Các đội Đông Nam Á mạnh yếu thế nào 3 năm sau AFF Cup

Hầu hết đội Đông Nam Á yếu đi trong 3 năm qua sau những thất bại ở AFF Cup 2018 và vòng loại World Cup 2022.

Thái Lan chưa chặn được đà suy thoái kể từ AFF Cup 2018. Sau giải Đông Nam Á, họ thất bại tiếp tại Asian Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022. Alexandre Polking là HLV trưởng thứ ba của tuyển Thái Lan kể từ đó tới nay. Hai người còn lại là Milovan Rajevac và Akira Nishino. Thứ hạng FIFA của họ không đổi từ năm 2018 tới nay (11/2021), vẫn là hạng 118 thế giới, kém xa Việt Nam ở hạng 99. Ảnh: Minh Chiến.

Malaysia vẫn duy trì được sự ổn định từ AFF Cup 2018 tới nay. Tại vòng loại World Cup 2022, Malaysia có 12 điểm, đứng thứ ba sau Việt Nam. Đương kim á quân Đông Nam Á vẫn được dẫn dắt bởi HLV Tan Cheng Hoe, có dàn cầu thủ nội chất lượng và bổ sung nhiều ngôi sao nhập tịch. AFF Cup là thời điểm đẹp cho dàn sao đó làm quen và tỏa sáng bên cạnh đồng đội mới. Malaysia sẽ là ứng viên đáng gờm bên cạnh Việt Nam. Từ hạng 167 FIFA hồi năm 2018, Malaysia đã lên hạng 154. Ảnh: Minh Chiến.

Myanmar chơi khá tốt ở AFF Cup 2018 nhưng gây thất vọng tại vòng loại World Cup 2022 khi đứng bét bảng F. Đội tuyển này chia tay rồi quay lại với HLV Antoine Hey, đội hình của họ phần lớn đang thi đấu trong nước. So với năm 2018, Myanmar tụt 9 bậc, xuống hạng 148 thế giới. Đội tuyển này vẫn là cái tên khó chịu, nhưng có lẽ chưa đủ sức cạnh tranh ngôi vô địch Đông Nam Á. Ảnh: Thuận Thắng.

Philippines gây ấn tượng ở vòng loại World Cup 2022 khi đứng thứ ba trong bảng đấu có Syria và Trung Quốc. Đội tuyển này có nhiều cầu thủ chơi ở Thái Lan và một số sao trẻ mới xuất hiện. Hy vọng của họ vẫn nằm ở Neil Etheridge nhưng khả năng về dự AFF Cup của thủ môn nổi tiếng này còn bỏ ngỏ. Không còn Sven-Goran Eriksson, Philippines giờ được dẫn dắt bởi Scott Cooper. Giống Myanmar, Philippines là đội tuyển khó chịu nhưng khả năng cạnh tranh ngôi vô địch không cao. Ảnh: Minh Chiến.

Thất bại ở vòng loại World Cup nhưng giai đoạn cuối của tuyển Indonesia mang tới những hy vọng với sự xuất hiện của dàn sao trẻ trung. Bất chấp những mâu thuẫn với liên đoàn, ông Shin Tae-yong thể hiện được năng lực của mình. Evan Dimas (số 6) vẫn là ngôi sao lớn của tuyển Indonesia. Họ có thể hy vọng vượt qua vòng bảng sau kỳ AFF Cup thất bại trước đó. Ảnh: Quang Thịnh.

Singapore gây được những ấn tượng ở vòng loại World Cup khi hòa Yemen, thắng Palestine. Nhưng trong bảng đấu quá khó, họ không đủ sức tạo nên bất ngờ. Người khổng lồ ngủ say của bóng đá Đông Nam Á đã vắng mặt ở bán kết trong 3 kỳ tổ chức gần nhất. Singapore kỳ vọng khá nhiều vào ông Tatsuma Yoshida (ảnh), HLV ngoại người châu Á đầu tiên trong lịch sử đội tuyển. Ảnh: SFA.

Tuyển Việt Nam từng chỉ dùng đội hình dự bị mà vẫn thắng Campuchia 3-0 ở AFF Cup 2018. 3 năm sau, Campuchia chưa có gì tiến bộ. Toàn bộ đội hình của họ vẫn chơi bóng trong nước, Chan Vathanaka cũng trở về sau những chuyến xuất ngoại thất bại. Campuchia đã có HLV mới Ryu Hirose đồng hành cùng Keisuke Honda, người hiếm khi trực tiếp dẫn dắt đội tuyển này. Ảnh: Minh Chiến.

Lào là đội duy nhất ở bảng A của AFF Cup 2018 không có điểm nào. Việc không được dự vòng loại thứ hai World Cup 2022 khiến tuyển Lào không có trận đá giải nào suốt 3 năm qua. Họ mới bổ nhiệm HLV người Singapore V. Selvaraj nhưng có lẽ AFF Cup 2020 chưa phải thời điểm để kỳ vọng vào Lào. Ảnh: Thuận Thắng.

Timor-Leste trở thành cái tên cuối cùng góp mặt ở AFF Cup sau khi Brunei rút khỏi giải. Họ không giành được điểm nào tại AFF Cup trước và nhiều khả năng sẽ là kho điểm tại bảng B giải năm nay. Ảnh: AFF.

Tuấn Anh, Hồng Duy đến sớm trong ngày tuyển Việt Nam hội quân Chiều 20/11, Tuấn Anh, Hồng Duy, Tấn Tài, Thanh Thịnh có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất khá sớm để chờ nhóm đồng đội từ Hà Nội.

Thanh Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-doi-dong-nam-a-manh-yeu-the-nao-3-nam-sau-aff-cup-post1279148.html