Các đội ghe ngo trên địa bàn huyện Long Phú sẵn sàng cho giải đua huyện nhà
Cùng với các địa phương khác trong tỉnh Sóc Trăng, tại huyện Long Phú, trong những ngày qua, không khí tập luyện của các đội ghe ngo cũng thật rộn ràng, vừa chuẩn bị cho Giải đua ghe ngo của huyện vừa tiến tới Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI (gọi tắt là Lễ hội) và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024.
Chúng tôi có mặt tại sân chùa Kom Pong Mean Chey Tứk Prây, thị trấn Long Phú tầm khoảng 4 giờ chiều, không khí chuẩn bị cho cuộc tập luyện rất nhộn nhịp. Có rất nhiều người hâm mộ đến ủng hộ tinh thần, phục vụ nước uống cho anh em vận động viên (VĐV).
Là một trong những VĐV kỳ cựu tham gia vào đội ghe ngo chùa Tứk Prây, anh Trần Thanh Vũ chia sẻ: “Đã hơn 10 năm nay, cứ đến mùa hội đua, dù thế nào, tôi cũng tranh thủ thời gian đến đây tập luyện cùng với anh em trong đội. Vì đây là môn thể thao truyền thống mà tôi yêu thích nhất. Được đi tập luyện và thi đấu từ giải huyện đến tỉnh, tôi cảm thấy rất vui”.
Đội ghe ngo chùa Tứk Prây không hề xa lạ với làng ghe ngo tỉnh nhà, bởi vẫn đều đặn xuất hiện trên đường đua từ nhiều năm qua, nhưng khá lặng lẽ, vì ít khi đội vào sâu ở các giải đua. Năm 2012, ghe ngo chùa Tứk Prây lại đến với Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo tỉnh, nhưng với chiếc ghe đóng mới cùng một lực lượng được tập luyện bài bản, quyết tâm hơn. Kết quả đội ghe ngo của chùa đã đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi lần lượt vượt qua tất cả đối thủ để đoạt ngôi vô địch. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thành tích ấy không thể giữ được, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính từ thất bại đó, mà giải đua năm nay, các VĐV của đội ghe ngo chùa Tứk Prây tập luyện càng quyết tâm hơn.
Anh Sơn Đồng Tháp, người thổi còi cho đội ghe ngo chùa Tứk Prây bày tỏ: "Trước hết, chúng tôi tập trung cho một giải đua truyền thống của huyện Long Phú. Trong số gần 100 VĐV tập mỗi ngày, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển chọn những VĐV khỏe mạnh, có kinh nghiệm để tham dự hội đua khu vực sắp tới.
Ông Kim Hal - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ghe ngo chùa Tứk Prây cho biết: “So với mấy năm trước, năm nay tinh thần anh em VĐV đến tập luyện vào mỗi buổi chiều đông đủ hơn, quyết tâm cao. Bởi nhà chùa đã kêu thợ sửa chữa, vẽ hoa văn lại chiếc ghe ngo. Sau một thời gian tập luyện thể lực trên giàn, đến ngày 27/10, nhà chùa tổ chức hạ thủy chiếc ghe ngo mới sửa chữa, sau đó cho các VĐV tiếp tục tập luyện, thử tốc độ ghe ngo. Kỳ vọng, giải đua huyện Long Phú sắp tới đạt kết quả cao nhất”.
Cùng với công tác chuẩn bị tập luyện cho Giải đua của huyện Long Phú, cũng như Lễ hội sắp tới, đội ghe ngo chùa Bâng Kro Chắp Thmây, xã Tân Hưng cũng ráo riết tập luyện thể lực từ trên giàn đến tập trên ghe ngo để thử tốc độ.
Anh Thạch Tuấn Tài - VĐV đội ghe ngo chùa Bâng Kro Chắp Thmây chia sẻ: “Dù tập luyện trên chiếc ghe ngo cũ, nhưng đồng đội chúng tôi vẫn nêu cao quyết tâm và tinh thần sẵn sàng đến với Giải đua ghe ngo truyền thống của huyện. Đây là một giải đua “thử lửa” để các đội ghe ngo trong huyện có dịp tranh tài với nhau, tạo không khí vui tươi trước thềm Lễ hội khu vực”.
Theo đồng chí Lê Thanh Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Tổ chức Giải Đua ghe Ngo truyền thống huyện Long Phú lần thứ 18 năm 2024:
Đua ghe ngo là một môn thể thao đặc trưng của dân tộc nên luôn được huyện quan tâm tổ chức hằng năm. Giải đua huyện năm nay sẽ diễn ra vào ngày 1/11, trên đoạn sông từ ấp Cái Quanh (xã Tân Thạnh) về ấp Tân Qui A (xã Tân Hưng), với sự tham gia của 4 đội ghe ngo trong huyện. Việc tổ chức giải đua cấp huyện nhằm tạo điều kiện cho các đội ghe ngo có dịp thi đấu với nhau để kiểm tra phương tiện, kỹ thuật, chiến thuật trong quá trình tập luyện và chuẩn bị lực lượng VĐV tham gia Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024 đạt kết quả tốt hơn. Qua đó, nhằm phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân và thu hút đông đảo người hâm mộ đến xem, cổ vũ.