủi ro nếu cầu thủ mắc Covid-19 thì chi phí còn tăng lên rất nhiều", ông Châu nói.
Chi phí cao là thế nhưng theo ông Châu, CLB không hề hỗ trợ nhà môi giới, chỉ tiếp nhận cầu thủ thử việc, không quan tâm đưa sang bằng cách nào.
Trường hợp thử việc thất bại, nhà môi giới gần như mất trắng số tiền đó nên đa phần đều không dám mạo hiểm.
Chung quan điểm, nhà môi giới T.D chia sẻ, bản thân cầu thủ cũng ngại việc thi đấu ở một đất nước có dịch, phải cách ly y tế 21 ngày.
“Cầu thủ họ sang mà phải cách ly 21 ngày thì không còn tinh thần để thử việc nữa. Bởi vậy, họ thường ưu tiên tới những quốc gia không phải cách ly”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông T.D, một chi tiết cũng rất quan trọng là mùa giải ở châu Âu chưa kết thúc nên nguồn cầu thủ cũng hạn chế. “Lúc này, những cầu thủ có sang Việt Nam thì đều kém chất lượng hoặc đang thất nghiệp. Chúng tôi đương nhiên cũng phải cảnh giác bởi nếu không cẩn thận sẽ tiền mất tật mang”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Châu dự đoán, ngay cả khi nguồn cầu thủ hết hợp đồng, bị thanh lý ở châu Âu trở nên dồi dào vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 thì thị trường ngoại binh V-League cũng khó sôi động. “Vẫn có cầu thủ ngoại sang Việt Nam nhưng con số chắc chắn không nhiều. Nếu còn dịch bệnh, các CLB khó tìm được cầu thủ nước ngoài tốt”, nhà môi giới này nói.
Vẫn biết tình hình dịch bệnh ảnh hưởng lớn tới công tác chuyển nhượng ngoại binh ở V-League 2021 nhưng nên nhớ, ngay cả thời điểm cách đây 2-3 năm, lực lượng ngoại binh V-League cũng khá nghèo nàn, kém chất lượng, thua xa giai đoạn V-League mới mở cửa.
Ông Nguyễn Đắc Văn, nhà môi giới cầu thủ từng làm việc tại châu Âu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.
“Thứ nhất, điều kiện tại Việt Nam còn hạn chế về nhiều mặt. Tiêu biểu như thu nhập thấp, cơ sở vật chất sinh hoạt nghèo nàn, nhiều đội ở trong những khu nhà lụp xụp. Tôi từng biết có những cầu thủ sang Việt Nam, tới khi nhìn thấy cái nhà vệ sinh của CLB thì lập tức về nước. Ngoài ra, chăm sóc y tế khi bị chấn thương cũng là điểm trừ. Ngay cả việc bàn chân cầu thủ ngoại lớn, tìm đôi giày size 45 ở Việt Nam cực kỳ khó cũng là những lý do tác động tới suy nghĩ của họ”, ông Văn dẫn chứng.